Thi môn văn : Thí sinh 'tủ' Vợ Nhặt, Vợ chồng A Phủ nhưng cuối cùng bị Sóng... đè

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
07/07/2021 12:02 GMT+7

Một số thí sinh 'bật mí' trước khi thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT đã ôn nhiều các tác phẩm Vợ nhặt, Vợ chồng A Phủ nhưng đề ra Sóng nên có bị 'trật tủ' một tí.

Ôn tác phẩm Vợ nhặt nhiều hơn

Sau khi kết thúc thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT, Huỳnh Gia Phú, học sinh lớp 12 chuyên Anh Trường THPT Gia Định, nhận xét: “Em cảm thấy đề tương đối khó, chủ yếu do câu hỏi phần đọc hiểu câu 3, 4 khá trừu tượng, học sinh phải suy nghĩ nhiều. Còn độ dài của bài đọc, em cảm thấy vừa phải. Phần làm văn đúng cấu trúc Bộ GD-ĐT đã đề ra”.
Theo Phú, bài Sóng của Xuân Quỳnh nằm trong dự đoán của nhiều người, nhưng học sinh lại ôn Vợ nhặtVợ chồng A Phủ nhiều hơn. “Trước khi thi em có ôn bài thơ này nhưng không nhiều bằng 2 tác phẩm kia. Tuy nhiên, em làm cũng ổn và dự đoán sẽ được trên 7 điểm”. 
Thí sinh Nguyễn Thuý Hà, học sinh Trường THPT Gia Định, cũng hài hước nói rằng mình "tủ" Vợ nhặt mà cuối cùng bị Sóng... đè, Sóng quật, dù sóng này khá nhẹ nhàng.
Ngô Huy Hải, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú, lại cho rằng phần đọc hiểu của đề văn khá dài, nhiều ẩn dụ, không dễ để nắm bắt đối với một học sinh học văn trung bình. “Phần này quá dài và nhiều yêu cầu trong khi chỉ được 3 điểm. Em mất khá nhiều thời gian với nó”, Hải chia sẻ.
Trong khi đó, Hải đánh giá phần làm văn, ngoài câu viết về sự cống hiến có phần hơi khó diễn đạt được đầy đủ nếu như chỉ gói gọn trong 200 chữ, thì việc nêu cảm nhận về bài thơ Sóng lại khá nhẹ nhàng. “Bài này yêu cầu không quá phức tạp nhưng để đạt điểm cao chắc phải có tâm hồn yêu thơ, bay bổng và nhiều cảm xúc. Ai khô khan viết sẽ không hay. Em không tự tin lắm với phần cảm nhận của mình, Hải cho biết.

Thi tốt nghiệp THPT 2021: thí sinh nói gì về đề văn?

Đề có tính phân hoá nhẹ

Nhận xét về đề thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Dương Minh Phượng, tổ trưởng tổ văn Trường THPT Trương Định, tỉnh Tiền Giang, nhìn nhận: "Theo tôi, đề thi vừa sức học sinh. Các câu hỏi trong đề đảm bảo đủ các mức độ để đánh giá năng lực, từ nhận biết đến thông hiểu, vận dụng. Ở phần đọc hiểu, hai câu đầu đánh giá mức độ nhận biết, học sinh có thể dựa vào chính văn bản để trả lời. Câu thứ ba là mức độ thông hiểu, yêu cầu nêu ra rõ ràng nên học sinh chỉ cần chú ý kỹ sẽ không khó. Câu thứ tư trong đề đọc hiểu tuy là câu hỏi mở nhưng có định hướng vấn đề cho học sinh trình bày suy nghĩ riêng của cá nhân nên học sinh sẽ không mơ hồ".
Theo cô Phượng, câu 1 phần Làm văn yêu cầu viết đoạn văn 200 chữ là 1 câu vận dụng, học sinh cần nắm kỹ năng tạo lập 1 đoạn văn (cả nội dung và hình thức) nhưng vấn đề nghị luận là một vấn đề gần gũi, phù hợp với độ tuổi sắp bước ra xã hội và dần hình thành nhân sinh quan của các em. Còn câu 2 phần nghị luận văn học cũng rất vừa sức, đề đã cho ngữ liệu, có tính phân hóa nhẹ, vẫn yêu cầu học sinh phải nắm kỹ năng mới có thể đáp ứng đúng yêu cầu của đề.
Khi được hỏi về việc thí sinh môn văn đa số "học tủ" tác phẩm Vợ nhặtVợ chồng A Phủ, liệu rơi vào bài thơ Sóng thì có khó khăn gì không, cô Phượng phân tích: "Ở Vợ nhặt, có giá trị tư tưởng là ca ngợi vẻ đẹp của con người lao động: tình thương người, con người cưu mang nhau qua khó khăn, lòng khát khao hạnh phúc và tinh thần lạc quan - gần cái chết vẫn hướng về sự sống, trong bóng tối vẫn hướng về ánh sáng, nên trong bối cảnh đất nước hiện tại, các em sẽ dễ "tủ" tác phẩm này.  Tuy nhiên dù có "tủ" Vợ nhặt thì cũng không quá khó khi làm câu Sóng này vì ngữ liệu có sẵn, yêu cầu cũng nhẹ nhàng, chỉ là khó đạt điểm cao".

TP.HCM tăng hơn 1.000 thí sinh dự thi so với con số xét nghiệm Covid-19 vào ngày 3.7

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.