Thế giới mạng không phải là thế giới ảo nữa

17/01/2013 15:20 GMT+7

(TNO) “Thế giới mạng không phải là thế giới ảo nữa, mà là một thế giới thật, có ảnh hưởng thật và hậu quả thật”. Đó là lời nhắc nhở của thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM).

(TNO) “Thế giới mạng không phải là thế giới ảo nữa, mà là một thế giới thật, có ảnh hưởng thật và hậu quả thật”. Đó là lời nhắc nhở của thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM) dành cho các bạn trẻ sau những sự việc liên quan đến việc học sinh sử dụng facebook thời gian gần đây.

>> Trường Lương Thế Vinh “cấm” học sinh nói xấu nhau trên facebook
>> Nữ sinh xúc phạm giáo viên trên facebook được bảo lãnh đi học lại

Thế giới mạng không còn là thế giới ảo bằng trường hợp điển hình của em học sinh ở Trường THCS Lý Tự Trọng (Quảng Nam)

Ngay sau đó, ngày 15.1, trên facebook của Trường THPT Dân lập (DL) Lương Thế Vinh đã cho đăng tải Những điều “cấm kỵ” khi lên facebook khẳng định một lần nữa về “thế giới thực” trên mạng.

Khẩu chiến vì “Những điều cấm kỵ”

Các trang facebook của nhiều trường trên cả nước đã cho đăng tải lại nội dung “những điều cấm kỵ” của Trường THPT DL Lương Thế Vinh và trở thành diễn đàn sôi nổi cho học sinh bình luận.

 Thế giới mạng không còn là thế giới ảo
Những điều "cấm kỵ" khi lên facebook đăng tải trên facebook Trường THPT DL
Lương Thế Vinh làm "dậy sóng"

Một bạn có nickname Thu Thủy cho rằng mỗi người đều có quyền tự do ngôn luận, có suy nghĩ và thể hiện bản thân theo cách riêng. Tại sao lại can thiệp quá nhiều để đến mức tâm sự của người ta cũng không được viết lên facebook. Thu Thủy đề nghị nên xem lại vài quy định và yêu cầu để học sinh không phải than vãn.

Nickname Minh Bkf thì cho rằng quy định này có mục đích tốt, tuy nhiên cần xem lại một số điều không ổn. Nếu nhà trường can thiệp quá sâu vào trang facebook cá nhân sẽ khiến học sinh phản ứng tiêu cực, ngoài ra có một số điều không rõ ràng như thế nào là status khó hiểu, cấm nói xấu người khác thì được hiểu là ai,… Và nickname này cho rằng nhà trường nên tập trung vào việc dạy kiến thức và giáo dục đạo đức cho học sinh trong khuôn khổ trách nhiệm và quyền hạn của mình.

Song song với các ý kiến phản ứng lại với quy định của Trường Lương Thế Vinh, nhiều học sinh bày tỏ sự đồng tình. Nickname Nhật Nguyệt nhận xét: “Luật đưa ra không thể cấm được các bạn nhưng các thầy cô muốn các bạn biết chừng mực cũng như suy nghĩ trước từng lời nói hay hành động trên facebook. Lúc đầu các bạn có thể nghĩ đó là cấm đoán, là xâm phạm quyền riêng tư nhưng có như thế thật hay không, là do cách suy nghĩ của mỗi người. Đừng vội kết luận rằng đây là làm mất tự do của học sinh”.

Nickname Chiaki cố lên cũng đồng tình trên trang facebook củaTrường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội): “Quy định này thế là tốt để xây dựng nhân cách cho học sinh”.

Mạng xã hội - nơi vắng bóng gia đình, thầy cô

Theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, để hướng dẫn cho học sinh sử dụng facebook, động thái của Trường THPT Lương Thế Vinh là một hành động rất tích cực, giúp học sinh ý thức hơn về những gì mình thể hiện trên cộng đồng mạng.

Tuy nhiên, sẽ đầy đủ hơn nếu thầy cô có những buổi ngoại khóa hướng dẫn học sinh cách tận dụng ưu điểm của facebook và kiểm soát thời gian sử dụng.

Ngoài đời thực, các em có cha mẹ, có thầy cô nhưng trên thế giới mạng, cha mẹ và thầy cô hầu như hoàn toàn vắng bóng. Vì lý do đó mà thạc sĩ Khắc Hiếu cho rằng thầy cô nên có trang facebook riêng vì đó là nơi tuyệt vời để nắm bắt tâm tư của các em, để lắng nghe các em chia sẻ và để nhắc nhở, định hướng lối sống online cho các em.

 Thế giới mạng không còn là thế giới ảo
Những địa chỉ học sinh chia sẻ cùng thầy cô giáo

Nguyễn Thị Thùy Duyên, học sinh lớp 10, Trường THPT Thạnh Lộc (TP.HCM) cho biết học sinh sử dụng facebook để nói xấu, nói tục thực ra không nhiều, mà mục đích chính là để tâm sự, thăm hỏi bạn bè.

Và nhu cầu được nói chuyện với giáo viên trên facebook là một nhu cầu có thật để giải tỏa những bức xúc trong học hành.

“Nhiều bạn còn lập facebook cho thầy cô giáo để được trò chuyện, gần gũi hơn và nhờ thầy cô giúp các bạn ấy học tốt hơn” - Duyên chia sẻ.

Chị Chu Hoàng Uyên, giáo viên dạy Văn (tại Đắk Lắk) cho rằng số học sinh dùng mạng xã hội nói xấu thầy cô, chửi tục, chửi thề thực ra không lớn. Hầu hết những em có ý thức đều sử dụng mạng xã hội để ca ngợi những giáo viên mà các em thực sự ngưỡng mộ.

Biến mạng xã hội thành “lớp học online”

Chị Uyên cho biết hiện nay nhiều giáo viên chủ nhiệm phải tìm địa chỉ của học trò mình trên mạng để chia sẻ, định hướng và để hiểu học sinh hơn. Đó cũng là nơi tốt để giáo viên và học trò gần gũi nhau.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho rằng nếu sử dụng đúng đắn, facebook sẽ là một nơi hiệu quả để học hỏi, thậm chí có thể trở thành một “lớp học” online, một “trường học” trực tuyến lý tưởng.

“Bản chất facebook không xấu, xấu hay không là ở chỗ chúng ta làm gì trên đó. Facebook sẽ trở thành một ngôi nhà dễ thương, trở nên một lớp học đầy ý nghĩa, trở thành một "quán trà chanh" để giao lưu bè bạn hay trở thành vũng lầy học tập, thành bãi đất u ám với những lời thóa mạ… đều tùy thuộc vào cách mà ta sử dụng chúng mà thôi” - thạc sĩ Hiếu nhận xét.

Đôi khi, một bức ảnh ý nghĩa trên facebook có thể làm thay đổi suy nghĩ hơn cả nghìn lời giáo huấn; chỉ cần đọc một câu status sâu sắc có thể làm thay đổi cách sống của một học sinh; chỉ cần một câu chuyện cảm động cũng có thể thay đổi cuộc đời của một con người… Vì thế, với thạc sĩ Hiếu, hiệu quả chia sẻ thông điệp của facebook là thật, có ảnh hưởng thật, nên đây là một “lớp học” thật.

Để sử dụng facebook hiệu quả, cần cần đảm bảo vài điều cơ bản sau:

Thời gian sử dụng vừa phải: Đừng để facebook kiểm soát mình. Đừng để bị “nghiện” để rồi học hành sa sút, bỏ quên bạn bè thực, sống online hơn là sống thực.

Lưu ý những gì thể hiện trên facebook: Một lời phát ngôn của chúng ta có thể lan truyền ghê gớm đấy. Đừng đăng ảnh nhạy cảm, tung clip “đen”, phát ngôn những câu “nghe không lọt”, đăng những bài thóa mạ “búa rìu nhau”.

Tận dụng những cái tốt của facebook: Mở rộng mạng lưới bạn bè, theo dõi và quan tâm lẫn nhau, đọc những bài viết hay, tham gia các câu lạc bộ thiện nguyện ý nghĩa… Faceboook có thể biến thành lớp học online đầy bổ ích nếu chúng ta biết chọn những “facebook trắng” để vào, tránh xa những “facebook đen” đầy u ám.

Trong mắt tuổi mới lớn chúng ta, thế giới mạng mà điển hình là facebook là thế giới ảo, mọi phát ngôn trên đó đều là không chính thức, viết chơi cho vui, viết cho hả giận, viết rồi thôi… giống như một quyển sổ nháp của cuộc sống. Tuy nhiên, các em cần biết rằng, bây giờ đó không phải là thế giới ảo nữa, mà là một thế giới thật có ảnh hưởng thật và hậu quả thật. (Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu)

Hoàng Quyên

>> Xúc phạm giáo viên trên Facebook, nữ sinh bị thôi học 1 năm
>> Dùng Facebook có nguy cơ giảm khả năng tự kiểm soát
>> Cập nhật Facebook thường xuyên là dấu hiệu của bất ổn tâm trạng
>> Bị đuổi việc vì phỉ báng Tổng thống Mỹ trên Facebook
>> Xác định được người khoe “thành tích” giết voọc trên facebook

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.