Tết Tân Sửu 2021: Con trẻ bĩu môi chê người quen chúc tết mà không lì xì

14/02/2021 14:00 GMT+7

Chuyện bọn trẻ hôm nay khen người lớn này lì xì hào phóng hoặc chê người lớn kia “kẹo kéo” khi phong bao mừng tuổi chỉ vỏn vẹn mấy chục nghìn đã không còn là chuyện hiếm có khó tìm.

Tình cờ lắng nghe hai đứa cháu nói chuyện lì xì mà tôi giật nảy mình. Cháu lớn học lớp 7 bảo đang cố kiếm đủ tiền để mua smartphone, còn em trai bảo sẽ xin thêm bố mẹ, ông bà ít nữa cho đủ tiền mua iPad. Hai chị em hí hửng khen một số người thân năm nào cũng mừng tuổi cao ngất ngưỡng và không quên bĩu môi chê bai mấy người quen cứ đến nhà được chúc tết “sức khỏe”, “thành công”, “may mắn” mà đến khoản mừng tuổi là “không ưa nổi”.
Tôi muốn gọi các con lại để uốn nắn về nét đẹp của phong tục lì xì nhưng cảm giác bất lực níu mình lại. Không chỉ một, hai đứa trẻ hiểu sai lệch về những chiếc phong bao đỏ thắm mà cả một thế hệ trẻ đang định hình tục mừng tuổi ở giá trị vật chất của tờ polyme trong đó.
Phong bao đỏ với ít tiền lẻ ngày xưa giờ phải đổi thành những tờ tiền mệnh giá lớn mới làm bọn trẻ vui ư? Lời chúc “ăn mau chóng lớn”, “xinh xắn ngoan ngoãn” mới thốt ra nửa vời thì bọn trẻ đã vội vớ lấy phong bao chạy biến đi mất. Đổi lại là nét mặt hớn hở hoặc là sa sầm xuống vì mệnh giá tờ polymer không như ý.
Nhiều đứa trẻ đã quen nhận tiền lì xì giá trị lớn nên mặc định: Lì xì phải nhiều tiền, càng nhiều tiền càng vui. Vậy nên, không ít lần chính chúng ta phải nhột cả người khi vô tình bắt gặp cái bĩu môi của trẻ và lắm lần sượng trân khi con trẻ xé toạt phong bao, móc “ruột” và lên tiếng chê “ít”!
Trách ai bây giờ? Trách con trẻ vô tâm hay chúng ta đã vô tình quên mất việc phải dạy trẻ bài học ứng xử tử tế với phong bao lì xì từ hồi nhỏ xíu xiu rồi nhắc lại mỗi dịp tết? Và cả thói xấu cân đo đong đếm tiền mừng tuổi kia nữa, phải chăng con trẻ đã nhiễm thói xấu ấy từ chính tấm gương mờ của bố mẹ?
Nhiều bố mẹ cứ thở ngắn than dài mỗi dịp tết vì cái khoản mừng tuổi tốn lắm tiền kia. Cả một “binh đoàn” cháu chắt rồi trẻ hàng xóm láng giềng, trẻ con đồng nghiệp đồng hương khiến người ta hãi cảnh đổi tiền mới, bỏ phong bao, rút ra phát đồng loạt. Rồi cứ lo ngay ngáy chuyện bỏ phong bao ít bị chê nên năm nào cũng tò mò hỏi han nhau trên mạng “năm nay lì xì bao nhiêu là vừa?”. Thế đó, chính chúng ta đang tự tạo ra cho mình áp lực phải lì xì nhiều tiền, càng nhiều tiền càng tốt.
Tôi biết nhiều người còn chi li tính toán thiệt hơn với cái khoản mừng tuổi kia nhiều lắm. Có người vừa bỏ phong bao vừa ôn chuyện cũ “năm ngoái mình lì xì con họ cả trăm mà con mình nhận lại có mấy chục”. Có người sau khi dắt con đi vòng quanh xóm chúc tết vừa về đến nhà đã vơ vội đống phong bao con được mừng tuổi ra đếm xem lời hay lỗ. Rồi cả chuyện “cậy nhờ” phong bao lì xì để trả ơn, trả nghĩa, trả lễ cho ai đó đã từng giúp đỡ mình chuyện này, chuyện kia…
Bao nhiêu nét mặt vui buồn, bao lời bình phẩm khen chê và cả những ý đồ thiếu trong sáng của người lớn vô tình lọt vào mắt, rơi vào tai của con trẻ. Từ lúc nào chẳng biết, bọn trẻ cũng bắt đầu biết vui hoặc buồn, khen hoặc chê món quà xuân của ngưới lớn.
Trả lại ý nghĩa tục lì xì ngày tết cho con trẻ ư? Khó lắm thay!
Dẫu biết là khó để thay đổi cách nghĩ của cả một bộ phận người trẻ nhưng chúng ta không thể không hành động để phong tục mừng tuổi ý nghĩa ấy ngày càng biến tướng. Muốn vậy, mỗi người lớn chúng ta phải nhận thức đúng đắn về tục lì xì để truyền cho các con thông điệp tốt đẹp về những chiếc phong bao đỏ thắm gói gắm tình yêu thương, sự quan tâm và lời chúc an lành, may mắn.
Đừng quên nhắc nhở con trẻ thái độ đúng khi nhận phong bao lì xì, tuyệt đối không được xé phong bao trước mặt khách! Định hướng cho các con sử dụng tiền mừng tuổi hợp lý cũng là một yêu cầu quan trọng để ứng xử tử tế với lì xì.
Và quan trọng hơn hết là chính người lớn chúng ta phải thay đổi quan niệm “mệnh giá càng lớn càng vui” trong mỗi chiếc phong bao lì xì ta trao cho con trẻ! 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.