Sửa sai khi lỡ học ngành không thích

25/02/2018 07:03 GMT+7

Không ít bạn trẻ vào đại học rồi mới biết mình "ngồi nhầm giảng đường", thậm chí tốt nghiệp đi làm rồi mới biết công việc đó không hề phù hợp.

Học một đường, làm một nẻo
Nguyễn Thị Nhường học đến năm cuối ngành y tế công cộng, Trường ĐH Y Dược TP.HCM thì quyết định bảo lưu kết quả học tập một năm để ra ngoài… sản xuất đồ lót. Quyết định này vấp phải sự phản đối gay gắt của gia đình.
Nhường tâm sự: “Thật ra ngành em học không phải là đam mê của em. Lúc thi ĐH, bản thân em chưa biết em thích gì cả, trong khi gia đình em rất thích ngành y. Thấy các kiến thức ngành y học cũng không thừa nên em quyết định thi vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Thế nhưng, em nghĩ phải làm điều mình thích thì mới tâm huyết và tạo ra được giá trị thật sự cho bản thân và xã hội”. Nhường kể, khi ở môi trường ký túc xá đông người, là con gái cô cảm thấy rất bất tiện với việc mặc áo ngực, mặc cả ngày thì khó chịu mà cởi ra thì ngại. Cô bèn mày mò may tay những chiếc áo ngực bằng vải mềm mại mặc ở nhà, để có được cảm giác thoải mái. Sau đó thì may cho chị gái, bạn bè. Nhường tiếp tục mày mò, nghiên cứu kỹ về kiểu dáng và chất liệu để chiếc áo này mặc được lúc đi ra ngoài với tiêu chí thoải mái và phải đẹp khi kết hợp trang phục ngoài.
Có ý tưởng, có kinh nghiệm 4 năm đi làm thêm đủ mọi việc, lại có lợi thế kiến thức về sức khỏe, giải phẫu, nên Nhường đã tạo ra sản phẩm hội đủ các tiêu chí thoải mái, thời trang, sức khỏe lâu dài. Đến nay, sản phẩm áo ngực của Nhường được bày bán ở Mỹ, Singapore, Thái Lan, Malaysia… Với một xưởng may nhỏ, một cửa hàng nhỏ, doanh thu bán lẻ mỗi ngày của Nhường tại thị trường trong nước là 12 - 30 triệu đồng, chưa kể việc xuất khẩu cho các đối tác ổn định ở nước ngoài.
Trong khi đó, Nguyễn Trần Minh Quang, tốt nghiệp sư phạm vật lý nhưng nay lại làm công việc quản trị các kênh YouTube của khách hàng, giúp “tối ưu hóa tìm kiếm” cho những kênh này, đưa ra định hướng phát triển nội dung cho các nhà sản xuất, các nghệ sĩ…
Dù học sư phạm vật lý, nhưng sở thích của Quang lại là máy tính và công nghệ. Sau một thời gian làm thầy, Quang vẫn tự học tin học và nhiều mảng online khác để thỏa mãn sở thích. Quang tìm hiểu các mảng MMO (kiếm tiền online), và hoàn toàn bị say mê với nhiều “hệ thống thụ động” như các app điện thoại, Facebook, YouTube.
Đừng ngại thay đổi và học hỏi
Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search, nhìn nhận: “Các bạn đừng nên quá căng thẳng trong việc chọn ngành nghề. Với tốc độ phát triển của công nghệ ngày nay thì ngày càng có nhiều những ngành nghề mới ra đời. Việc không làm đúng ngành nghề đã chọn ban đầu sẽ có thể xảy ra với bất kỳ ai, không phải chỉ ở VN mà cả ở các quốc gia đã phát triển. Bởi chỉ khi thực sự bắt tay vào công việc, mỗi người mới hiểu rõ được công việc đó yêu cầu những kỹ năng, phẩm chất gì và mình có thực sự phù hợp với công việc đó hay không. Đừng e ngại thay đổi mà hãy luôn chuẩn bị sẵn kiến thức, kỹ năng cần thiết để đón nhận bất cứ cơ hội nào đến với các bạn”.
Bà Mai cho rằng, bạn trẻ cần suy nghĩ thật thấu đáo vì sao mình không phù hợp với công việc đó, điều gì khiến mình không yêu thích công việc. Nếu không tìm ra được giải pháp khả thi, hãy cân nhắc những sự lựa chọn khác để xác định bản thân muốn phát triển theo con đường nào và công việc nào sẽ phát huy hết được lợi thế của bản thân. “Nếu quyết định chuyển sang một ngành mới, các bạn hãy chấp nhận rằng mình có thể sẽ gặp khó khăn, phải bắt đầu lại từ những vị trí thấp hơn vị trí hiện tại của các bạn”, bà Mai đưa ra lời khuyên.
Ông Nguyễn Minh Luân, Trưởng bộ phận tư vấn nhân sự của Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Harvey Nash VN, nêu quan điểm: “Khi phát hiện không phù hợp với ngành nghề đã lựa chọn thì hãy ngay lập tức sửa sai càng sớm càng tốt, vì quãng thời gian 1 - 2 năm thậm chí 4 năm đã học rất ngắn ngủi nếu so với quãng thời gian 40 năm làm việc sau này. Hãy chuyển sang ngành học mình yêu thích và đam mê. Trong trường hợp đã học xong 4 năm ĐH thì có thể học thêm văn bằng 2 với nhiều hình thức khác nhau”.
Ý kiến
Không bao giờ quá muộn để bắt đầu
Bạn luôn làm chủ cuộc đời mình, nên không bao giờ là quá muộn để bắt đầu một công việc mới. Hãy tìm hiểu những ngành mới, ít người biết sẽ ít cạnh tranh. Nếu chạy theo số đông hoặc những công việc cho là “hot” thì bạn phải giỏi về ngành đó, còn không thì tỷ lệ bị loại rất là cao.
Nguyễn Trần Minh Quang
(Quản trị các kênh YouTube của khách hàng)
Phải biết được ưu, nhược của bản thân
Mỗi chúng ta thường có thói quen nhận xét về người khác nhưng không biết nhận xét bản thân mình. Hãy tập nhận xét bản thân mình để biết mình có ưu nhược điểm gì. Còn trẻ chúng ta hãy dấn thân và trải nghiệm, làm những điều chúng ta chưa từng làm để đạt những điều chúng ta chưa từng đạt.
Nguyễn Thị Nhường 
(Sản xuất quần áo)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.