Thí sinh chọn ngành kỹ thuật công nghệ ngày càng tăng

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
12/01/2019 08:54 GMT+7

Tăng lựa chọn các ngành kỹ thuật, công nghệ để xét tuyển là xu hướng của thí sinh trong vài năm trở lại đây.

Bà Nguyễn Thị Huế, Phó hiệu trưởng Trường THPT Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết trong 2 năm trở lại đây, xu hướng lựa chọn khối ngành kỹ thuật của học sinh trong trường tăng lên so với các năm trước. “Các em lựa chọn tổ hợp môn chủ yếu là A, A1 và những ngành học như công nghệ ô tô, cơ khí, điện - điện tử... Phần lớn các em nam đều có ít nhất một nguyện vọng đăng ký vào ngành kỹ thuật - công nghệ”, bà Huế thông tin.

Tại Trường THPT Trương Định, Tiền Giang, Phó hiệu trưởng Nguyễn Thanh Hải cũng cho hay tâm lý của phụ huynh và thí sinh đã không còn quá đề cao các ngành kinh tế rất “nóng” một thời như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh… “Thay vào đó, các em lại thích đăng ký các ngành kỹ thuật như tự động hóa, điện - điện tử, công nghệ ô tô, xây dựng… với tỷ lệ chiếm 60%. Tôi cho rằng đó là xu hướng tất yếu khi chúng ta đang ở trong thời đại công nghiệp 4.0”, ông Hải nói.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, nhìn nhận: “Đó là một tín hiệu đáng mừng. Phụ huynh và thí sinh đang dần thay đổi cách lựa chọn ngành nghề, đa số các em đăng ký ngành học căn cứ vào nhu cầu thực tế, nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0. Một đất nước muốn phát triển bền vững và tiến kịp với thế giới phải dựa trên nền tảng sản xuất và khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Những ngành học như tự động hóa, cơ khí, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ thông tin, điện - điện tử… đòi hỏi khả năng nghiên cứu, sáng tạo để cho ra các sản phẩm cụ thể phục vụ sản xuất, phục vụ tốc độ phát triển mạnh mẽ của đời sống. Càng có nhiều em yêu thích và lựa chọn những ngành này, đất nước càng có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa”.
Thạc sĩ Trần Đại Nguyên, Phó khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, lấy ví dụ về tầm quan trọng của khối ngành khoa học kỹ thuật: “Trong một thời gian dài, khi chúng ta chưa có công nghệ lọc dầu, chúng ta xuất dầu thô ra nước ngoài với giá rẻ, rồi sau khi nước ngoài lọc thành xăng, chúng ta lại phải nhập xăng nhớt đó với giá cao. Khi có được công nghệ trong tay, đất nước sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Một người giỏi kỹ thuật được trang bị thêm kiến thức về kinh tế, quản lý thì làm việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với một người học về kinh tế, quản lý mà không có chuyên môn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.