GS Vũ Hà Văn: Tạo môi trường làm việc tốt cho những người xuất sắc

Quý Hiên
Quý Hiên
10/01/2019 07:05 GMT+7

Đầu năm 2019, Quỹ Phát triển khoa học công nghệ bắt đầu nhận hồ sơ để xét tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học. Báo Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn kiêm Giám đốc quỹ.

 

Hướng tới những người xuất sắc, có hoài bão

Thưa giáo sư, đề tài thuộc lĩnh vực nào sẽ được quỹ ưu tiên xem xét?
Trong năm nay, chúng tôi hướng tới các đề tài về công nghệ cao liên quan đến dữ liệu lớn, ưu tiên những đề tài có dẫn đến ứng dụng cụ thể chứ không hoàn toàn là nghiên cứu cơ bản. Về công bố, chúng tôi muốn có công bố trên những tạp chí uy tín, chứ không chỉ chung chung là ISI. Chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ cho một số đề tài tốt nhất, mục đích xây dựng được một đội ngũ nghiên cứu tinh hoa, không chạy theo số lượng.
Mong muốn của chúng tôi là tạo được sự thay đổi về chất lượng và tác phong nghiên cứu khoa học. Nếu một nhà nghiên cứu năm trước công bố 2 bài báo, năm nay được3 bài, nhưng vẫn ở trình độ trung bình như cũ, thì cũng không mang lại thay đổi gì nhiều. Chúng tôi hy vọng những đề tài quỹ hỗ trợ sẽ mang tới những công trình giá trị hơn, tạo được những thành tựu có tính đột phá hoặc những ứng dụng có ý nghĩa với cộng đồng.
Việc này thật khó nhưng nếu thành công, ta sẽ vừa tạo nên một mô hình cộng tác giữa doanh nhân và nhà khoa học, vừa tạo ra một tác phong làm việc mới. Nhà khoa học được hỗ trợ tận tình, nhưng cũng cần làm việc hết mình và công trình cũng cần hướng tới một chuẩn cao hơn.
Chúng tôi chủ trương không gây phong trào mà hướng tới những người xuất sắc và có hoài bão đóng góp, tạo điều kiện cho họ trở thành trụ cột của nền khoa học nước nhà và hướng dẫn được lớp sinh viên kế cận tiệm cận được các bước tiến của thế giới.
1.000 - 2.000 tỉ đồng với một nền khoa học không phải là con số lớn, vậy điều gì khiến giáo sư nghĩ rằng nó sẽ thay đổi về chất của nền khoa học đó?

Với sự đầu tư này, quỹ sẽ tạo được môi trường làm việc tốt cho một số nhóm nghiên cứu xuất sắc. Hãy hình dung họ là những đốm lửa, sẽ cháy sáng bừng khi có cơ hội, tạo ra sự lan tỏa trong môi trường khoa học chung

GS Vũ Hà Văn

Chúng tôi hy vọng với sự đầu tư này, quỹ sẽ tạo được môi trường làm việc tốt cho một số nhóm nghiên cứu xuất sắc. Hãy hình dung họ là những đốm lửa, sẽ cháy sáng bừng khi có cơ hội, tạo ra sự lan tỏa trong môi trường khoa học chung. Mỗi khoa của một trường lớn chỉ cần có vài ba cá nhân giỏi, họ có tiềm năng thay đổi bộ mặt cả khoa. Một công trình có thể chỉ ảnh hưởng đến vài ba người, nhưng tác phong nghiên cứu ảnh hưởng đến cả thế hệ.
Nếu thử nghiệm này thành công sau một vài năm đầu, chúng tôi sẽ xin tập đoàn kéo dài thêm thời gian và nguồn hỗ trợ. Vingroup đang rất quan tâm đến việc gây dựng các tài năng trẻ của VN cho tương lai. Và rất có thể, sẽ có các tổ chức khác cùng đồng hành với chúng tôi, với các hoạt động tương tự.

Áp dụng chuẩn quốc tế để tránh lợi ích cá nhân

Việc thành lập hội đồng khoa học sẽ theo những nguyên tắc nào, quỹ sẽ mời những ai, thưa giáo sư ?
Hiện nay chúng tôi bắt đầu thành lập hội đồng khoa học, nhưng thành phần nhân sự thì xin giữ kín, theo cách quốc tế vẫn làm.
Việc xét duyệt sẽ gồm 2 vòng, với sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Nhân sự của hội đồng khoa học thay đổi hằng năm. Người ngồi hội đồng năm nào sẽ không có đề tài nộp năm đó, hay trong trường hợp hãn hữu bất khả kháng, họ sẽ không có mặt khi đề tài của họ được nhắc tới. Nhiều chuẩn quốc tế khác cũng sẽ được áp dụng để tránh các lợi ích cá nhân trong việc xét duyệt. Tôi chủ yếu sẽ tham gia xét duyệt với tư cách quan sát viên hoặc điều hành.
Quỹ có những nguyên tắc nào với các thành viên hội đồng để đảm bảo tiền của mình chi đúng cho những dự án xứng đáng được hỗ trợ?
Chúng tôi đặt ra một số quy ước cụ thể để những người có quyền lợi liên quan đến dự án sẽ không ngồi vào các hội đồng, tạo được mức khách quan cao nhất có thể. Còn lại thì chúng tôi đặt niềm tin vào tính trung thực và lòng tự trọng của các nhà khoa học.
Đây có thể là cơ hội đáng kể để các nhà khoa học VN phát huy hết khả năng. Có rất ít tổ chức tư nhân có thể thành lập các quỹ hỗ trợ ở quy mô này, mà qua đó chúng tôi hy vọng tạo dựng được một môi trường học thuật lành mạnh nghiêm túc, ít nhất trong những nhóm mà chúng tôi có thể hỗ trợ. Nếu các nhà khoa học tự mình làm hỏng môi trường học thuật đó thì chương trình chắc sẽ khó duy trì, vì nó sẽ mất đi ý nghĩa lớn nhất.
Hồi đầu tháng 12, giáo sư cũng đã có một buổi làm việc với nhiều giáo sư của các trường đại học trong nước, giáo sư nhận thấy sự quan tâm lớn nhất mà các nhà khoa học quan tâm đối với quỹ là gì?
Điều được hỏi nhiều nhất là cơ chế giải ngân của quỹ. Các nhà nghiên cứu tham gia cuộc họp mong muốn việc giải ngân phải làm sao để bớt các thủ tục giấy tờ phiền phức, tránh xảy ra hiện tượng tiêu cực. Một đề nghị được nhắc tới nhiều là khoán chi, tức là tài chính sẽ được khoán thẳng xuống cho người làm nghiên cứu.
Tôi ủng hộ việc tránh làm phiền các nhà khoa học bằng các thủ tục hành chính mang tính hình thức. Tôi cũng hết sức ngạc nhiên và buồn khi nghe khá nhiều nhà khoa học phản ánh ở các công trình nghiên cứu trọng điểm, số tiền thực sự đến tay người làm khoa học chỉ quãng hơn một nửa số tiền được phê duyệt. Đó là một điều không thể chấp nhận được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.