Thầy giáo có đôi tay tài hoa

20/11/2018 13:54 GMT+7

Thầy giáo mỹ thuật Lê Quốc Toàn (38 tuổi) được nhiều người ngưỡng mộ bởi khả năng vẽ tranh sơn dầu, tranh gạo, tranh vỏ trứng và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục bộ sưu tập túi xách tái chế từ bao mì gói.

Thầy Toàn cho biết năm 2006, sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng, thầy về giảng dạy bộ môn mỹ thuật ở Trường TH - THCS Lý Thường Kiệt (P.1, TP.Sóc Trăng, Sóc Trăng) cho đến nay. Vừa dạy, thầy vừa học tiếp và đã tốt nghiệp ĐH sư phạm chuyên ngành mỹ thuật.
Biến ý tưởng thành hiện thực
Thầy kể, năm 2003, khi đang học trung cấp, thầy đã bắt đầu thực hiện ước mơ vẽ tranh bằng chất liệu sơn dầu, tranh gạo, vỏ trứng... và được gửi đi tham gia triển lãm tranh khu vực ĐBSCL. Từ năm 2014, thầy bắt tay thực hiện nhiều sản phẩm như túi xách, thùng đựng đồ, hộp quà, hộp đựng kim chỉ, bàn ghế… bằng vỏ gói mì tôm, bọc bánh snack, chai nước suối và bước đầu đã thành công.
Thầy Toàn và một số túi xách ẢNH: HOÀNG VÂN
Theo thầy Lê Quốc Toàn, hằng ngày thấy bao bì của các loại thực phẩm như mì gói, túi cà phê hay các gói snack sau khi dùng chỉ bỏ đi, khó phân hủy. Từ đó thầy nảy ra ý tưởng sử dụng các vỏ bao bì này tạo ra sản phẩm có ích cho cuộc sống và góp phần bảo vệ môi trường.
Nghĩ là làm. Ban đầu thầy dùng một ít bao mì gói ở căng tin của trường về vệ sinh sạch sẽ rồi cắt ra, se lại thành cọng để đan thành những chiếc túi xách nhỏ nhắn, đem giới thiệu cho đồng nghiệp, ai cũng thích. Từ đó, thầy tiếp tục thực hiện niềm đam mê của mình cho đến nay đã có bộ sưu tập 44 túi xách với đủ kích thức, kiểu dáng, màu sắc. Ngày 26.8 vừa qua, bộ sưu tập 44 chiếc túi xách đó đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người thực hiện bộ sưu tập túi xách tái chế từ bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất”.
Hộp đựng quà làm bằng vỏ gói mì tôm ẢNH: HOÀNG VÂN

Thầy Toàn cho biết để thực hiện một chiếc túi xách bằng vỏ bao mì gói phải qua nhiều công đoạn như tạo ý tưởng, chọn bao bì phù hợp, tiếp theo là vệ sinh, cắt, se bao bì và đan theo kích thước của bản vẽ trước đó. Công đoạn se từng mảnh bao bì thành cọng để đan được xem là khó nhất vì phải khéo léo để các cọng kết nối với nhau cho vừa vặn, đảm bảo kích thước sau khi sản phẩm hoàn chỉnh. Sau khi đan xong thì may phần ruột túi xách để ghép vào các mảnh bao bì đã được đan và cuối cùng là trang trí thêm cườm, hoa văn… để sản phẩm hợp thời trang và nổi bật.
Bộ ghế ngồi bằng vỏ gói mì tôm ẢNH: HOÀNG VÂN

Mong muốn được truyền nghề
Nhớ lại lúc bắt tay tạo túi xách, thầy Toàn kể: “Năm 2015 - 2016, tôi đưa sản phẩm túi xách của mình tham dự cuộc thi về khoa học công nghệ ở địa phương nhưng bị trượt. Tôi buồn quá, bỏ luôn việc tạo túi xách hơn nửa năm trời, thậm chí nghĩ sẽ “nghỉ chơi” với loại túi này. Giữa lúc đó, cô hiệu trưởng nhà trường biết và khuyên tôi tiếp tục thực hiện vì cô thấy sản phẩm này đẹp, có giá trị sử dụng. Nghe lời cô, tôi lại bắt tay vào thực hiện và thành công. Khi tôi làm được một bộ sưu tập 44 túi xách, cô hiệu trưởng khuyên tôi đăng ký xác lập kỷ lục và thật bất ngờ bộ sưu tập đã được công nhận.
Đèn ngủ làm vỏ gói bánh snack ẢNH: HOÀNG VÂN

Cô Phạm Phương Chi, Hiệu trưởng Trường TH -THCS Lý Thường Kiệt, nhận xét: “Thầy Toàn là người rất tài hoa. Thầy đã tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, tiện dụng, có tính nghệ thuật cao và rẻ tiền. Thầy vẽ tranh đẹp, trang trí cũng rất ấn tượng. Riêng với việc tạo ra những chiếc túi xách thì phải nói thật là hoàn hảo. Sau khi làm xong, thầy Toàn có tặng tôi 1 chiếc, tôi đã sử dụng hơn 1 năm và vẫn còn tốt”.
Nhứng túi xách độc đáo do thầy Toàn sáng tạo ẢNH: HOÀNG VÂN

Sau khi được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người thực hiện bộ sưu tập túi xách tái chế từ bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất” thì có rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước gọi điện cho thầy Toàn với mong muốn được sở hữu một vài sản phẩm, nhưng thầy chưa nhận lời vì sản phẩm làm thủ công nên số lượng chưa nhiều.
Tác phẩm tranh sơn dầu của thầy Toàn ẢNH: HOÀNG VÂN
“Tôi rất muốn sản phẩm của mình được đem ra thị trường nhưng vốn chưa có nên rất muốn mời gọi nhà đầu tư hỗ trợ hoặc chuyển giao ý tưởng. Tôi sẵn sàng truyền nghề cho người lao động để tạo ra đội ngũ lao động có tay nghề từ khâu đan bao bì, may, định hình sản phẩm… để các sản phẩm của mình có mặt trên thị trường, nhất là việc thu hút thị hiếu của khách du lịch nước ngoài”, thầy Toàn chia sẻ.
Một tác phẩm tranh vỏ trứng của thầy Toàn sáng tạo ẢNH: HOÀNG VÂN
Tác phẩm tranh gạo của thầy Toàn ẢNH: HOÀNG VÂN

Để làm được bộ sưu tập 44 túi xách độc đáo này, thầy Toàn đã trải qua 4 năm kiên trì, tranh thủ thời gian thu gom khoảng 20.000 bao mì gói để tạo ra từng chiếc túi xách với nhiều kích cỡ khác nhau như: 30 cm x 18 cm x 13 cm; 30 cm x 20 cm x 15 cm; 20 cm x 18 cm x 14 cm… Nếu làm liên tục thì thời gian hoàn thành một chiếc túi nhỏ là 2 ngày và túi lớn là 3 ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.