Thầy giáo nhiều năm mặc áo dài đi dạy

An Chiên
An Chiên
10/11/2020 19:02 GMT+7

Từ bất ngờ, thắc mắc, nay sinh viên nhiều trường đại học tại TP.HCM đã quen thuộc với hình ảnh một thầy giáo mặc áo dài mỗi khi đứng lớp.

Đó là hình ảnh thầy Hồ Minh Quang, Trưởng khoa Đông Phương học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM. Thầy cũng là giảng viên thỉnh giảng ở nhiều trường ĐH khác.

Mặc áo dài để nhận diện người Việt Nam

Thầy Quang bắt đầu mặc áo dài từ năm 2002, khi còn đi học tại Trường ĐH Trung Sơn - Quảng Châu (Trung Quốc) vào những dịp biểu diễn văn nghệ giao lưu với bạn bè các nước.
“Trong tất cả những hoạt động giao lưu quốc tế tại trường, bạn bè quốc tế có thể nhận diện được dễ dàng các bạn nữ là người Việt Nam thông qua tà áo dài, còn nam sinh thì hầu như không ai để mắt tới. Bạn bè ở hầu hết các nước châu Á, châu Phi bất kể nam nữ đều có trang phục hoặc phụ kiện mang tính nhận diện văn hóa quốc gia của mình. Sinh viên nếu không mặc áo dài hoặc không cầm quốc kỳ thì hầu như không ai biết là người Việt Nam. Vì vậy, tôi quyết tâm mặc áo dài Việt Nam để có được một tiêu chí nhận diện trong những không gian đa văn hóa như vậy” thầy Quang kể lại.

Một buổi giảng của thầy Quang tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

An Chiên

Theo thầy Quang, áo dài của nam giới cầu kỳ hơn nhiều so với nữ giới. Thầy Quang chia sẻ bộ áo dài thầy mặc gồm 5 món: Khăn xếp (khăn đống), áo bà ba (mặc lót trong cùng), áo dài trắng (áo nền), áo the (lớp ngoài cùng), quần trắng ống to. Lớp ngoài cùng, khi đi dạy thầy mặc áo the đen, khi tiếp khách ngoại giao hoặc biểu diễn thì mặc áo gấm hoặc áo the màu sáng. Lúc đi dạy thầy thường mang guốc, còn dịp tiếp khách quốc tế thì mang giày tây đen.

Sinh viên từ ngạc nhiên đến thích thú

Khi về nước, đến năm 2012 thầy Quang bắt đầu mặc áo dài khi dạy môn thư pháp. Đến năm 2017 thầy mặc áo dài ở tất cả các môn.
Mặc áo dài nhiều lớp trong thời tiết nóng bức của Nam bộ rất vất vả. Áo dài là một dạng lễ phục vì vậy có quy tắc cho từng hoạt động. Từ đi, đứng, ngồi, ăn… phải luôn chú ý từng chi tiết để không bị mang tiếng thất lễ. Thầy Quang bộc bạch: “Phòng học của trường không có điều hòa nên chuyện ướt đẫm tới cả 2, 3 lớp áo mỗi khi đi dạy là điều hiển nhiên. Nhưng tôi yêu cầu khắt khe với bản thân nên tôi chịu được nóng bức, có thể chú ý thực hiện đúng từng thao tác khi mặc áo dài vì đơn giản tôi là thầy giáo! Tôi không yêu cầu người khác phải mặc áo dài vì tôi tôn trọng sự tự do trong việc lựa chọn trang phục và cách sống của mỗi người. Tôi cũng không khuyến khích ai phải làm điều vất vả như vậy!”.
Những ngày đầu thầy Quang mặc áo dài đi dạy, nhiều sinh viên ngạc nhiên, thắc mắc. Tuy nhiên, đến giờ rất nhiều nguời ủng hộ thầy. Những câu hỏi thắc mắc ban đầu đã dần ít đi và hầu như không còn nữa.
Nguyễn Hoàng Thanh Hà, sinh viên Trường ĐH ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy thầy Quang mặc áo dài là ngạc nhiên nhưng lại rất thân thuộc. Thầy còn hài hước chia sẻ những chuyện thú vị khi mặc áo dài nên tụi mình ai cũng thích thú. Mình rất vui và ủng hộ việc thầy mặc áo dài khi đi dạy”.
Linh Hồng Tuấn, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể: “Lần đầu tiên nhìn thấy thầy Quang mặc áo dài mình cảm thấy lạ. Mình thắc mắc vì sao thầy lại mặc áo dài khi đi dạy nhưng cũng ngại không dám hỏi. Sau đó, thầy đã giới thiệu về bộ áo dài thầy đang mặc và kể lại những dịp thầy mặc nó cho cả lớp nghe nên mình cũng ủng hộ việc này ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.