'Tạo cơ hội để học sinh tranh luận và phản biện'

Bích Thanh
Bích Thanh
05/09/2018 15:07 GMT+7

Trên là chia sẻ của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM trong lễ khai giảng tại Trường THPT Gia Định sáng nay 5.9.

Sáng nay, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã đến tham dự lễ khai giảng và đánh trống khai trường tại Trường THPT Gia Định.
Dù phải trải qua thời gian dài gặp khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất, nhưng giáo viên và học sinh Trường THPT Gia Định luôn cố gắng đạt kết quả cao trong hoạt động dạy và học. Không chỉ là một trong số những trường THPT dẫn đầu thành phố, Trường THPT Gia Định còn nằm trong số 200 trường có điểm tuyển sinh ĐH cao nhất cả nước.

Trò chuyện với học sinh, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhắn nhủ việc học ngoài mục đích giúp các em trở thành những công dân tốt, sống đúng quy định của pháp luật, có một việc làm ổn định, thu nhập tốt, còn giúp các em trở thành những con người hiếu thảo, những người vợ, người chồng nghĩa tình và người cha, người mẹ tốt. Sau khi đã trở thành những con người tốt, các em mới có thể đóng góp cho quê hương, giúp phát triển thành phố.

Dịp này, ông Nguyễn Thiện Nhân mong các thầy, cô giáo tiếp tục tạo môi trường học tập sáng tạo, tạo cơ hội cho học sinh được tranh luận, phản biện trên cơ sở được lắng nghe và chia sẻ.

* Cũng trong ngày khai giảng năm học mới, Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng về những kết quả giáo dục đạt được trong thời gian qua.

Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn sử dụng thiết bị trong phòng học STEM với kính thực tế ảo Khả Hòa

Nhân dịp này, Trường THCS Lê Quý Đôn đã đưa vào sử dụng 2 phòng học mới theo phương pháp STEM đó là Phòng học STEM bằng kính thực tế ảo - STEM VR,  Phòng học khoa học và ngoại ngữ, tin học với IPAD cùng mô hình Vườn sinh vật 4.0.

Ông Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết Trường THCS Lê Quý Đôn là trường đầu tiên tại Việt Nam sử dụng phòng học theo mô hình STEM bằng kính thực tế ảo. Theo đó, trong thiết bị kính ảo sẽ cài đặt những trải nghiệm thực tế gắn liền với kiến thức các môn học. Như vậy, trong mỗi tiết dạy, tùy theo nội dung giảng dạy, học sinh có thể có từ 3 đến 5 phút trải nghiệm thực tế ảo sau khi tiếp cận kiến thức lý thuyết. Chẳng hạn trong tiết học vật lý, học sinh có thể sử dụng thiết bị để khám phá sao hỏa ngay tại lớp học...

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.