Thầy và trò cùng sáng tạo cây cầu Tình yêu

27/11/2016 11:44 GMT+7

Nhận thấy có những cây cầu di động không chỉ để lưu thông mà còn tạo nên biểu tượng cho thành phố, Hồ Vĩnh Hạ (giảng viên Trường ĐH Giao thông Vận tải phân hiệu TP.HCM) đã thiết kế một cây cầu di động độc đáo.

Và đó là ý tưởng hình thành nên cây cầu mang tên Tình yêu.
Không trùng ý tưởng
Tham khảo các phương thức di động của các cây cầu trên thế giới, thầy Hạ tâm đắc với phương thức cuộc tròn lại của cầu Rolling Bridge (London, Anh). Từ ý tưởng đó, cầu cuộn lại đã được anh suy nghĩ và có thể co, duỗi cầu tạo nên đường cong. Đồng thời, thiết kế phần trụ cầu choãi ra để tạo thành hình trái tim. Với mong muốn khi ý tưởng được triển khai thực tế, đây sẽ là một địa điểm hấp dẫn với người dân, đặc biệt là du khách đến thành phố nên anh đặt tên cây cầu là Tình yêu.

Tôi đã phân tích sơ bộ hiệu quả của các công trình cầu nói chung và cầu di động trên thế giới mang lại cho các thành phố nơi nó được xây dựng. Có thể khẳng định ý tưởng cầu đi bộ này không trùng lặp với bất kỳ ý tưởng cầu đi bộ nào trên thế giới

Thầy Hồ Vĩnh Hạ

Tham gia sáng tạo cây cầu có cái tên lãng mạn này còn có các bạn sinh viên được thầy Hạ phân công nhiều việc như: Thanh Thảo (lớp Đường hầm metro, khóa 53) phụ trách mua vật liệu, tính toán kinh phí; Văn Dũng (lớp Cầu hầm, khóa 53) phụ trách thi công kết cấu mô hình; Quang Đức và Trọng Duy (lớp Cầu đường, ô tô, sân bay, khóa 55) phụ trách trang trí và quay phim quá trình thi công. Thầy Hạ đã thiết kế các bản vẽ chi tiết và vượt qua vòng sơ loại của cuộc thi “Mô hình chuyên ngành” do Phân hiệu ĐH Giao thông Vận tải tại TP.HCM tổ chức. Sau 6 tháng thực hiện, nhóm đã hoàn thành xong mô hình và giành giải Nhì cuộc thi này.
Khi xây dựng mô hình cây cầu, thầy Hạ đã khảo sát nhiều khu vực, anh cho biết: “Tôi đã khảo sát dựa vào tiêu chí chính là điều kiện kinh tế xã hội của khu vực và đưa ra được một số vị trí khả thi áp dụng như khu đô thị Sala (quận 2), kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn Thảo Cầm Viên, công viên Central Park, khu đảo Kim Cương. Đây là những khu vực kênh nhỏ, hồ có công viên. Mục đích của sáng tạo nàyw là tạo cảnh quan đô thị, góp phần tăng mảng xanh, tạo địa điểm vui chơi giải trí và để tạo điểm nhấn thu hút khách tham quan cho thành phố”.
Gieo mầm sáng tạo cho sinh viên
Khi thực hiện cây cầu này, thầy Hạ và các sinh viên có áp lực rất lớn để chứng minh với mọi người là ý tưởng của mình có thể thực hiện được mô hình. Trong quá trình làm việc, khó khăn lớn nhất là cần giải quyết, bố trí thời gian làm việc đảm bảo cho các sinh viên vừa đáp ứng việc học trên lớp, vừa đảm bảo hoàn thành mô hình đúng thời gian.
Sau cuộc thi ở trường, thầy trò anh mang mô hình tham dự cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo trẻ TP.HCM năm 2016”. Với giải Nhất tại cuộc thi này, anh và các sinh viên phấn khởi vì công sức của thầy trò đã gặt hái được kết quả và còn vui hơn vì ý tưởng này đã được nhiều người quan tâm. Như vậy sẽ có nhiều cơ hội để đưa ý tưởng này áp dụng vào thực tế hơn.
Thầy và trò chạy nước rút ráp mô hình để kịp giờ thi.
“Trong nhóm có hai sinh viên chưa vào chuyên ngành. Mục đích chính là tôi để các em đi trước hướng dẫn cho các em đi sau và để gieo mầm sáng tạo cho các sinh viên qua các khóa học. Mặt khác, tôi đã phân chia công việc khá rõ ràng khi làm mô hình và cùng bắt tay vào việc thực hiện với các em. Mỗi sinh viên đảm nhận một công việc nên các em chỉ có sự góp ý lẫn nhau mà không có sự xung đột trong quá trình làm việc”, thầy Hạ nói.
Cũng theo thầy Hạ thì tuổi đời tôi cũng không quá chênh lệch so với các sinh viên nên nói chuyện, tâm sự cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Sau những buổi thầy trò cùng làm việc, chúng tôi cùng ngồi lại trò chuyện, đi chơi. Đó là dịp để tôi chia sẻ cho các em không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn là định hướng nghề nghiệp khi ra trường, các kỹ năng cần của kỹ sư công trình và nhiều chuyện khác vướng mắc trong học tập, cuộc sống của sinh viên. Ngược lại, các em cũng chính là một kênh để tôi hiểu hơn về nguyện vọng, tâm tư của bạn. Từ đó, điều chỉnh cách giảng dạy trên lớp phù hợp với sinh viên.
Sản phẩm sáng tạo cây cầu Tình yêu đoạt giải Nhất của cuộc thi sáng tạo 2016
Hiện thầy Hạ đang nghiên cứu xây dựng bản vẽ cho công trình thực tế. Từ đó, anh hy vọng giới thiệu sáng tạo cây cầu Tình yêu đến nhiều hơn với các tổ chức, công ty trong ngành giao thông vận tải và ban quản lý các khu dân cư để có thể triển khai ra thực tế.
Chi phí thực hiện mô hình bằng gỗ của cây cầu này với tổng chiều dài 3,2 m, cao 1,2 m để tham gia các cuộc thi là 5 triệu đồng. Chi phí dự kiến để thực hiện công trình thực tế để vượt qua hồ/đoạn kênh có chiều dài khoảng 50 m - 80 m khoảng 10 tỉ đồng đến 15 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.