Thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ: Sôi động tư vấn trực tuyến

15/04/2016 07:55 GMT+7

Chiều 14.4, buổi Tư vấn truyền hình trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức đã diễn ra sôi động cùng lúc tại địa chỉ: thanhnien.vn , www.facebook.com/thanhnien .

Chiều 14.4, buổi Tư vấn truyền hình trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức đã diễn ra sôi động cùng lúc tại địa chỉ: thanhnien.vnwww.facebook.com/thanhnien

Buổi Tư vấn truyền hình trực tuyến chiều 14.4
- Ảnh: Đào Ngọc ThạchBuổi Tư vấn truyền hình trực tuyến chiều 14.4 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Với 29.000 lượt xem, chương trình đã giải đáp hàng loạt băn khoăn của bạn đọc xung quanh việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi.
Nên đăng ký thi bao nhiêu môn?
Ngay khi bắt đầu chương trình, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, lưu ý thực tế năm 2015 từng xảy ra hiện tượng có những thí sinh (TS) đăng ký môn thi xét công nhận tốt nghiệp nhưng khi đi thi lại thi môn khác, dẫn đến tình trạng không đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Do vậy, TS cần phải hết sức cẩn trọng, đăng ký và dự thi đủ 4 môn xét tốt nghiệp bên cạnh môn xét tuyển ĐH, CĐ.
Đặt câu hỏi trực tiếp từ hội trường, một học sinh Trường THPT Ernst Thalmann (Q.1, TP.HCM) băn khoăn về số lượng môn đăng ký dự thi. Ông Nguyễn Quốc Cường khuyên số lượng tổ hợp môn của các trường là rất nhiều. Nếu đăng ký thi với mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ thì đăng ký từ 5 môn trở lại là hợp lý, đáp ứng nhiều tổ hợp môn khác nhau. Nếu giỏi các môn tự nhiên, TS có thể đăng ký thêm môn tự chọn là lý, hóa, sinh; giỏi các môn xã hội thì thi thêm sử, địa. Nếu đăng ký 6 - 7 môn thì thời gian ôn tập sẽ bị dàn trải, hiệu quả không cao.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, nói số liệu thống kê việc đăng ký môn thi năm ngoái cho thấy số lượng TS đăng ký 5 môn là nhiều nhất. “Tôi cho rằng TS nên tập trung đăng ký những môn mình có năng lực nhất chứ không nên quá dàn trải”.
Tuy nhiên, bằng một góc nhìn khác, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng nếu không có gì trở ngại thì TS có thể đăng ký và dự thi thêm một số môn ngoài 4 môn thi để xét tốt nghiệp. Bởi lẽ, việc thi thêm môn cũng chính là tăng thêm cơ hội lựa chọn cho TS khi xét tuyển vào nhiều tổ hợp mới của các trường năm nay.
Xét tuyển các nguyện vọng như thế nào?
Đến tham dự chương trình, một phụ huynh đặt câu hỏi: “Theo quy chế tuyển sinh thì năm nay mỗi TS được đăng ký 2 trường, vậy việc xét tuyển thứ tự 2 trường và 2 ngành ở mỗi trường như thế nào, theo thứ tự ưu tiên hay xét đồng thời?”.
Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, thông tin: “Quy chế tuyển sinh năm nay cho phép ở đợt xét tuyển đầu tiên mỗi TS được nộp hồ sơ vào tối đa 2 trường và mỗi trường tối đa 2 ngành, có nghĩa TS cũng có thể nộp một hồ sơ vào một ngành duy nhất. Các trường xét tuyển hoàn toàn độc lập. Tuy nhiên trong mỗi trường, việc xét tuyển 2 nguyện vọng sẽ theo thứ tự ưu tiên, TS đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được tham gia xét ở đợt sau. Do vậy, tối đa mỗi đợt xét tuyển TS chỉ trúng tuyển vào 2 ngành. Tuy nhiên, mỗi TS chỉ có một giấy chứng nhận kết quả thi nên dù trúng tuyển vào 2 trường nhưng chỉ được quyền quyết định nhập học vào một ngành và một trường duy nhất”.
Thạc sĩ Hạp nhấn mạnh năm ngoái Trường ĐH Sài Gòn có gần 10 trường hợp TS bị trúng tuyển vào nguyện vọng không mong muốn do cố ý để đăng ký hết số nguyện vọng được phép. Kết quả, TS đã rớt nguyện vọng yêu thích và trúng tuyển “bất đắc dĩ” vào ngành đăng ký “cho vui”, mất cơ hội ở nguyện vọng bổ sung.
Cũng băn khoăn về vấn đề này, Chung Minh, học sinh Trường THPT Ernst Thalmann, hỏi: “Nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì sẽ được tự động xét xuống nguyện vọng 2 của trường đó, vậy có còn cơ hội nào để theo học ngành đã lựa chọn ban đầu nhưng bị rớt không?”. Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp tư vấn thêm: “TS chỉ đặt bút đăng ký ngành học mình thực sự yêu thích dù đó là nguyện vọng nào, ở trường thứ nhất hay thứ hai. Ở nguyện vọng thứ hai TS nếu thực sự thích mới đăng ký, không thì không nên ghi vào thì mới còn cơ hội ở đợt xét tuyển bổ sung tiếp theo. Vì một khi đã trúng tuyển ở nguyện vọng trước, TS sẽ không còn cơ hội tham gia xét tuyển lần nữa ở nguyện vọng kế tiếp”.
Bạn đọc có thể xem lại toàn bộ chương trình tại: thanhnien.vnwww.facebook.com/thanhnien
Được nộp tối đa bao nhiêu hồ sơ xét tuyển?
Một nội dung quan trọng liên quan đến quy chế xét tuyển đã được các chuyên gia phân tích chi tiết: TS được nộp tối đa bao nhiêu hồ sơ xét tuyển?
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh cho rằng quy chế tuyển sinh năm nay không cho phép TS rút hồ sơ trong quá trình xét tuyển nhưng được phép đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến. Do vậy, TS cần hết sức cân nhắc, chỉ đăng ký xét tuyển trực tuyến vào đúng ngành và trường mình có nguyện vọng theo học. Dù không bị hạn chế số lượng trường nộp hồ sơ trực tuyến nhưng mỗi TS chỉ được 2 trường nhập dữ liệu của mình vào hệ thống quản lý thi. Nếu TS đăng ký đại thì rất có khả năng bị đánh mất cơ hội thật sự, vì nếu trường mà TS đã đăng ký trực tuyến lấy dữ liệu nhập vào hệ thống quản lý thi quốc gia thì dữ liệu của TS sẽ bị khóa, nên không thể tiếp tục đăng ký vào trường sau đó.
Minh họa lưu ý này, thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, nói: “Ở đợt đầu TS được phép nộp hồ sơ vào 2 trường. Nếu đăng ký trực tuyến vào 10 trường thì chỉ 2 trường nhập dữ liệu trước vào hệ thống mới được quyền xét tuyển. Chẳng may trong số 10 trường chỉ 2 trường cuối cùng mới đúng nguyện vọng thì vô tình TS đã đánh mất cơ hội của chính mình”.
Lưu ý về cụm thi địa phương và đại học trong câu hỏi đặt từ fanpage Facebook của Thanh Niên, thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp nhắc nhở năm ngoái có một số TS đã nhập nhầm mục đích dự thi. Thay vì vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, TS chỉ đánh dấu vào mục đích thi tốt nghiệp nên đã mất quyền lợi xét tuyển vào các trường ĐH chỉ xét tuyển kết quả từ kỳ thi này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.