Sửa luật Giáo dục theo hướng một chương trình, một số sách giáo khoa

04/04/2019 07:59 GMT+7

Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội tiếp tục giữ quan điểm đưa vào dự thảo luật Giáo dục quy định một chương trình, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa.

Sáng nay 4.4 tại Hà Nội diễn ra hội nghị đại biểu chuyên trách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, sẽ thảo luận về dự án luật Giáo dục (sửa đổi). Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội (ủy ban) trình bày tại hội nghị đề cập tới một số nội dung cơ bản của dự luật này.

Xã hội hóa biên soạn SGK để tránh độc quyền

Về chương trình, sách giáo khoa (SGK), ủy ban đề nghị giữ như quy định dự thảo luật về chương trình, SGK. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện thống nhất trong toàn quốc; mỗi môn học có một hoặc một số SGK. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Không có mô hình “trường công chất lượng cao”
Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể trong luật về mô hình trường công lập cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao. Báo cáo giải trình nêu rõ: Không quy định cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao để bảo đảm môi trường học đường bình đẳng, thân thiện trong các cơ sở giáo dục công lập.
Với ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về hội đồng quốc gia thẩm định sách; làm rõ tiêu chí lựa chọn sách, việc thí điểm chính sách mới trong giáo dục, Thường trực ủy ban cho rằng trên nguyên tắc chương trình giáo dục phổ thông là pháp lệnh thống nhất trong cả nước, thì chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách để bảo đảm mỗi môn học có một hoặc một số SGK là rất cần thiết, tránh độc quyền trong việc biên soạn, phát hành SGK, cũng như tạo điều kiện Bộ GD-ĐT tập trung vào công tác quản lý nhà nước.

Giữ kỳ thi THPT nhưng không quy định quy mô tổ chức

Theo báo cáo, một số ý kiến đại biểu đề nghị bỏ kỳ thi THPT, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào CĐ, ĐH; có ý kiến đề nghị vẫn giữ kỳ THPT và giao các địa phương thực hiện. Ủy ban cho rằng việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh, điều chỉnh việc dạy học và kiểm tra đánh giá quá trình giáo dục; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và tuyển sinh ĐH, tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên trong tương lai. “Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật chỉ đặt ra thi tốt nghiệp phổ thông, không quy định phương thức và quy mô tổ chức. Việc tuyển sinh CĐ, ĐH của các cơ sở giáo dục được thực hiện theo cơ chế tự chủ quy định bởi luật Giáo dục ĐH và luật Giáo dục nghề”, báo cáo nêu rõ.
Dự thảo luật quy định: “Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông” (điều 35).

Lương nhà giáo phù hợp đặc thù nghề nghiệp

Nhiều đại biểu đề nghị cần có chính sách tiền lương ưu tiên đối với nhà giáo, Thường trực ủy ban cho rằng, vấn đề chính sách tiền lương phải tương xứng với đặc thù nghề, với vị trí, vai trò của nhà giáo là quan điểm luôn được thể hiện nhất quán trong các nghị quyết của Đảng, chủ trương của nhà nước.
Hiện nay, Chính phủ đang triển khai xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật thiết kế quy định mang tính nguyên tắc về chính sách ưu tiên cho nhà giáo phù hợp đặc thù nghề nghiệp (điều 77). Việc xác định vị thế, vai trò của nhà giáo, về đặc thù ngành giáo dục và quy định cụ thể về chính sách lương, phụ cấp bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp sẽ được Chính phủ nghiên cứu, cụ thể hóa trong quá trình xây dựng đề án tiền lương mới trên nguyên tắc quy định bởi luật này.
 
Ý kiến
Không nên có quá nhiều SGK
Chủ trương “có một số SGK cho một môn học” là xu thế chung của các nước phát triển. Nhưng để triển khai chủ trương này thì cần có những điều kiện nhất định. Trong bối cảnh VN hiện nay, không nên có quá nhiều SGK vì chúng ta chưa có đủ điều kiện để làm nhiều bộ sách. Kinh nghiệm của nhiều nước, ngay cả các nước phát triển như Đức, Phần Lan… thì qua cạnh tranh và chọn lọc cuối cùng họ cũng chỉ có 2 - 3 bộ SGK chính.
PGS Bùi Mạnh Hùng (nguyên Điều phối viên chính, Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông)
Trường công chất lượng cao là vô lý
Trường công chất lượng cao muốn đưa vào luật Giáo dục để áp dụng trên cả nước thì trước hết phải làm rõ chất lượng cao như thế nào và phải có tiêu chí của Chính phủ chứ không thể nói chung chung được. Tuy nhiên, cơ sở công lập mà cho phép cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao, thu tiền cao là vô lý ở chỗ đã được nhà nước cấp đất, xây trường, đầu tư trang thiết bị giáo dục đầy đủ, hiện đại, trả lương cho đội ngũ... mà lại thu học phí cao là không ổn.
Trịnh Ngọc Thạch (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.