Thi lớp 10 tại Hà Nội: Một giám thị tuồn cả 2 đề thi ra ngoài

08/06/2018 07:58 GMT+7

Hôm qua, hơn 95.000 học sinh lớp 9 Hà Nội tham dự kỳ thi lớp 10 với 2 môn văn, toán. Điều bất ngờ là đề thi cả 2 môn này đều bị giám thị tuồn ra ngoài khi chưa đến phân nửa thời gian làm bài.

Sẽ xử lý nghiêm giám thị
Buổi sáng thi môn ngữ văn, khi thời gian làm bài được khoảng 60 phút (tổng thời gian thi 120 phút), trên mạng xã hội xuất hiện bản chụp tờ đề thi chính thức môn này. Ngay trong buổi trưa, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức họp báo, khẳng định có hiện tượng này và đã chỉ đạo các điểm thi tăng cường công tác an ninh trong các buổi thi tiếp theo của kỳ thi, đặc biệt kiểm soát thiết bị công nghệ kỹ thuật cao.
Tuy nhiên, đến chiều, khi thi môn toán tình trạng tương tự lại xảy ra. Chưa đầy 60 phút, trên mạng xã hội xuất hiện bản chụp đề thi môn này. Sau khi nhận được phản ánh, Sở GD-ĐT Hà Nội đã phối hợp ngay với Công an TP xác minh hiện tượng trên ở cả hai buổi thi và xác định giáo viên (GV) làm lọt đề thi ra ngoài là Nông Hoàng Phúc (Trường THCS Mai Đình, H.Sóc Sơn), cán bộ coi thi số 2, đã mang điện thoại vào phòng thi và chụp đề thi truyền ra ngoài tại điểm thi THPT Vân Nội. Cán bộ coi thi này đã khai nhận hành vi của mình và nhận có chụp đề thi cả hai môn. Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định đây là hiện tượng lọt đề thi, nhưng không phải là lộ đề thi và việc này không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của thí sinh.

Sở GD-ĐT đang tiếp tục phối hợp với Công an TP.Hà Nội điều tra mở rộng để xác minh mục đích của việc chụp và truyền đề thi ra ngoài, truyền cho ai... Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định sẽ xử lý kỷ luật nghiêm theo đúng quy chế vì tính chất của sự việc rất nghiêm trọng.
Theo một cán bộ phụ trách khảo thí của Sở GD-ĐT Hà Nội, với hành vi này, việc xử lý giám thị coi thi sẽ dựa vào điều 48 của Quy chế thi THTP quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT ban hành. Cụ thể, người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi) sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật theo các hình thức từ khiển trách đến buộc thôi việc tùy theo hành vi, mức độ vi phạm. Với hành vi đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi; làm lộ đề thi, mua, bán đề thi, công chức viên chức sẽ bị buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người có hành vi vi phạm nếu không phải là công chức, viên chức, tùy theo mức độ sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật về lao động.
Hụt hẫng vì cách ra đề văn theo lối mòn
Đánh giá về đề thi, bà Nguyễn Thị Đức Hạnh, GV môn văn Trường THCS Trưng Vương, Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội), cho biết so với đề thi năm 2017 và các năm trước, đề thi môn ngữ văn vẫn giữ nguyên cấu trúc nội dung cũng như cách phân bố điểm cho từng phần. Mỗi phần đều có sự tích hợp giữa kiến thức của tác phẩm văn học, tiếng Việt và tập làm văn.
Với nội dung và cấu trúc như vậy, học sinh (HS) không cần phải học thuộc lòng và ghi nhớ quá nhiều mà chỉ cần hiểu được nội dung của tác phẩm, có kỹ năng đọc hiểu văn bản và khả năng diễn đạt tốt thì có thể hoàn thành bài thi. Chủ đề gia đình cũng là chủ đề mà HS dễ có cảm xúc để viết hay, dễ lấy ví dụ từ thực tiễn. Sẽ nhiều HS đạt mức điểm 7 - 8.

Tuy nhiên, cũng chính vì đề thi quá quen thuộc nên không ít GV bày tỏ sự hụt hẫng vì cách ra đề theo lối mòn, khó phát huy khả năng sáng tạo của HS, chủ yếu là học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc. TS Trịnh Thị Thu Tuyết, nguyên GV dạy văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho rằng cấu trúc lặp lại yêu cầu trong hai phần độc lập của đề trong nhiều năm tất sẽ đem lại cảm giác đơn điệu, nhàm chán cho trò khi làm bài, sự lười biếng cho thầy khi dạy - luyện... Một GV khác nói: “Nếu sang năm theo chủ trương sẽ thi tổ hợp nhiều môn mà vẫn ra đề văn kiểu này thì không phù hợp”.
Đề thi năm nay có câu hỏi nội dung trong chương trình, sách giáo khoa từ lớp 7 khiến nhiều HS không nhớ, đó là câu 3 phần 1 (0,5 điểm) yêu cầu: “Ghi lại chính xác câu thơ trong một bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà em đã được học ở chương trình Ngữ văn THCS cũng có hình ảnh con thuyền trong đêm trăng”. Nhiều HS của Trường THCS Trưng Vương cho biết đã không trả lời được câu hỏi này vì thời gian dài vừa qua chỉ tập trung đọc và ôn các tác phẩm trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 9 cộng với tâm lý phòng thi nên không nhớ ra câu thơ này, mặc dù lúc học thì rất thuộc.
Đề toán quen thuộc nhưng khó hơn năm ngoái
Theo ông Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở Xã Đàn (Q.Đống Đa, Hà Nội), đề toán năm nay vẫn sử dụng mô típ quen thuộc, với những câu hỏi quen thuộc mà các GV dạy ôn cho HS trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi bao giờ cũng tính đến, nhưng mức độ các câu hỏi sâu hơn, khó hơn một chút so với năm ngoái, đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn ở thí sinh. Vì thế mà thí sinh sẽ khó đạt điểm cao hơn.
Ông Hoan cũng nhận định, phổ điểm của bài thi này sẽ từ mức 6,5 - 8,5 điểm. Số thí sinh được 9 và 9,5 điểm sẽ không nhiều và điểm 10 sẽ ít hẳn so với mọi năm.
Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ, Hà Nội), cho rằng đề thi có sự phân hóa sâu hơn so với năm trước, theo đó mà thí sinh đạt 8,5 điểm trở lên sẽ thực sự giỏi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.