Thi THPT quốc gia 2019: Giám thị chia sẻ kinh nghiệm vào phòng thi cho thí sinh

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
23/06/2019 16:27 GMT+7

Đến thời điểm này các cán bộ coi thi , giám sát đã đến nhiều địa phương sẵn sàng cho kỳ thi THPT quốc gia 2019. Trải qua nhiều mùa thi, những kinh nghiệm dành cho thí sinh đã được các giám thị chia sẻ lại.

Đọc xong đề thi thì ngất xỉu

Tiến sĩ Đỗ Hùng Chiến (Viện Cơ khí, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) kể lại: “Cách đây mấy năm, tôi làm nhiệm vụ giám sát tại Hội đồng thi tỉnh Bến Tre. Tại buổi thi toán, có một em vừa đọc xong đề thi bỗng ngất xỉu. Các thầy cô giám thị hoảng quá, báo lại cho tôi. Tôi lập tức đến phòng thi và bồng thí sinh chạy từ tầng 5 chạy xuống phòng y tế. Cũng may trường có bố trí nhân viên y tế trực, nên đã sơ cứu cho thí sinh. Chừng 15-20 sau thì bạn ấy dần hồi tỉnh. Nguyên nhân là vì thí sinh lo ôn thi, kiệt sức, kèm tâm lý quá căng thẳng. Khoảng 40 phút sau thì thí sinh này đã quay lại phòng thi làm bài”.
Một lần khác, tiến sĩ Chiến trực tiếp coi thi thấy một thí sinh vào phòng thi xin phép không làm bài. Trước khi gục đầu xuống bàn để… ngủ, em ấy nhờ tôi khi nào hết 2/3 thời gian thì báo giúp để em ấy ra về. “Tôi hỏi sao em không thi thì thí sinh này nói đi thi cho bố yên tâm thôi chứ em không làm được bài. Lúc đó bố của bạn ấy vẫn đợi con bên ngoài và nghĩ rằng con đang thi. Hết 2/3 thời gian, bạn đã nộp giấy trắng rồi ra về. Quả thực thấy rất thương”.
Giảng viên Phạm Thị Thu Thanh, khoa Kỹ thuật tàu thủy, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết nhiều thí sinh vào phòng thi rồi mà còn quên giấy tờ, hoặc nhầm lịch thi, đến trễ... “Những lúc như thế các e thường rất lo sợ nên giám thị thường phải trấn an và luôn nói không sao, sẽ có cách giải quyết. Khi mở đề thi, chúng tôi cũng hồi hộp cùng các em. Thấy thí sinh làm bài hăng say thì vui, ngược lại em nào ngồi làm… thinh thì chúng tôi cũng thấy vô cùng lo lắng”, chị Thu Thanh chia sẻ.

Lưu ý thí sinh giữ sức khỏe tốt

Cô Nguyễn Thúy Lan, cán bộ coi thi của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, cho biết rất nhiều em mấy ngày chuẩn bị thi do ăn uống không cẩn thận nên đến lúc đi thi thì bị ngộ độc, có em đau bụng phải tạm dừng thi để lên phòng y tế nằm mấy chục phút mới tiếp tục làm bài. Có em thì nhức đầu, chóng mặt do thức khuya nhiều hôm, nhìn rất tội”.
Tiến sĩ Đỗ Hùng Chiến đưa ra lời khuyên: “Chỉ mong muốn các em ăn, nghỉ hợp lý, cẩn thận trong đi lại để giữ sức khỏe, cân đối thời gian và chuẩn bị tâm lý thật sự thoải mái. Trước ngày thi THPT quốc gia không nên học gì nữa mà hãy nhỉ ngơi, ngủ sớm. Như vậy đi thi sẽ thường hiệu quả hơn là để tâm trạng lo lắng và học đến sát giờ đi thi. Nhiều bạn còn mang sách vở ôn ngay trước lúc vào thi, điều đó là không nên. Bởi tinh thần lúc đó quá lo lắng, kiến thức sẽ không được hệ thống tốt”.
Là giám thị, khi nhìn thấy nhiều thí sinh mệt quá, không làm được bài, một số gục đầu xuống bàn, hỏi thầy xem còn bao nhiêu thời gian để được ra về, tiến sĩ Chiến chỉ còn biết đến động viên để thí sinh bớt mệt mỏi.
Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công, giảng viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng lưu ý thí sinh không nên đặt quá nhiều kỳ vọng, hãy coi kỳ thi là một mục tiêu cần chinh phục hơn là phải làm bằng mọi giá.
“Trước ngày thi không nên thức khuya quá để ôn bài. Việc thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, suy giảm chức năng nhận thức. Điều này sẽ khiến các em làm bài thi kém chất lượng“, tiến sĩ Công nhìn nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.