Thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM: Bao nhiêu điểm sẽ được xét tuyển?

Hà Ánh
Hà Ánh
20/04/2018 08:21 GMT+7

Năm nay lần đầu tiên ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Kết quả kỳ thi này sẽ là một trong nhiều phương thức được sử dụng để xét tuyển vào các trường thành viên.

Không nhân hệ số thành phần
Bỏ “sàn” điểm học bạ sơ tuyển
Theo quy định thực hiện 3 năm nay, TS xét tuyển vào ĐH Quốc gia TP.HCM bắt buộc phải có điểm trung bình chung các năm THPT đạt từ 6,5 trở lên (bậc ĐH) và 6 trở lên (bậc CĐ). Nhưng theo phương án tuyển sinh chính thức được công bố trong cuộc họp sáng 19.4, ĐH này sẽ bỏ ngưỡng điểm “sàn” sơ tuyển tối thiểu bằng điểm học bạ trong năm nay. Quy định này áp dụng đồng thời cho tất cả các phương thức tuyển sinh.
Lý giải thay đổi này, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa cho biết tổng kết quá trình thực hiện cho thấy hiệu quả đạt được không như mong muốn vì thực tế số TS đạt từ 6,5 điểm trong học bạ phổ thông trở lên khá phổ biến. Vì vậy, việc ràng buộc điều kiện này là không cần thiết.
Kỳ thi đánh giá năng lực sẽ được ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 7.7 tại đồng thời 3 điểm: TP.HCM, Cần Thơ và Bình Định. Tham dự kỳ thi này, thí sinh (TS) bắt đầu đăng ký từ ngày 2 - 30.5 với lệ phí thi 200.000 đồng/TS.
Bài thi này được xây dựng với cùng cách tiếp cận bài thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ và bài thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh nhắm vào việc đánh giá năng lực học ĐH của TS thông qua việc kiểm tra các kỹ năng liên quan đọc, hiểu, tư duy, phân tích và giải quyết vấn đề.
Với 120 câu hỏi trắc nghiệm, bài thi tổng hợp này gồm 3 phần với kiến thức trải rộng ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, phần 1 kiểm tra khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh (40 câu). Phần 2 gồm 30 câu về toán học, tư duy logic và phân tích số liệu. 50 câu ở phần 3 kiểm tra khả năng giải quyết vấn đề liên quan đến hóa, lý, sinh, địa, sử, văn hóa và xã hội.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết ban đầu các trường dự kiến về việc nhân hệ số điểm thành phần trong bài thi để phù hợp cho đặc thù từng ngành đào tạo. Tuy nhiên, phương án chốt lại cuối cùng của các trường là sử dụng tổng điểm bài thi này để xét tuyển tất cả các ngành.
Tuy nhiên, tiến sĩ Nghĩa cho biết sau năm đầu tiên triển khai, dựa vào kết quả xét tuyển và yêu cầu từng ngành đào tạo đặc thù, ĐH này sẽ cải tiến việc tổ chức thi cho những ngành đòi hỏi kiến thức sâu hơn. Ví dụ ngành toán học có thể tổ chức thi thêm môn toán.
Tối đa bao nhiêu nguyện vọng ?
Đến thời điểm này, ĐH Quốc gia TP.HCM đang soạn thảo quy chế thi và xét tuyển cho kỳ thi đánh giá năng lực. Theo PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, điểm trúng tuyển bằng phương thức này sẽ được xác định dựa trên điểm bài thi của TS so với chỉ tiêu từng ngành. “Điểm trúng tuyển từng ngành sẽ được hội đồng tuyển sinh xác định trên nguyên tắc từ cao xuống thấp so với chỉ tiêu. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, mức điểm tối thiểu sẽ không quá thấp”, tiến sĩ Nghĩa khẳng định.
Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết trường dự kiến đưa ra ngưỡng điểm sàn riêng. Cụ thể là chỉ xét trúng tuyển những TS có điểm cao trong top 20 - 30% tổng số TS tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm nay.
Các đơn vị thành viên sẽ dành một phần chỉ tiêu các ngành để xét tuyển từ kết quả kỳ đánh giá năng lực. Cụ thể, Trường ĐH Công nghệ thông tin dành tối đa 15% tổng chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả này, Trường ĐH Khoa học tự nhiên dành tối đa 20% chỉ tiêu, Trường ĐH Bách khoa 10%, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn 12%, Trường ĐH Kinh tế - Luật 10%... Riêng khoa y không xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực này.
Theo quy định, mỗi TS chỉ được sử dụng kết quả này để đăng ký vào một trường thành viên. Số lượng nguyện vọng tối đa ở phương thức này sẽ do từng trường quyết định.
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Bách khoa cho phép TS đăng ký xét tuyển tối đa 3 nguyện vọng bằng phương thức này. Tiến sĩ Lê Chí Thông cho biết: “Mỗi TS tham dự kỳ thi này chỉ được ĐH Quốc gia TP.HCM cấp một bản chính phiếu kết quả thi để sử dụng xét tuyển. Dù được đăng ký 3 nguyện vọng nhưng TS chỉ có 1 cơ hội trúng tuyển ở phương thức này”.
ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau và TS có quyền đăng ký đồng thời nhiều phương thức. Nhưng dù trúng tuyển bằng nhiều phương thức thì TS chỉ có một quyền nhập học ở một phương thức thông qua cách nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi.
ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố đề mẫu bài thi đánh giá năng lực. TS có thể tra cứu đầy đủ trên thanhnien.vn.
 
Tuyển thẳng học sinh giỏi 15 trường THPT của TP.HCM
Ngày 19.4, Sở GD-ĐT TP.HCM thông báo đến các trường THPT, ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển thẳng học sinh của 15 trường THPT gồm:
Phổ thông Năng khiếu, Trung học Thực hành ĐH Sư phạm, chuyên Lê Hồng Phong (Q.5), Trần Đại Nghĩa (Q.1), Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình), Gia Định (Q.Bình Thạnh), Bùi Thị Xuân (Q.1), Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn (Q.3), Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du (Q.10), Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp), Trần Phú (Q.Tân Phú), Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận), THCS-THPT Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình).
Điều kiện đăng ký tuyển thẳng: Tốt nghiệp THPT năm 2018, đạt danh hiệu học sinh giỏi các năm học bậc THPT hoặc là thành viên đội tuyển của trường, của TP tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, có hạnh kiểm tốt các năm bậc THPT. Chi tiết về hồ sơ đăng ký ưu tiên xét tuyển, học sinh tham khảo tại www.hcm.edu.vn. Bích Thanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.