Thi THPT quốc gia 2018: Học trò 'vừa quen, vừa lạ' với đề văn

25/06/2018 13:11 GMT+7

Nhìn tổng thể, đề thi ngữ văn hôm nay xứng là đề thi 'hai trong một', đáp ứng được yêu cầu của một kỳ thi vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Với tư cách là một người đứng lớp hằng ngày, tôi cảm nhận rõ học trò sẽ "vừa quen vừa lạ" với đề của kỳ thi này. Quen vì cấu trúc của đề đúng với những gì các em đã được học và rèn luyện, đúng với đề minh họa mà Bộ đã đưa ra.
Tuy nhiên, lạ ở yêu cầu cụ thể. Học sinh thường ôn về những gì gần gũi như tình cảm gia đình, tình bạn, tình thầy trò, những phẩm chất như trung thực, trách nhiệm… Nếu mở rộng nói về lòng yêu nước thì các em thường nghĩ về trách nhiệm dựng xây, bảo vệ theo cách của học sinh có phần “sách vở”. Lần này đề ra về “sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay” có phần thử thách với những học trò ít nghĩ sâu xa về những sứ mệnh với nhưng trăn trở lớn như thế. Vậy, cái hay của đề là đặt một học sinh tốt nghiệp THPT trước những suy nghĩ lớn, trách nhiệm cao để xác định con đường lập thân lập nghiệp. Nhưng cái khó với một số học trò ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, lại được bố mẹ bao bọc thì nhiều em sẽ bối rối. Tuy nhiên như đã nói ở trên, mục đích phân hóa thì điểm “lạ” hay chỗ khó để học sinh khá giỏi thể hiện năng lực là yêu cầu rất cần thiết.
Bên cạnh đó, học sinh nào có tư duy tốt, có kỹ năng làm bài và có sự sáng tạo nhất định thì việc đạt 8 điểm trở lên không hề căng thẳng.
Ở phần Đọc hiểu, 3 câu hỏi đầu, học sinh học trung bình có thể trả lời trong sức của mình. Câu thứ 4 cần có tư duy mở rộng và biết nhìn lại về hoàn cảnh sáng tác của bài thơ. Đầu những năm 80, trước công cuộc đổi mới đất nước, tác giả đã viết những trăn trở như vậy, đến nay vẫn đúng và có sức lay động. Song nếu bài làm của thí sinh khá, giỏi cần có những bổ sung phù hợp về thời kỳ mới với yêu cầu hội nhập quốc tế, cần phát triển nền kinh tế tri thức. Vì vậy tiềm năng về trí tuệ và sự sáng tạo của con người cũng là tiềm năng lớn của đất nước cần đánh thức và nuôi dưỡng.
Ở câu yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh được đặt trong hoàn cảnh “có vấn đề” để các trò có sức học bình thường viết được những suy nghĩ về đất nước, về lòng yêu nước và trách nhiệm với đất nước. Thí sinh có học lực giỏi sẽ viết được về sứ mệnh đánh thức tiềm lực của mỗi cá nhân.
Ở câu nghị luận văn học (5 điểm) chiếm 50% tổng số điểm là hai tác phẩm truyện ngắn quen thuộc trong quá trình ôn luyện của học sinh. Tuy nhiên phân hóa lại ở yêu cầu liên hệ so sánh sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực của gia đình hành chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu), từ đó liên hệ sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.
Mới đọc đề, có thể thí sinh sẽ “choáng” về yêu cầu so sánh hai đối tượng từ hai tác phẩm, mà mỗi đối tượng lại là sự so sánh tiếp. Nhưng chỉ cần trấn tĩnh là các em có thể lần lượt khai thác theo 4 nội dung được gợi ý. Vậy là từ cái ngỡ là khó lại thành các nội dung triển khai bài. Nếu làm được vậy, thì người làm bài đạt được trên 50% yêu cầu (Có thể yên tâm đỗ tốt nghiệp). Chỉ cần lưu ý thêm là dung lượng yêu cầu “liên hệ” với tác phẩm của chương trình lớp 11 sẽ ở mức độ ít hơn là tác phẩm lớp 12. Thí sinh nắm được về nghệ thuật đối lập cũng như bình luận tốt về cách nhìn hiện thực của hai tác giả thì có thể đạt điểm cao. Và chắc chắc đỗ đại học.
Đánh giá chung có thể thấy, nếu một học sinh trung bình và nỗ lực trong phòng thi thì việc đạt được 5 điểm là trong tầm tay. Với thi sinh buông xuôi không đào sâu suy nghĩ và thiếu tập trung với làm bài thì không thể bàn ở đây. Đề hay, phân hóa rõ, một trong những cái phân hóa nhất là học sinh phải làm chủ thời gian làm bài, với học sinh chưa vững thì thấy đề yêu cầu dài so với thời gian làm bài là 120 phút.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.