Thi THPT quốc gia 2017: Thí sinh phấn khởi vì đề văn dễ

22/06/2017 10:10 GMT+7

Ghi nhận tại điểm thi Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), có khá nhiều thí sinh hoàn thành bài thi sớm. Chỉ mới hơn 9 giờ đã có nhiều thí sinh ra ngoài với tâm trạng phấn khởi.

Thí sinh Quang Huy, học sinh lớp 12 A10, Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết: "Đề văn năm nay không khó. Nội dung đề thi liên quan bài thơ Đất nước, và cả phần nghị luận xã hội liên quan lòng trắc ẩn và thấu cảm cũng không làm khó được thí sinh".
Tương tự, có rất nhiều thí sinh cười vui vì hoàn thành khá tốt bài thi môn văn. Thí sinh Long Tuấn Châu dự đoán có thể đạt khoảng 8 - 9 điểm môn văn.
Còn ở điểm thi Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM), cũng xuất hiện nhiều nụ cười rạng rỡ với nhận xét "đề năm nay vừa sức với thí sinh, không khó để đạt điểm 6". X.Phương (ghi)
* Tương tự, thí sinh Minh Phụng (Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) cho biết với đề thi văn năm nay, chắc chắn mọi học sinh đều làm được. "Đề không yêu cầu thuộc lòng, đòi hỏi của đề cũng không quá cao. Một học sinh nghe giảng bài trên lớp đầy đủ có thể làm tốt. Em theo ban A nhưng vẫn có thể làm tốt 70% bài thi", Minh Phụng nhận xét.
Trong khi đó, Ngọc Lâm (học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) cho rằng, dù đề văn dễ nhưng vẫn có phần phân loại thí sinh thông qua những câu hỏi yêu cầu kiến thức thực tế, như sự thấu hiểu. Hà Ánh (ghi)
* Thí sinh Phạm Minh Thái, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), cho rằng đề thi văn năm nay không mới. Đề thi có yêu cầu tương đương với năm trước.
Thí sinh Kim Tuyền cho biết có thể do kỳ thi năm nay có nhiều đổi mới nên Bộ cho đề thi văn khá dễ, không gây bất ngờ. B.Thanh (ghi)
* Tại Hội đồng thi Trường THPT Trần Phú, Q.Tân Phú (TP.HCM) nhiều thí sinh tươi cười vì cho rằng đề thi văn vừa sức. Thí sinh Nguyễn Văn Tuấn, học sinh Trường THPT Nhân Việt, cho biết: "Đề văn năm nay chia làm 2 phần, 2 câu rõ rệt, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Ở câu I nói về lòng trắc ẩn và sự thấu cảm giữa con người với con người. Hầu như ai cũng có thể làm trọn vẹn phần này, chỉ là hay nhiều hay hay ít thôi. Ở câu cảm nhận về đoạn thơ trong bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, rất may là em học kỹ bài này nên cũng làm tốt".
Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Minh Đức, học sinh Trường THPT Trần Phú, cho rằng đề này dễ dàng đậu tốt nghiệp, vì một câu thì ai cũng có thể trải lòng được về hành vi của 3 người trong câu chuyện thể hiện lòng trắc ẩn và sự sẻ chia, thấu cảm. Một câu nghị luận văn học thì học sinh được ôn rất kỹ về bài thơ này". Mỹ Quyên (ghi)
* Thí sinh Hữu Tùng (học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) cho biết: “Em thấy đề hỏi về sự thấu cảm là vấn đề gần gũi trong cuộc sống và cả với lứa tuổi tụi em. Bản thân em cảm nhận đề văn năm nay nhẹ nhàng”.
Một nhóm học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) thảo luận với nhau sau giờ thi cũng cùng nhận xét, các câu hỏi của đề văn ngắn gọn; mở cho thí sinh nói về cảm nhận và quan điểm của mình, vấn đề nêu ra trong đề thi cũng gần gũi. Nguyên Mi (ghi)
* Tại điểm thi Trường THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ, TP.HCM) hầu hết thí sinh rời phòng thi với nụ cười rạng rỡ và có chung nhận định đề ngữ văn năm nay dễ, vừa sức.
Thí sinh Xuân An (học sinh lớp 12 A1, Trường THPT Bình Khánh) háo hức chia sẻ: “Đề văn dễ, câu 5 điểm rơi vào bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, đây là một trong những bài thơ mà câu từ vừa dễ hiểu lại dễ phân tích”.
Xuân An cũng dự đoán: “Năm nay dù bạn nào không học tốt môn ngữ văn cũng có thể làm được trên 5 điểm”.
Niềm vui hiện rõ trên gương mặt thí sinh khi rời phòng thi tại điểm thi Trường THPT An Nghĩa (H.Cần Giờ, TP.HCM) Ảnh: Nữ Vương
Tương tự, thí sinh Hồng Ngọc (học sinh Trường THPT An Nghĩa) cũng không giấu được niềm vui vì làm tốt được cả 3 câu của đề ngữ văn sáng nay: “Đề năm nay dễ, gần gũi với đời sống. Câu 5 điểm cuối cùng thì em cam đoan bạn nào cũng có thể phân tích được”.
Tự cho mình là học kém môn ngữ văn và là một trong 2 thí sinh rời phòng thi sớm nhất, Phan Văn Minh Chiến (học sinh lớp 12A5, Trường THPT Cần Thạnh) tự tin nói: “Chưa bao giờ em làm văn mà hết 2 đôi giấy như hôm nay. Thật vui vì lúc ôn tập ở trường tụi em đã được ôn tập kỹ bài thơ này, còn 2 câu đầu tiên cũng khá đơn giản. Em tự tin làm tốt 80% đề thi”. Nữ Vương (ghi)
* Ra khỏi phòng thi với nụ cười rạng rỡ, đa số các thí sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM cho rằng đề thi văn năm nay dễ.
Là một trong những thí sinh ra khỏi cổng trường đầu tiên sau môn thi văn, Ngô Nguyễn Cẩm Thu (ngụ ở Q.7, học sinh Trường THPT Phước Kiển, huyện Nhà Bè) tự tin nói: “Đề thi văn năm nay dễ, em nghĩ mình làm tốt đến 80%”. Cẩm Thu cũng cho hay mình đã hoàn tất bài thi trước 30 phút so với thời gian quy định nộp bài.
Tương tự, thí sinh Thanh Thủy và thí sinh Hoài Nhơn (đều là học sinh Trường THPT Phước Kiển) cũng cho rằng đề thi văn năm nay dễ. Trong đó, nội dung các bạn thấy tự tin nhất khi làm bài là ở phần đọc hiểu về lòng thấu cảm. Tuy nhiên, hai bạn này tự đưa ra mức điểm mình có thể đạt được ở môn thi đầu tiên này là 5 điểm.
Các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM tự tin, thoải mái sau khi thi môn thi văn Ảnh: Như Lịch
Trong khi đó, thí sinh Cẩm Tiên (học sinh Trường THPT Long Thới) tỏ ra đặc biệt tâm đắc với các phần thi đọc hiểu và viết đoạn văn liên quan đến sự thấu cảm và lòng trắc ẩn. Cẩm Tiên bộc bạch: “Bản thân em gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và em từng nhận được sự giúp đỡ của người khác. Bên cạnh đó, em cũng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để quý trọng những sự giúp đỡ, thấu hiểu. Chính vì vậy, em thấy rất tâm đắc và tự tin khi làm về những phần thi này”. Như Lịch (ghi)
* Tại nhiều điểm thi trên địa bàn TP.Đà Nẵng, thí sinh ra khỏi phòng thi khi thời gian thi còn hơn 15 phút. Đa số các thí sinh nhận xét, đề văn không quá khó để kiếm từ 6 - 7 điểm.
“Nội dung các câu hỏi, dạng câu đều không có gì bất ngờ. Đa phần, các bạn đều có thể giải quyết được hết phần yêu cầu của đề thi mà vẫn dư thời gian. Phần đọc hiểu và viết cảm nhận khá thú vị và có cảm hứng tự luận”, thí sinh Nguyễn Tấn Khang (học sinh Trường THPT Trần Phú) phấn khởi cho biết sau khi kết thúc bài làm của mình.
“Kiến thức thi đều nằm hết trong sách giáo khoa nên đề không lạ cũng không bất ngờ. Nói chung để đạt điểm 6, điểm 7 thì không khó. So với thời gian thi thì đề khá ngắn, nên các bạn làm xong và tự tin ra sớm”, thí sinh Nguyễn Thị Phương Mai nhận xét. An Dy (ghi)

* Ghi nhận tại nhiều điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), nhiều thí sinh ra sớm hơn thời gian quy định, với vẻ mặt vui mừng hiện rõ trên từng khuôn mặt.

Nhiều thí sinh bước ra với gương mặt vui vẻ sau khi kết thúc môn văn MẠNH CƯỜNG

Em Nguyễn Phương Hà Ly (học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm), cho biết đề thi môn ngữ văn năm nay khá dễ, vừa sức. Phần nghị luận xã hội nói về sự thấu cảm, khi cầm đề rồi đọc lướt qua chúng em sớm đã định hình được nội dung sẽ triển khai theo phương thức nào.

Mặt khác, phần văn bản là trình bày quan điểm về đất nước qua bài thơ Đất nước của tác giả Nguyễn Khoa Điềm nên rất gần gũi, vì vậy nếu không trúng đề thì từ thực tiễn em cũng có thể suy luận ra và làm được. “Với đề thi môn văn năm nay em tự tin mình sẽ đạt từ 7-8 điểm”, Ly vui vẻ nói.

Tại điểm trường Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu, Trần Cao Vân…(TP.Tam Kỳ), nhiều thí sinh cũng hoàn thành bài thi rất sớm.

Thí sinh Nguyễn Quỳnh Như  (học sinh Trường THPT Nguyễn Du), cười bảo đề thi môn văn năm 2017 vừa sức với em và các bạn thí sinh khác. Trong đó, câu 4 của đề thi đòi hỏi em và các bạn khác phải tư duy, suy nghĩ nhiều. Ngoài ra, các câu hỏi khác trong đề thi môn ngữ văn chủ yếu nằm trong chương trình sách giáo khoa.

“Sau khi đọc đề xong là em thầm nghĩ mình sẽ làm được hết và có thể đạt trên 7 điểm”,  Quỳnh Như tự tin nói. Mạnh Cường (ghi)

Theo nhận xét chung của nhiều thí sinh tại Thừa Thiên-Huế thì đề thi môn văn năm nay không khó, tuy nhiên sẽ không dễ nếu muốn có điểm cao.
Tình nguyện viên phát báo Thanh Niên miễn phí cho các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Hương Vinh Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Thí sinh Trần Thị Mỹ Linh nhận xét: “Mình làm cũng hết bài, nhưng khả năng chỉ đạt khoảng 60% điểm. Phần đọc hiểu 3 điểm không khó, phần tập làm văn mới khó và chỉ có các bạn thi đại học mới được điểm nhiều ở phần này...".

Còn tại điểm thi Trường THPT chuyên Quốc học Huế, thí sinh Hồ Thị Sanh, dân tộc Vân Kiều, bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc, H.Phú Lộc cho hay đề văn không quá khó, Sanh làm được khoảng 70%. “Các môn còn lại em đã chuẩn bị kỹ, em sẽ cố gắng hết sức để thi tốt trong kỳ thi này”, Sanh nói. Đình Toàn (ghi)

* Thí sinh Nguyễn Phan Hoàng Nhi, học sinh lớp 12, Trường THPT Lê Thành Phương (H.Tuy An, Phú Yên), cho biết đã làm bài môn văn khá ổn vì thầy đã ôn tập kỹ. Em Nhi dự đoán mình sẽ đạt điểm 6-7 môn văn. Đức Huy (ghi)
* Ngày 22.6, tại TP.Quy Nhơn (Bình Định), hầu hết các thí sinh đã rời phòng thi môn văn với tâm trạng vui vẻ, nhẹ nhõm. 
Em Nguyễn Thị Thu Hà (Trường THPT Nguyễn Thái Học) cho biết: “Với em đề văn năm nay rất thú vị. Phần đọc hiểu về lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm khiến em liên tưởng đến nhiều câu chuyện đã đọc và từ thực tế cuộc sống. Nói chung là với đề này thì cá nhân em thấy có cảm xúc để viết và diễn giải”.
Em Trần Ngọc Khôi (Trường THPT Trưng Vương) thì đánh giá đề văn năm nay hay hơn năm ngoái vì đề có tính chất mở nhiều hơn và khơi gợi được trí tưởng tượng của học sinh cao hơn. Tâm Ngọc (ghi)
*** Giáo viên nhận xét đề thi văn
** Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đánh giá: Phần đọc hiểu văn bản: Văn bản chọn rất thú vị, khá hay, đặt vấn đề "thấu cảm" rất phù hợp với ngưỡng cửa trưởng thành của các em. Câu hỏi có độ phân hóa, đảm bảo các mức "nhận biết - thấu hiểu - vận dụng". Các câu hỏi 3 và 4 cũng rất hay, ý nghĩa.
Phần nghị luận xã hội: Nhấn mạnh được ý nghĩa của vấn đề chính đã nêu ở phần đọc hiểu, cách ra đề mạch lạc, có độ mở nhất định cho học sinh thể hiện quan điểm cá nhân
Nghị luận văn học: đoạn trích trong bài Đất nước khá tiêu biểu, kiểm tra được nhiều mặt của học sinh, không chỉ năng lực cảm thụ thẩm mỹ. Yêu cầu bình luận đảm bảo được sự phân hóa của đề thi, dành ít nhiều "đất diễn" cho học sinh khá giỏi.
Đề thi văn ra sát định hướng chủ điểm ôn tập, đáp ứng được cả 2 mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Đề mang tính an toàn cao nhưng vẫn có những điểm hay đáng chú ý. Điểm trung bình của học sinh sẽ dao động trong khoảng từ 5,5-7 điểm. Lam Ngọc (ghi)
** Thầy Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho rằng đề thi văn không có tính đột phá, không làm khó học sinh, phù hợp với mục tiêu tốt nghiệp THPT. Còn xét tuyển ĐH thì không rõ rệt vì không có tính phân hóa.
** Thầy Nguyễn Hữu Dương (Trường THPT Vĩnh Viễn, Q.Tân Phú, TP.HCM) cho rằng đề thi môn văn năm nay không có tính chất đánh đố thí sinh, không đòi hỏi thí sinh phải học thuộc lòng. Tuy nhiên, đây là một đề cũng có tính chất phân loại thí sinh rất rõ.
Thông thường, đoạn thơ được trích có trọn vẹn một nội dung khái quát. Nhưng đoạn thơ trong đề bài vừa là một định nghĩa nghệ thuật về đất nước vừa nói lên cảm nhận của nhà thơ về trách nhiệm của mọi người đối với đất nước. Cho nên, thí sinh không thể nêu cảm nhận một cách máy móc, cảm tính theo hướng học thuộc lòng bài mẫu. Đề lại có phần bình luận về quan niệm của Nguyễn Khoa Điềm đối với đất nước. Để làm được phần này, thí sinh chẳng những nắm được cách làm bình luận mà còn phải biết rõ quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Đấy là không kể việc đánh giá bài viết còn căn cứ vào những yếu tố hình thức, hành văn. Do đó, một bài viết được đánh giá tốt phải đạt yêu cầu cao cả về nội dung và hình thức. 
Nhìn chung, đề thi năm nay đề cập đến những vấn đề quen thuộc nhưng có thể nói là hay, có tính giáo dục, có tính sư phạm, có tính phân hóa cao, giải quyết rất khéo léo yêu cầu đánh giá tốt nghiệp và tuyển sinh cao đẳng, đại học. Đa số có thể đạt được điểm trung bình, còn điểm khá, giỏi sẽ tương đối không nhiều. Như vậy, đề này rất thuận lợi cho việc tuyển sinh vào cao đẳng và đại học. B.Thanh (ghi)
** Cô Thanh Hương (giáo viên Trường THPT Quốc Oai, Hà Nội) nhìn nhận: Đề văn năm nay vừa sức với học sinh. Câu nghị luận văn học nói về bài thơ Đất nước rất hay. Đây cũng là câu giúp phân loại học sinh. Câu nghị luận xã hôi cũng có nội dung rất hay, đề cập tới vấn đề thấu cảm trong cuộc sống. Các em đều được ôn tập rất kỹ, trong đó có bài thơ Đất nước, nên học sinh trung bình có thể làm được 5 điểm. Mỹ Quyên (ghi)
Để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, Thanh Niên Online sẽ liên tục cập nhật tình hình thi cử trong cả nước, đăng gợi ý giải đề thi, nhận xét đề thi ngay sau các môn thi kết thúc.
Thanh Niên Online cũng sẽ đăng đáp án các môn thi ngay khi Bộ GD-ĐT công bố, đăng các thông tin về điểm thi, điểm chuẩn.
Đặc biệt, đồng hành cùng thí sinh, Thanh Niên còn tổ chức các buổi bình luận đề thi ngay sau kết thúc các môn thi để phục vụ bạn đọc.
Chương trình cụ thể như sau:
Ngày 22.6:
10 giờ 30: Bình luận đề thi môn ngữ văn
17 giờ: Bình luận đề thi môn toán
Ngày 23.6:
11 giờ 30: Bình luận bài thi khoa học tự nhiên
16 giờ: Bình luận đề thi môn tiếng Anh
Ngày 24.6:
11 giờ 30: Bình luận bài thi khoa học xã hội và nhận định về tình hình làm bài của thí sinh.
Lịch thi THPT quốc gia 2017
Xem gợi ý giải đề thi, đáp án các môn thi trên Thanh Niên Online - ảnh 3

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.