Thi tốt nghiệp THPT: 1 hay 2 đợt?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
04/06/2021 08:12 GMT+7

Việc Bộ GD-ĐT đưa ra phương án cho thí sinh diện F1 mặc đồ bảo hộ để dự thi tốt nghiệp THPT mà không tuyên bố rõ sẽ tổ chức thi đợt 2 khiến dư luận và các địa phương rất lo ngại.

Thí sinh diện F1 và giám thị mặc đồ bảo hộ

Tại hội nghị trực tuyến bàn phương án cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, Bộ GD-ĐT thông tin: các trường hợp F0, F1, F2 là học sinh lớp 12 tham gia kỳ thi sẽ được cập nhật từng ngày để từ đó có phương án, kịch bản cụ thể.
Đến thời điểm này, phương án dự kiến là cố gắng tổ chức kỳ thi đúng lịch. Ban chỉ đạo thi các địa phương phối hợp với các ban, ngành để phân loại đối tượng học sinh trong diện F0, F1, F2.
Học sinh lớp 12 tại TP.HCM trong những ngày còn ôn thi tập trung tại trường trước khi học trực tuyến do giãn cách xã hội ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Học sinh lớp 12 tại TP.HCM trong những ngày còn ôn thi tập trung tại trường trước khi học trực tuyến do giãn cách xã hội

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Trong đó thí sinh (TS) diện F0 sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp. TS F1, F2 sẽ được thi riêng. Riêng TS F1 đang phải cách ly tập trung, Bộ cho rằng sẽ di chuyển đến điểm thi. TS và cán bộ tham gia tổ chức thi tại điểm thi này phải sử dụng đồ phòng hộ.

Nên đặc cách tốt nghiệp cho cả thí sinh diện F1?

Xung quanh phương án cho TS diện F1 dự thi, nhiều ý kiến không đồng tình với “kịch bản” đầy mạo hiểm của Bộ GD-ĐT.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới GD-ĐT, cho rằng nếu số TS thuộc diện F1 và nằm trong vùng cách ly y tế trên cả nước quá ít thì Bộ có thể tính toán xem xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho các em, trường ĐH có quyền tự chủ tuyển sinh có thể theo đặc thù cũng xét tuyển cho đối tượng này.
Theo ông Lâm, TS diện F1 và cả người coi thi cũng rất căng thẳng, điều kiện ôn thi ở khu cách ly không thể như TS ở bên ngoài. “Tôi đề nghị Bộ tổ chức kỳ thi thành nhiều đợt, TS diện F1 sẽ thi đợt sau”, ông Lâm nói.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cũng nêu quan điểm: “Năm ngoái, dịch bệnh không căng thẳng như hiện nay, số ca mắc trên cả nước ít hơn nhưng Bộ đã tổ chức hai đợt thi rất thành công. TS diện F1, F2 hoặc cư trú ở vùng phong tỏa, cách ly đều không dự thi đợt 1 thì tại sao lần này Bộ lại không làm như vậy?”.

Trường hợp phức tạp sẽ báo cáo Chính phủ để có phương án điều chỉnh thi

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5.2021, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết cho đến nay, Bộ GD-ĐT cùng các địa phương đã có những bước chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để tổ chức kỳ thi đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ coi thi. Theo kế hoạch, kỳ thi sẽ được tổ chức vào ngày 7 và 8.7. Cho đến nay công tác chuẩn bị đã diễn ra đúng tiến độ và nghiêm túc. Trong trường hợp đến thời điểm đó mà dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, vẫn còn các địa phương phải giãn cách xã hội, cách ly thì Bộ sẽ có phương án để thí sinh những vùng phải cách ly, những thí sinh bị cách ly về y tế được thi vào đợt 2. Trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn nữa, lan rộng, tác động xấu đến địa phương, tỉnh, thành phố, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để có những phương án điều chỉnh về thời gian tổ chức thi.
Ông Bình cho rằng Bộ nên xét tốt nghiệp với TS diện F1 và F2 nếu đang thực hiện quy định cách ly không thể đến dự thi. “Chúng ta cần có cái nhìn tin tưởng và nhân văn hơn trong câu chuyện này”, ông Bình chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cũng đề nghị: Bộ nên xét đặc cách với TS là F1 hoặc để các TS “có F” thi vào đợt 2 nếu em nào có nhu cầu dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào trường ĐH mà mình mong muốn. Việc mặc đồ bảo hộ dự thi, coi thi rất khổ cho học sinh và giáo viên mà cũng chưa thể nói như vậy là đảm bảo an toàn, không lây nhiễm chéo.

Nên chốt sớm có tổ chức kỳ thi đợt 2

Bộ cho rằng đã tính toán, xây dựng kịch bản để ứng phó với các tình huống khác nhau theo diễn biến của dịch bệnh. Trong tình huống bất khả kháng khi các địa phương có nhiều TS trong diện F1, F2, Bộ sẽ cân nhắc việc tổ chức đợt thi thứ 2, căn cứ vào kinh nghiệm đã làm năm 2020.
Nhiều ý kiến cho rằng tình hình dịch bệnh năm nay đang phức tạp hơn nhiều mà sao Bộ lại phải mất nhiều thời gian “cân nhắc” như vậy. Còn nhớ, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (8.2020) diễn ra trong bối cảnh cả nước đối mặt với dịch Covid-19 giai đoạn 2 với tổng số ca mắc trong nước là 554 ca, trong đó “tâm dịch” chủ yếu tập trung ở TP.Đà Nẵng và một số huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Nam.
Chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, cả nước căng sức chống dịch Covid-19 giai đoạn 4 phức tạp hơn rất nhiều về mức độ lây nhiễm. Đến ngày 3.6, số ca mắc trong nước là 4.955 ca, gấp gần chục lần so với thời điểm diễn ra kỳ thi năm ngoái.

F1 “mặc đồ bảo hộ” đi thi, còn nhiều băn khoăn

Thời điểm này các tỉnh đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy chưa có địa phương nào yêu cầu TS diện F1 “mặc đồ bảo hộ” đi thi như dự kiến mà Bộ GD-ĐT đưa ra với kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, chia sẻ: Dự báo đến ngày tổ chức kỳ thi, tỉnh vẫn còn TS phải cách ly. Bắc Giang đã quyết định lùi lịch thi tuyển sinh lớp 10 đến cuối tháng 7 thay vì đầu tháng 6 như dự kiến trước đó vì có quá nhiều TS “có F” hoặc đang trong khu vực cách ly, phong tỏa. “Bắc Giang không tính đến việc cho TS F1 thi hoặc tổ chức thi lớp 10 trong vùng cách ly vì nguy cơ lây nhiễm chéo từ bài học ở các khu công nghiệp đã cho thấy rất rõ điều đó”, ông Nam nói.
Hà Nội quyết định tuyển thẳng với TS F0, F1 và xét tuyển bằng học bạ để tuyển sinh vào lớp 10 với TS diện F2 đang trong thời gian cách ly, diện lưu trú tại địa bàn bị cách ly, phong tỏa hoặc diện khác mà không được đến trường thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cũng nhấn mạnh: “Phương án này được đưa ra để đảm bảo an toàn cho các TS, các lực lượng phục vụ kỳ thi”. Hà Nội cũng bổ sung chỉ tiêu cho các trường để tuyển các TS này mà không ảnh hưởng đến các TS phải dự thi.
Bình luận về quyết định này, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng: kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vốn là để tuyển chọn nhưng Hà Nội vẫn quyết định tuyển thẳng và xét tuyển cho TS F1, F2 để đảm bảo an toàn cho chính TS và cho cả kỳ thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT bản chất chỉ là để xét tốt nghiệp cho HS sau 12 năm học, không có lý do gì phải làm căng thẳng hơn so với kỳ thi tuyển sinh có mức độ cạnh tranh hơn nhiều như vậy.
Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Bắc Ninh, đề nghị nếu vẫn quyết cho TS diện F1 dự thi thì Bộ GD-ĐT phải tính đến khó khăn của địa phương trong điều động cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ thi ở các điểm thi dành cho TS F1. Địa phương bắt buộc cử đi hay huy động tham gia? Cán bộ tham gia thi tại điểm thi có TS F1 sẽ phải cách ly bao nhiêu ngày? Bộ cũng cần có hướng dẫn cho TS thuộc vùng cách ly, phong tỏa thì có được dự thi hay không?
Tuyết Mai
Sốt ruột nhất trong việc chờ Bộ tuyên bố chính thức sẽ tổ chức kỳ thi đợt 2 là các địa phương được coi là “tâm dịch”. Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Bắc Ninh, đề nghị: “Bộ cần sớm có văn bản hướng dẫn (đối với các địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp) để địa phương chủ động xây dựng các phương án ứng với tình huống cụ thể, đảm bảo quyền lợi cho các TS dự thi. Trong đó tính đến phương án tổ chức thi lần 2, cho mốc thời gian khi nào thi đợt 2 để các địa phương chủ động thời gian xây dựng kế hoạch vì không chỉ lo thi tốt nghiệp THPT mà địa phương còn một loạt các công việc khác phải làm như tuyển sinh vào lớp 10, thực hiện các nội dung chuẩn bị năm mới, nhất là nhiệm vụ liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa”.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm đề nghị: “Để tránh các địa phương và TS phải chờ đợi, hồi hộp thì Bộ cần sớm đưa ra nhiều kịch bản cụ thể, khác nhau ứng với tình hình thực tế về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.