Thi THPT quốc gia 2019: Cán bộ coi thi trường đại học đã có mặt tại các 'điểm nóng'

Quý Hiên
Quý Hiên
23/06/2019 18:46 GMT+7

Chiều 23.6, cán bộ giảng viên các trường đại học được giao nhiệm vụ phối hợp với các tỉnh Sơn La , Hòa Bình, Hà Giang để tổ chức thi THPT quốc gia 2019 đã có mặt tại điểm thi được phân công.

Không lo bị can thiệp

8 giờ sáng nay (23.6), 9 xe khách loại 45 chỗ đã xuất phát tại Hà Nội, chở 280 cán bộ, giảng viên Trường đại học Hà Nội lên Hòa Bình làm nhiệm vụ coi thi và giám sát thi kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại tỉnh này.
TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết Trường đại học Hà Nội là 1 trong 3 đơn vị đào tạo được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ phối hợp với địa phương tổ chức thi THPT quốc gia 2019 tại Hòa Bình. Riêng Trường đại học Hà Nội được phân công coi thi tại 27 điểm (trong tổng số 37 điểm thi của Hòa Bình), trong đó, điểm xa nhất là Trường THPT Yên Thủy C (cách Hà Nội 170 km).
Sở GD-ĐT Hòa Bình giúp trường bố trí chỗ ăn, nghỉ cho cán bộ, giảng viên tại 22 điểm thi của trường, còn trường thì chủ động thuê xe chở từng đội đến tận các điểm thi.  
TS Phương cho biết: “Ban đầu, khi biết trường được phân công về coi thi ở Hòa Bình, cán bộ giảng viên hơi lo lắng, do đây là điểm nóng nên sẽ bị các cấp giám sát và dư luận xã hội “soi”, gây áp lực căng thẳng khi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhà trường đã quán triệt với cán bộ giảng viên của mình là đi làm thi không phải vì áp lực thành tích, nên chỉ việc thực hiện đúng quy chế thôi”.
Theo TS Phương, trường cũng lưu ý giám thị trong quá trình coi thi cố gắng không gây không khí căng thẳng trong phòng thi. “Chúng ta không phải là cảnh sát, mà là các thầy cô, vì thế cần phải có một thái độ để học sinh cảm thấy thoải mái, yên tâm làm bài”, TS Phương nói.
Theo TS Phương, các thầy cô đều không quá lo lắng về nguy cơ bị địa phương can thiệp, vì ai cũng đều nhận thức là mỗi cán bộ coi thi, giám sát thi đều có nhiều kênh hỗ trợ mình thực hiện đúng chức trách, đúng quy chế. “Nếu các thầy cô thấy có điều gì không hay không đúng thì trước hết là báo cáo với trưởng điểm thi, rồi với ban chỉ đạo thi mà trong đó người của trường đại học tham gia”, TS Phương chia sẻ.

“Điểm nóng” lại là điểm an toàn

PGS Trần Văn Điền, Hiệu trưởng Trường đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên, cho biết đoàn cán bộ coi thi, giám sát thi của trường (130 người) cũng đã xuất phát tại thành phố Thái Nguyên lúc 5 giờ sáng nay. Buổi trưa, đoàn đã lên đến thành phố Hà Giang. Sau khi ăn trưa tại thành phố, các đội lại tiếp tục lên đường.
Cuối giờ chiều nay, tất cả các đội đã có mặt tại 9 điểm thi mà trường mình được phân công coi thi ở Hà Giang, kể cả Mèo Vạc (tuy cách thành phố Hà Giang 150 km nhưng mất khoảng 5 tiếng đi đường).
“Các đội báo cáo về ban chỉ đạo thi của tỉnh là các thầy cô đã đến nơi an toàn (dù trên này có mưa to nhưng không đội nào gặp sự cố), thu xếp nơi ăn chốn ở ổn định rồi. Chiều nay các thư ký, các điểm trưởng đã phải họp. Các thầy cô coi thi, giám sát thi thì ngày mai mới họp phân công nhiệm vụ, ôn lại quy chế thi”, PGS Điền cho biết.
Tại một “điểm nóng” khác, Sơn La, 174 thầy cô Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 làm nhiệm vụ coi thi, giám sát thi ở địa phương này cũng đã ổn định xong nơi ăn chốn ở tại các điểm thi liên quan, kể cả những nơi rất xa như Sốp Cộp (do đội coi thi ở điểm này đã khởi hành đi Sơn La từ tinh mơ sáng 22.6).
Theo PGS Phùng Gia Thế, việc trường được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi ở Sơn La, địa phương “nổi tiếng” suốt từ năm ngoái đến nay do năm 2018 xảy ra gian lận chấm thi nghiêm trọng, tưởng như là một thách thức, nhưng thực chất lại là thuận lợi.
“Lý do khiến Sơn La thành điểm nóng không chỉ bởi được dư luận xã hội quan tâm, mà còn bởi Đảng và các cơ quan chính phủ cũng như địa phương thể hiện tinh thần nghiêm khắc, quyết liệt trong xử lý sai phạm. Về logic, một điểm vừa “nóng” xong thì giờ khó mà tiếp tục “nóng” lên ngay được. Tôi cũng tin là không ai lại dám cả gan thách thức cả xã hội, cả hệ thống chính trị để tiếp tục sai phạm”, PGS Phùng Gia Thế nói.
Sáng sớm 23.6, hơn 800 thầy cô giáo của Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã xuất phát tới cụm thi số 27 Hội đồng thi Sở GD-ĐT Thanh Hoá để làm nhiệm vụ trong kỳ thi THPT quốc gia 2019.
PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, đã có mặt từ sớm để động viên các thầy cô. Theo PGS Hoàng Minh Sơn, các thầy cô Trường đại học Bách khoa Hà Nội đi làm nhiệm vụ trong kỳ thi THPT quốc gia đều xác định đây là trách nhiệm và là quyền lợi, nên sẽ quyết tâm thực hiện kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc đúng quy chế, để có kết quả trung thực, khách quan công bằng phục vụ xét tuyển ĐH, CĐ.
 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.