Thần đồng thế giới: Cậu bé biết chế bom hóa học khi mới 10 tuổi

31/08/2016 10:34 GMT+7

Biết chế bom hóa học từ khi còn 10 tuổi, Taylor Wilson đã bộc lộ những tố chất của một thần đồng. Khi mới 14 tuổi, cậu đã trở thành người trẻ nhất thế giới tự chế tạo thành công thiết bị phản ứng tổng hợp hạt nhân.

Taylor Wilson đã biết chế tạo bom khi mới 10 tuổi - Ảnh chụp màn hình The Guardian

“Tôi bị cuốn hút với các chất phóng xạ. Tôi cũng không biết tại sao lại như vậy. Có thể vì sức mạnh trong nguyên tử mà mắt thường không nhìn thấy, một sức mạnh không gì kiềm tỏa được”, Wilson nói về niềm đam mê của mình.
Thiên tài lộ diện
“Đây là động cơ đẩy”, cậu nhóc 9 tuổi nói với cha khi đang cầm tay ông bước qua cánh cổng của Trung tâm vũ trụ và tên lửa Mỹ ở bang Alabama vào năm 2003. “Con muốn nhìn thấy những chi tiết của động cơ đẩy”, cậu nhóc hăm hở nói.
Người hướng dẫn tham quan vừa nói vừa đưa mọi người đến bản mô phỏng đầy đủ của Saturn V, loại tên lửa đẩy khổng lồ đã giúp Mỹ chinh phục mặt trăng vào những năm cuối thập niên 1960.
Cậu nhóc 9 tuổi giơ tay, không phải để hỏi, mà là để giải thích cách vận hành Saturn V. Em biết rõ tải trọng, vận tốc, sức mạnh của tên lửa, ưu và khuyết điểm của nhiên liệu lỏng so với nhiên liệu rắn. Nữ hướng dẫn viên đã sửng sốt lùi lại, nhường ‘sân khấu’ cho cậu.

Rất nhiều thuật ngữ cấp tiến sĩ được cậu bé 9 tuổi dùng để giải thích về Saturn V. Mọi người ngỡ ngàng trước sự chênh lệch giữa tuổi tác và kiến thức của người đang nói.
Cậu nhóc đó là Taylor Ramon Wilson, sinh năm 1994 ở Mỹ. Ông Kenneth Wilson liếc nhìn đứa con trai 9 tuổi với ánh mắt kinh ngạc. Cũng trong lúc này, ông hiểu được gánh nặng giáo dục của người làm cha một thiên tài.
Sau giây phút ngỡ ngàng, nữ hướng dẫn đã chạy đi gọi giám đốc trung tâm. Cô biết rằng bất kỳ nhà khoa học nào cũng muốn gặp cậu bé này.
Phản ứng tổng hợp hạt nhân trong nhà để xe
10 tuổi, Wilson treo bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học trong phòng mình. Trong vòng một tuần, cậu đã thuộc lòng toàn bộ số nguyên tử, khối lượng và nhiệt độ nóng chảy.
Thế nhưng, mọi chuyện không chỉ dừng ở đó. Bằng những nguyên liệu lấy từ các lọ thuốc và hóa chất gia dụng, cậu nhóc đã chế thành công quả bom đầu tiên của mình.
Trước khi kịp ý thức được mối đe dọa của vũ khí hạt nhân và nguy cơ chúng rơi vào tay bọn khủng bố, Wilson đã làm chủ được công nghệ tổng hợp hạt nhân.

tin liên quan

'Thần đồng toán học' Jennifer Trần Nguyễn
Ba mẹ là người VN nhưng Jennifer Trần Nguyễn (11 tuổi, ảnh) sinh ra ở Nhật và lớn lên ở Adelaide - Úc. Cô bé đã hoàn thành chương trình toán học (tương đương chương trình toán lớp 12) và thành thạo 5 ngoại ngữ.

Wilson thường tự tìm kiếm các nguyên liệu cần thiết cho việc nghiên cứu của mình. Từ năm 11 tuổi, cậu bé thần đồng đã bắt đầu sưu tập uranium và tìm mua các lọ plutonium trên mạng, theo The Guardian.
Đã không ít lần cậu rời nhà để đi tìm uranium. Có lần, Wilson cùng cha mình là ông Kenneth thực hiện một chuyến đi dài vào sa mạc New Mexico để tìm uranium. Lần đó họ trở về với kha khá chiếm lợi phẩm. Một lần khác là lang thang ở phía bắc dãy núi Virginia.

Taylor Wilson trong một lần đi tìm nguyên liệu phóng xạ - Ảnh chụp màn hình Popular Science

Ngay trong nhà để xe của gia đình, cậu thiếu niên 14 tuổi Wilson đã chế tạo thành công “Fusor”, một thiết bị tạo ra phản ứng tổng hợp hạt nhân. Nó khiến các nguyên tử phản ứng với nhau, có khả năng tạo ra một vụ nổ kinh hoàng với lõi plasma nóng đến hàng trăm triệu độ C.
Lúc này, cậu thiếu niên Wilson đã trở thành người trẻ nhất thế giới có thể tạo ra phản ứng tổng hợp hạt nhân, theo Popular Science.
Bộ An ninh nội địa Mỹ vào cuộc
Bộ An ninh nội địa Mỹ không lâu sau đã đánh hơi được những hành động của Wilson. Năm 2010, các quan chức đã mời cậu lên làm việc. Không phải để bắt phạt, buộc ngưng nghiên cứu hay cáo buộc tội danh gì, mà là tham vấn ý kiến.
Họ muốn Wilson xác nhận những gì đã làm được và muốn sử dụng tài năng của cậu trong nỗ lực chống khủng bố và bảo vệ an ninh quốc gia.

Các nhà vật lý hạt nhân xuất sắc thời Chiến tranh lạnh nay đã nghỉ hưu. Trong khi đó, Bộ Năng lượng Mỹ đang lo ngại động lực nghiên cứu của giới trẻ bị suy yếu, giáo sư vật lý Ron Phaneuf tại Đại học Nevada, cố vấn khoa học của Wilson, cho hay.
“Tôi nghĩ sẽ có cánh cửa cơ hội mở ra cho Wilson. Cậu ấy là một hiện tượng, có thể là người giỏi nhất tôi từng gặp dù trước đây tôi đã tiếp xúc với nhiều nhà khoa học từng đoạt giải Nobel”, ông nói thêm.
Trong các cuộc gặp sau này, Bộ An ninh nội địa và Bộ Năng lượng Mỹ đã chủ động cung cấp trang thiết bị và hỗ trợ chuyên môn để Wilson nghiên cứu.
Nhiều cơ quan danh tiếng cũng ra sức kéo Wilson về phía mình. Tập đoàn Raytheon chuyên về công nghệ quốc phòng lớn thứ năm ở Mỹ từng đề nghị cậu hỗ trợ phát triển công nghệ bảo mật cho họ. Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã tuyển Wilson vào hỗ trợ cho nhiều dự án nghiên cứu khác nhau, theo The Guardian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.