Thi THPT quốc gia 2020, phương án nào hợp lý ?

16/04/2020 07:21 GMT+7

Trước thông tin Bộ GD-ĐT có cả 2 phương án thi và không thi THPT quốc gia năm nay, nhiều học sinh cũng như giáo viên đã có những ý kiến trái chiều.

Nên thi nếu học sinh quay lại trường trước ngày 15.6

Trước 2 phương án mà Bộ đưa ra, ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (TP.HCM), cho rằng với tình hình dịch bệnh hiện tại thì việc chọn một phương án nào để công nhận kết quả học tập của học sinh (HS) lớp 12 cũng đều là phương án tình thế.
“Tôi nghĩ Bộ đã có những tính toán, cân đối để làm sao ít bị ảnh hưởng nhất cũng như là chọn phương án tốt nhất cho HS lớp 12 năm nay”, ông Hiếu nói và nhận định, nếu HS có thể quay lại trường trước ngày 15.6 thì việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như những năm trước là phù hợp.
Ông Hiếu nói thêm: “Xét về mặt quy định của kỳ thi thì rõ ràng phương án này ít bị ảnh hưởng nhất. Nếu không tổ chức thi mà chuyển sang xét học bạ thì Bộ sẽ phải thay đổi quy chế xét và công nhận kỳ thi của quốc gia. Mà để thay đổi quy chế thì Bộ sẽ phải trình qua các cấp, điều này rất mất thời gian và có thể ảnh hưởng đến chương trình học của những năm sau đó”.
Nếu HS quay lại trường từ ngày 15.6 và có một tháng để ôn tập thì ông Hiếu cho rằng HS vẫn có đủ kiến thức, kỹ năng để tham gia kỳ thi vì trên thực tế thì từ khi nghỉ học, HS tất cả các tỉnh thành đã tổ chức học trực tuyến, học trên truyền hình. Các em cũng có nhiều thời gian ở nhà để tự học, ôn luyện kiến thức. Ngoài ra, chương trình học và thi cũng đã được tinh giản rất nhiều, Bộ cho biết cũng sẽ giảm độ khó của đề thi năm nay.
Vì mục đích của kỳ thi quốc gia, ngoài xét tốt nghiệp, đại học ra thì nó còn liên quan đến việc khảo thí, chất lượng giáo dục, xếp hạng mảng THPT... Và đây cũng là sân chơi công bằng cho HS và là cơ sở để đánh giá thí sinh khách quan hơn.
“Việc bây giờ là Bộ nên xem xét, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến việc học của HS lớp 12 do dịch bệnh ở các vùng miền như thế nào. Nếu cần thiết, Bộ có thể xem xét lại các quy chế ưu tiên dựa trên sự ảnh hưởng của dịch bệnh và điều kiện học tập của thí sinh ở từng vùng miền để đánh giá công bằng hơn cho các em”, ông Hiếu chia sẻ.

Xác định mục đích chính của kỳ thi THPT quốc gia

Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), bày tỏ quan điểm: “Để có phương án tốt nhất theo tôi cần trả lời 2 câu hỏi: Một là mục đích thi THPT quốc gia để làm gì? Hai là, với tình hình hiện nay thì khi nào HS có thể đi học trở lại?”.
Ông Bình phân tích nếu với mục đính chính kỳ thi là công nhận tốt nghiệp thì Bộ cần bỏ hẳn kỳ thi năm nay vì tỷ lệ tốt nghiệp THPT rất cao, như vậy một kỳ thi quy mô quốc gia với kinh phí rất lớn chỉ để xét tốt nghiệp là không nên. Bên cạnh đó, còn phải nhìn nhận năm nay tình hình thực hiện khung thời gian năm học còn lại rất ít, áp lực các bài kiểm tra định kỳ cho đủ điểm số để xét hoàn thành năm học quá lớn gây quá tải cho HS, chất lượng triển khai dạy học trên truyền hình và dạy học trực tuyến không đồng đều... Vì vậy, Bộ nên giao công tác xét tốt nghiệp cho các tỉnh thành và tuyển sinh cho các trường ĐH. Như vậy sẽ giảm áp lực cho HS, tiết kiệm kinh phí và giao quyền - trách nhiệm cho các trường ĐH.
Vấn đề thứ hai là đến thời điểm này cũng chưa chắc chắn thời gian HS có thể quay lại trường. Với tình hình hiện nay mặc dù dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, nhưng không thể trả lời đi học lại đã an toàn chưa. “Có thể có nhiều phương án về thời gian cho HS đi học lại, nhưng để nhà trường, phụ huynh và HS yên tâm thì Bộ cần chốt sớm phương án để có thể chủ động trong việc xây dựng kế hoạch cho năm học”, ông Bình đề nghị.
Dù trên quan điểm nào, lãnh đạo các trường phổ thông đều cho rằng Bộ cần đưa ra quyết định sớm chứ cứ “chập chờn” các phương án đợi đến sau ngày 15.6 là không hợp lý, sẽ khiến nhà trường, giáo viên, HS không chủ động.

Nên giảm môn hay giảm nội dung thi ?

Theo lãnh đạo Bộ, nếu tổ chức thi THPT quốc gia theo phương thức cơ bản như năm 2019 thì có thể sẽ xem xét giảm số môn thi phù hợp.
Về vấn đề này, ông Bùi Gia Hiếu cho rằng nếu giảm môn theo chỉ định thì sẽ gây mất cân bằng giữa những thí sinh của khối này so với khối khác. Còn trong trường hợp giảm môn và thí sinh có quyền được lựa chọn môn thi thì sẽ có sự khập khiễng giữa việc thí sinh chỉ thi một tổ hợp để xét tuyển đại học với những thí sinh có nguyện vọng xét tuyển bằng nhiều tổ hợp khác nhau.
Còn ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho rằng nếu giảm môn thì tức là đồng nghĩa với việc cố giữ kỳ thi nhưng chất lượng của việc xét tuyển vào ĐH lại không đảm bảo. Từ đó, vị hiệu trưởng này cho rằng nếu đã thi và để HS trên cả nước cùng bước vào một kỳ thi một cách công bằng thì kiến thức cần giới hạn đến hết học kỳ 1 và tính toán các câu hỏi trong bài thi tổ hợp sao cho hợp lý. Có thể vẫn giữ nguyên các bài thi nhưng số câu hỏi trắc nghiệm của các bài thi này chỉ dừng lại ở mức 15 câu/môn.
Học sinh khá, giỏi cũng lo không theo kịp chương trình
Đỗ Võ Phương Liên, HS lớp 12 Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho rằng vì dịch bệnh nên việc tổ chức thi cử sẽ rất khó khăn nhưng mong muốn được thi THPT quốc gia như mọi năm.
Phương Liên nói: “Nếu phương án 2 xảy ra đồng nghĩa với việc mỗi trường đại học sẽ tổ chức tuyển sinh theo cách khác nhau, điều đó khá rắc rối. Tuy nhiên, trong trường hợp bọn em quay lại trường vào tháng 6 thì chỉ có hơn 3 tuần để hoàn thành chương trình lớp 12 và ôn thi thì khá gấp gáp. Với chừng này thời gian, chắc chắn lượng kiến thức học kỳ 2 của tụi em sẽ bị hổng rất nhiều vì học online không thể bằng học trực tiếp được...”.
Còn Lê Hải Anh, cũng là HS lớp 12 trường này, cho rằng nếu như đến thời điểm này vẫn chưa xác định được chính xác thời gian HS có thể quay trở lại trường, trong trường hợp phải học trực tuyến thêm 1 - 2 tháng nữa thì Bộ nên nghĩ đến phương án dừng thi THPT quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.