Thi THPT quốc gia: Đề sử hay, không ràng buộc thí sinh về số liệu

04/07/2016 11:20 GMT+7

Tiến sĩ Trần Ngọc Khánh, Trường THPT Vĩnh Viễn (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết so sánh với đề thi năm trước thì đề thi sử năm nay hay hơn, không ràng buộc về số liệu nên thí sinh (TS) dễ làm.

Ngoài ra, đề thi có 4 câu và không phân biệt lịch sử Việt Nam hay lịch sử thế giới.
Đặc biệt, đề thi yêu cầu TS vừa trình bày, phân tích và thể hiện khả năng vận dụng. Trong đó TS thể hiện khả năng của mình qua việc vận dụng đưa ra ý kiến của mình đối với sự phát triển của đất nước.
Đề thi cũng chú trọng đến hiểu biết của TS về vấn đề đại đoàn kết của dân tộc. B.Thanh (ghi)
* Tại điểm thi Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhiều TS đã rời khỏi phòng thi với tâm trạng phấn khởi, vui vẻ khi vừa hết hai phần ba thời gian làm bài. Các TS chia sẻ đề thi sử năm nay đòi hỏi sự hiểu biết và kỹ năng vận dụng là chính. Hầu hết TS đều làm trọn vẹn bài thi và không có câu nào quá khó.
TS Nguyễn Thị Diệu Thu (HS Trường THPT Trung Lập) hào hứng cho biết: “Câu hỏi về lịch sử thế giới nằm ngay trong đề cương ôn tập nên em không gặp khó khăn gì, còn phần lịch sử Việt Nam thì đòi hỏi TS phải tư duy, vận dụng từ lý thuyết đến thực tiễn nên rất gần gũi. Học sinh trung bình dễ dàng lấy được điểm 6, khá giỏi có thể đạt điểm 9, còn điểm tuyệt đối thì hơi khó”.
Tại cụm thi Trường ĐH Bách khoa TP.HCM hầu hết TS rời khởi phòng thi khi vừa hết hai phần ba thời gian làm bài
Cùng nhận định trên TS Phạm Thị Thùy Trinh (HS Trường THPT Nguyễn Văn Cừ) vui vẻ: “Câu 4  'Suy nghĩ về truyền thống dân tộc' khiến em suy nghĩ nhiều nhất nhưng em lại thích nhất. Nó đòi hỏi TS phải nhìn sâu, hiểu rộng thì mới làm tốt được. Với đề này em có thể chắc chắn được hơn 7 điểm”. Nữ Vương (ghi)
* Vừa kết thúc 2/3 thời gian thi Nguyễn Ngọc Yến Vy (Trường Trung học Thực hành, TP.HCM) ra khỏi khu vực thi với gương mặt tươi cười. Vy cho biết: “Đề thi sử phân bố khá hợp lý từ câu hỏi về lịch sử thế giới cho tới phong trào yêu nước,… đều là kiến thức cơ bản. Trong năm học chúng em đã học đi học lại rất nhiều lần nên khi làm bài thấy rất hào hứng. Đặc biệt với câu hỏi cuối cùng trong đề thi là câu hỏi mở cho phép TS được thể hiện chính kiến của mình nên em làm rất thoải mái. Nếu nói đạt điểm tuyệt đối thì còn chủ quan nhưng về cơ bản cũng đạt khoảng 80% bài thi".
Nhiều TS ra sớm cũng nhận xét đề thi môn lịch sử vừa sức và khá hợp lý. Câu cuối là câu đánh giá quan điểm cá nhân của TS nên ra theo hướng mở. Lê Nhật Trường (ngụ Bình Chánh, TP.HCM) nói: “Em nghĩ đề thi năm nay chỉ cần chịu học bài là TS có thể đạt 6-7 điểm. Còn TS muốn đạt điểm tuyệt đối phải có quan điểm sắc sảo...”. Lam Ngọc (ghi)
* Nhận xét về đề thi môn sử, TS Huỳnh Tấn Long (HĐT THPT Trần Phú, Đà Nẵng) vui vẻ nói: “Đề năm nay không cần nhớ máy móc, mà trên cơ sở sự kiện, TS có thể rút ra nhận xét theo sự hiểu biết của bản thân”.
TS Ngọc Châu, THPT Ngô Quyền thì tỏ ra tiếc nuối bởi trong bài làm, dù vận dụng kiến thức sách giáo khoa đầy đủ, nhưng Châu chưa vận dụng được kiến thức bên ngoài liên hệ vào bài viết để phân tích sâu hơn. Nhưng Châu cũng cho rằng, đề thi môn sử năm nay không quá dài, kiến thức trọng tâm trong chương trình lớp 12 là chính.
TS Lê Thị Nhung (học chuyên sử, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) cho biết: “Đề sử năm nay dễ hơn so với năm trước, giữa phần lý thuyết và vận dụng tương đương nhau, dễ lấy điểm hơn. Em thích nhất câu cuối, suy nghĩ của em để phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc...”. Diệu Hiền -Thảo Thương (ghi)

tin liên quan

Thanh Niên Online sẽ đăng đáp án kỳ thi THPT quốc gia
Theo dự kiến, chiều nay (4.7), sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, Bộ GD-ĐT sẽ công bố đáp án các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Thanh Niên Online sẽ cập nhật đáp án này để phục vụ bạn đọc.

* Nhận định về đề thi môn sử, nhiều TS ở Quảng Ngãi cho rằng đề thi không khó nhưng cũng không dễ. Đây là dạng đề mở, không đòi hỏi học sinh phải thuộc bài.

Tại các điểm thi ở Quảng Ngãi, phần đông TS đều rời phòng thi sớm so với thời gian quy định. Một TS học tại Trường THPT Tư Nghĩa 1 cho biết đề thi sử năm nay buộc TS phải suy nghĩ, phải hiểu cụ thể nội dung từng câu mới làm bài được. TS Bùi Quốc Bảo nói: “Nhìn chung đề thi không khó lắm nên nhiều bạn làm bài còn dư thời gian”.

Nhiều TS sau khi thi xong môn sử được nhận cơm miễn phí ngay cổng trường thi Ảnh: HIỂN CỪ

Theo TS Lê Mai Anh Thư (HS Trường THPT chuyên Lê Khiết), dự thi xét tuyển ĐH khối C, đề thi bám sát thực tế, đặc biệt là câu tự luận về thế hệ trẻ Việt Nam cần làm gì để tiếp nối truyền thống đoàn kết của dân tộc. “Đây là câu khá hay và lý thú nên khơi dậy nguồn cảm xúc cho TS viết về tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết từ ngàn đời nay của dân tộc Việt. Đồng thời, thông qua đó phát huy tinh thần yêu nước trong mỗi học sinh”, TS Thư chia sẻ. Hiển Cừ (ghi)

* Tại cụm thi tỉnh Bình Định, nhiều TS hết 2/3 thời gian làm bài thi đã nộp bài ra về. Theo đánh giá chung của các TS thì đề lịch sử ra theo hướng mở nên khó có điểm tuyệt đối. Nhiều TS cho rằng đề lịch sử ra khá thú vị vì đòi hỏi TS vừa nắm vững kiến thức trong chương trình học phổ thông vừa phải vận dụng kiến thức xã hội vào làm bài thi. Trong đó, nhiều TS lại tâm đắc với câu hỏi về tính đoàn kết dân tộc trong thế hệ trẻ Việt Nam.
Các TS ở Bình Định ra về sau môn sử với tâm trạng phấn khởi
TS Nguyễn Thị Tâm (ở huyện Phù Mỹ) cho biết: “Trong 4 câu hỏi thì chỉ câu 1 là yêu cầu học thuộc bài, còn 3 câu hỏi sau thì đề ra theo hướng mở đòi hỏi không chỉ có kiến thức sách giáo khoa mà phải có kiến thức xã hội tốt mới diễn đạt tốt trong bài thi. Đặc biệt, câu 4 rất thú vị bởi nói về tính đoàn kết dân tộc ở thế hệ trẻ Việt Nam nên tùy vào suy nghĩ, hiểu biết và cảm nhận của mỗi TS mà vận dụng vào bài thi”. Tâm Ngọc (ghi)
* Sau khi hoàn thành môn lịch sử sáng nay, nhiều TS tại cụm thi số 39 do ĐH Huế chủ trì nhận định đề thi năm nay có nhiều câu hỏi mở.
Tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm (TP.Huế), TS Phan Thị Thùy Dương cho biết: “Trong 4 câu thì chỉ có câu 1 là lý thuyết hoàn toàn, 3 câu còn lại đều có câu hỏi mở, đòi hỏi TS phải biết phân tích, đánh giá và liên hệ thực tế. Nếu học thuộc lòng kiến thức mà không hiểu biết, không phân tích được thì cũng không thể làm tốt được”.
Nhiều TS cũng cho rằng đề thi môn lịch sử khá bất ngờ. Tại điểm thi Trường ĐH Khoa học Huế, TS Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: “Cố gắng học thật nhiều bài trong sách nhưng đề thi lại không nặng lý thuyết. Đề thi không đòi hỏi TS phải nhớ cụ thể các mốc thời gian, sự kiện xảy ra mà phải tư duy phân tích và hiểu biết nhiều”. Tuyết Khoa (ghi)
* Theo thạc sĩ Phan Văn Bông (Trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt, Lâm Đồng), đề thi sử cũng bám sát chương trình phổ thông, có câu ghi nhớ, cũng có những câu hiểu, phân tích, vận dụng... “Nói chung đề thi giảm áp lực học thuộc lòng cho học sinh, giảm ghi nhớ sự kiện, số liệu... Tuy nhiên, để làm tốt học sinh phải thực sự hiểu bài và có thêm nhiều kiến thức xã hội khác...”, ông Bông cho hay.
TS Hoàng Kim Hòa (điểm thi ĐH Đà Lạt) cho biết: “Đề thi năm nay có vẻ khó hơn năm ngoái, tuy nhiên đề có tính phân tích, hiểu biết nhiều hơn và cũng bám sát chương trình trong sách giáo khoa. Điểm cao thì hơi khó chứ trung bình khá thì chắc nhiều bạn làm được, riêng em thì làm được khoảng 6 - 7 điểm”. Gia Bình (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.