Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Như cây không có gốc rễ

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
26/08/2020 09:02 GMT+7

Nếu trong y học có lời thề Hippocrates, thì không ít người làm khoa học chân chính cũng biết đến một kim chỉ nam cho mình: lời thề Socrates - lời tuyên thệ không có chỗ cho thành tích ảo và chiêu trò ngụy khoa học trong nghiên cứu.

Một nhà khoa học trẻ được giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng năm 2019 cho biết môi trường khoa học Việt Nam hiện nổi lên một số thực trạng; trong đó, chuyện mua bán bài báo bằng nhiều hình thức khác nhau, chiêu trò để được đứng tên trong công trình sách, tạp chí khoa học... đang được dư luận quan tâm nhiều nhất. “Là người theo dõi thường xuyên các công trình nghiên cứu quốc tế, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy có những tác giả một năm đăng tới 60 - 70 bài báo quốc tế trong rất nhiều lĩnh vực. Thông thường một bài báo khoa học, tùy thuộc vào từng lĩnh vực, có lĩnh vực chạy mô hình sẽ nhanh, nhưng có lĩnh vực phải làm thí nghiệm có khi cả năm mới xong. Mỗi năm vài chục bài chưa chắc nói là ảo, vì có thể tác giả hợp tác với nhiều nhóm nghiên cứu, nhưng không thể một người vừa làm nghiên cứu xử lý nước lại chạy qua bên vật lý hạt nhân, rồi chạy sang bên toán và chạy qua cả kinh tế”, vị này nói.
PGS-TS Lê Trung Chơn, nguyên Trưởng phòng Sau ĐH, hiện là giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ví von: “Muốn cây phát triển mạnh phải có gốc rễ sâu, thân khỏe và đặc biệt là phải có môi trường sinh thái tốt. Đối với ĐH, môi trường ấy là tự do học thuật và sáng tạo kèm theo một thể chế tốt chứ không phải là tiền, là mua bán. Sự chính trực của người thầy sẽ sản sinh ra một thế hệ tương lai chính trực. Sự giả tạo trong giáo dục và nghiên cứu khoa học sẽ sản sinh ra thế hệ tương lai giả dối và một nền khoa học suy đồi”.
Theo PGS-TS Lê Trung Chơn, xếp hạng không phản ánh được bản chất, chất lượng và vai trò của trường ĐH vì muốn có xếp hạng thì cũng có thể dùng chiêu trò, một khi xem trọng bảng xếp hạng thì sẽ bỏ quên những vấn đề bản chất khác. “Nguồn lực thực sự của trường là điều quan trọng chứ không phải vay mượn của người khác. Làm như thế khác gì cây không có gốc. Như vậy là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Lời thề Socrates trong nghiên cứu khoa học rất cần thiết là vậy”, ông Chơn phân tích.
Để ngăn chặn thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học, PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, Trưởng phòng Sau ĐH Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, nhìn nhận: “Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ GD-ĐT, Hội đồng Giáo sư nhà nước, các trường ĐH, viện nghiên cứu... cần tăng cường thu thập và công khai thông tin về các tạp chí “dỏm”, các tạp chí mở kém chất lượng... Đồng thời, các đơn vị kiên quyết không chấp nhận các công trình đăng trên các tạp chí này, thậm chí là kỷ luật nếu giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh... vi phạm đạo đức trong nghiên cứu khoa học và đăng báo quốc tế. Cần có cơ chế, chính sách yêu cầu các trường ĐH, viện nghiên cứu, các giảng viên phải công khai và minh bạch hóa các số liệu, dữ liệu về nghiên cứu khoa học. Việc công khai và minh bạch hóa này sẽ tạo ra sức ép dư luận rất lớn lên các cá nhân, đơn vị chạy theo thành tích ảo, mua bán bài báo quốc tế”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.