Chơi thể thao sao cho khỏe ?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
25/06/2020 08:46 GMT+7

Lứa tuổi học sinh là lúc cơ thể đang ở giai đoạn phát triển nên việc tập luyện thể thao rất quan trọng. Nhưng làm sao để chơi thể thao cho khỏe hơn?

Bác sĩ Hồ Thanh Phong công tác tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) trao đổi với PV Thanh Niên về việc này.
Xin bác sĩ cho biết tầm quan trọng của việc khuyến khích học sinh (HS) chơi thể thao, rèn luyện thể chất?
Lứa tuổi HS là lúc cơ thể đang ở giai đoạn phát triển nên việc tập luyện thể thao rất quan trọng. Lý tưởng nhất là mỗi buổi sáng, các con vận động nhẹ rồi đi học, buổi trưa nghỉ ngơi, chiều tối cũng có thể chơi các môn thể thao. Nhưng bây giờ HS khá bận rộn với lịch học, có khi các con học tập cả hai buổi ở trường, tối lại học kèm ở nhà. Do đó, phụ huynh nên tranh thủ hai ngày cuối tuần cho con tham gia các môn thể thao.
Nên xen kẽ giữa học tập và chơi thể thao, bởi nếu cả tuần chỉ học, các con sẽ thấy đầu óc rất căng thẳng, có học cũng không hiệu quả. Chơi thể thao cũng giúp HS hòa đồng hơn, cảm thấy tự tin, mạnh dạn, kết nối được với nhiều bạn bè.
Các môn thể thao phù hợp với tuổi học đường là gì?
Ngoài các bài tập thể thao trong giờ thể dục ở trường, phụ huynh có thể cho con tập luyện các môn như: bơi lội, cầu lông, tennis, các môn võ. Phụ huynh nên xem năng khiếu, sở thích của con là gì để từ đó cho con học các môn phù hợp. Bên cạnh đó, các giáo viên nhìn thấy những điểm tích cực ở HS thì nên khuyến khích, khen ngợi để HS không “sợ” môn thể dục.
Chế độ dinh dưỡng nào phù hợp cho lứa tuổi học đường khi chơi thể thao?
Nên cho các con ăn uống đa dạng, đầy đủ nhóm chất, chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều trái cây, rau xanh. Nhắc nhở các con bổ sung nước sau khi chơi thể thao, có thể uống nước trái cây, nước điện giải để bù lượng nước mất đi khi cơ thể đổ mồ hôi.
Có những “chống chỉ định” gì cho HS, trong và sau quá trình chơi thể thao?
Với những HS có vấn đề sức khỏe, chẳng hạn bệnh tim bẩm sinh, luôn có những lời khuyên của bác sĩ về việc tập thể thao thế nào, phụ huynh và các con đừng quên điều này để đảm bảo an toàn.
Phụ huynh nên đồng hành, nhắc nhở các con chơi thể thao với cường độ vừa phải, không nên quá sức sẽ dẫn tới mệt mỏi hơn. Không tập thể thao giữa trưa nắng. Tập theo cấp độ tăng dần, từ ít tới nhiều. Nhiều HS không tập luyện thường xuyên nhưng ngay một lúc đã chạy vài vòng sân trường có thể bị xỉu vì quá mệt, cơ thể không kịp thích nghi. Ví dụ đang chạy bền vòng quanh sân trường thì nên giảm tốc độ, đứng hít thở sâu, sau đó mới được ngồi, tuyệt đối không được đang chạy mệt thì ngồi ngay xuống. Sau khi đổ mồ hôi vì tập thể thao, các con không nên tắm ngay, cần nghỉ ngơi cho ráo mồ hôi. Nên tắm nước ấm, nếu tắm nước lạnh cũng không nên đột ngột xối nước lạnh khắp người mà nên để từ từ cho cơ thể làm quen nhiệt độ này.
Có HS đang ôn bài khuya thì đi tắm cho tỉnh táo rồi học tiếp. Nhiều người nói tắm khuya sẽ dễ bị đột quỵ, đúng hay sai, thưa bác sĩ?
Không có tài liệu y học nào nói tắm khuya dễ bị đột quỵ. Đột quỵ ở người trẻ thường từ nguyên nhân do có dị dạng mạch máu ở não, điều này thường khó để kiểm tra, chiếu chụp trước đó, cũng như dự đoán từ trước, nó thường không có biểu hiện nào ra bên ngoài cơ thể cả.
Nhưng khoa học cũng khuyên không nên tắm khuya, nó trái với nhịp sinh học của con người. Sau khi tắm nên để tóc thật khô rồi mới đi ngủ. Lứa tuổi học đường nên ngủ đúng giấc và đủ mỗi ngày 8 tiếng. Không phải cứ học bài suốt đêm sẽ mang lại hiệu quả, ngược lại nó còn có hại cho sức khỏe.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.