Tại sao con học khó?

21/12/2015 04:41 GMT+7

Vì không biết việc học khó là một bệnh lý nên nhiều phụ huynh mắng mỏ, đánh đập khi thấy con học kém hơn bạn cùng lứa. Điều này vô tình làm các em ngày càng sa sút, thậm chí khiến bệnh nặng thêm.

Vì không biết việc học khó là một bệnh lý nên nhiều phụ huynh mắng mỏ, đánh đập khi thấy con học kém hơn bạn cùng lứa. Điều này vô tình làm các em ngày càng sa sút, thậm chí khiến bệnh nặng thêm.

Đông đảo giáo viên, phụ huynh tham gia buổi sinh hoạt chuyên đề - Ảnh: L.NĐông đảo giáo viên, phụ huynh tham gia buổi sinh hoạt chuyên đề - Ảnh: L.N
Buổi sinh hoạt chuyên đề những nguyên nhân khiến học sinh gặp khó khăn trong việc học do Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tổ chức cuối tuần qua đã thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh.
Một phụ huynh có con học lớp 5 kể cháu thường lơ đãng trong các giờ học, khả năng tiếp thu bài rất kém dẫn tới lực học ngày càng yếu đi. Phụ huynh cho rằng do con lười học, thường mắng, ép con học nhiều, khi thấy con học không như ý mình thì đánh đập. Sau khi đưa đi khám thì phát hiện con bị tăng động kém tập trung. Theo các bác sĩ, đây là một dấu hiệu bệnh lý cần được điều trị bằng thuốc và hiện tại việc dùng thuốc cũng chỉ mang tới hiệu quả tức thời chứ chưa có cách điều trị dứt điểm.
Bên cạnh đó, các vấn đề về gia đình như mối quan hệ giữa trẻ và ba mẹ, cách ba mẹ đối xử với nhau, quan hệ anh chị em trong gia đình cũng là nguyên nhân khiến trẻ gặp khó khăn trong học tập. Điển hình như trường hợp một bé gái 8 tuổi ở TP.HCM. Bé thích học vẽ, nhưng bị cha mẹ định hướng và ép theo một lĩnh vực khác nên có những biểu hiện chống đối, phản kháng, tự bứt tóc vì không thể chống lại những áp đặt của ba mẹ. “Khi bé tới gặp bác sĩ thì một bên đầu bị bứt hết tóc”, bác sĩ Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1, kể và cho biết thêm mỗi tháng Khoa Tâm lý của bệnh viện khám, cấp giấy chứng nhận bệnh lý cho hơn 150 trẻ đang là học sinh, chủ yếu trong độ tuổi tiểu học.
Để hạn chế những tổn thương cho trẻ, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh chia sẻ: Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện chậm phát triển tâm thần (chậm phát triển trí tuệ, chỉ số thông minh dưới 70), phụ huynh cần chú ý đến những điểm mạnh khác của trẻ (như trí thông minh về ngôn ngữ, về logic, về không gian, xã hội, nhận biết bản thân...) và động viên con phát triển những điểm mạnh này. Khi học ở nhà, điều phụ huynh cần chuẩn bị cho con là môi trường học tập thuận lợi. Bàn học không nên đặt nơi có cửa sổ, cửa ra vào, gần ti vi hoặc nơi có nhiều người qua lại. Bàn học cũng không nên có quá nhiều chi tiết (thậm chí là không có chi tiết, hoa văn gì).
Thạc sĩ Anh nói thêm: “Sự động viên, khích lệ, lời khen của cha mẹ là điều vô cùng cần thiết với trẻ. Bởi vậy, thay vì chỉ khen thành tích học tập, phụ huynh hãy khen vì con đã cố gắng, vì con đã có những hành vi tốt. Đặc biệt tránh những việc gây căng thẳng cho con như bạo lực vì nếu cảm thấy căng thẳng, bất an, lo lắng, buồn bã, trẻ cũng sẽ không thể tiếp thu được kiến thức. Phụ huynh hãy chấp nhận và thông cảm cho con, đừng áp đặt mong muốn, kỳ vọng, ước mơ của mình vào con, mà hãy cho chúng được học tập và trải nghiệm như cách của chúng có thể”. Về phía giáo viên, thạc sĩ Diệu Anh khuyên: “Giáo viên thường nghĩ trẻ học nhiều sẽ nhớ nhiều, sự thật không phải như vậy. Đối với các em học khó, học chậm, xin thầy cô hãy cho phép các em học theo khả năng và thời gian của mình. Tạo điều kiện cho trẻ ngồi ở bàn gần giáo viên và tránh cửa sổ, cửa lớn, để giúp những em này tập trung hơn khi học. Thay vì tặng "hoa điểm 10" cho những học sinh được 10 điểm, đối với những em chậm hơn, thầy cô hãy tặng hoa không phải vì số điểm mà vì các em đã có sự cố gắng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.