Sứ mệnh của một trường đại học

17/03/2016 05:11 GMT+7

Trong vài năm gần đây, Trường ĐH Luật TP.HCM được biết đến không chỉ là nơi đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến luật pháp mà còn là một cái tên gắn với những hội thảo mang tính quốc tế về vấn đề Biển Đông.

Trong vài năm gần đây, Trường ĐH Luật TP.HCM được biết đến không chỉ là nơi đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến luật pháp mà còn là một cái tên gắn với những hội thảo mang tính quốc tế về vấn đề Biển Đông.

NGƯT-GS-TS Mai Hồng Quỳ (bìa phải) trao đổi với các đại biểu tại hội thảo quốc tế về Biển Đông - Ảnh: Trần Đức HiệpNGƯT-GS-TS Mai Hồng Quỳ (bìa phải) trao đổi với các đại biểu tại hội thảo quốc tế về Biển Đông - Ảnh: Trần Đức Hiệp
Không tách rời thời cuộc
Năm 2014, trước sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, Trường ĐH Luật TP.HCM phối hợp Hội Luật gia VN tổ chức Hội thảo quốc tế "Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển VN". Hội thảo có sự tham dự của 30 học giả hàng đầu về luật quốc tế nói chung và luật Biển quốc tế nói riêng, đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học lớn ở các nước. Theo NGƯT-GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng nhà trường, hội thảo tập trung vào khía cạnh pháp lý của sự kiện này.


Từ đơn ngành sang đa ngành
Trường ĐH Luật TP.HCM được thành lập vào ngày 30.3.1996 trên cơ sở sáp nhập Phân hiệu ĐH Pháp lý của Bộ Tư pháp và Khoa Luật Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM (nay là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn).
Từ 5 chuyên ngành đào tạo chính, 18 bộ môn cấp khoa, đến nay trường có 7 khoa và một bộ môn trực thuộc trường với 5 chuyên ngành đào tạo về luật. Trường cũng chuyển từ đào tạo đơn ngành sang đa ngành với quy mô đào tạo hiện nay khoảng 8.000 sinh viên hệ chính quy và 10.000 sinh viên hệ vừa làm vừa học. Trường hiện có 368 cán bộ, giảng viên.


Tiếp đó, tháng 7.2015, trường tổ chức hội thảo với chủ đề “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực”. Mục đích của hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế bàn về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc xây dựng công trình, thiết bị nhân tạo trên biển theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 và ảnh hưởng của nó đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, hàng hải, hàng không của khu vực và thế giới.
Nhắc lại những sự kiện này với phóng viên Thanh Niên vào một ngày đầu tháng 3, khi nói về tương lai của Trường ĐH Luật TP.HCM trong bối cảnh trường chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thành lập, NGƯT-GS-TS Mai Hồng Quỳ cho rằng: “Tổ chức những hội thảo như vậy là trách nhiệm của nhà trường đối với xã hội và đất nước”.
Hướng đi này của Trường ĐH Luật TP.HCM và một số trường ĐH khác trong thời gian gần đây đã giúp nhiều người thay đổi quan điểm về chức năng, vai trò của một trường ĐH. Trường ĐH ngày nay không thể là một ốc đảo, một “tháp ngà” kín cổng cao tường chỉ mỗi việc đào tạo thuần túy lý thuyết. Trường ĐH phải bám sát nhu cầu của xã hội và càng không thể thờ ơ với tình hình chính trị và vận mệnh của đất nước.
Một trường ĐH đào tạo về luật pháp thì ý thức chính trị càng phải được đặt lên hàng đầu. NGƯT-GS-TS Mai Hồng Quỳ tâm sự: “Với vai trò là một trung tâm đào tạo pháp luật lớn của đất nước, đứng trước vấn đề quan trọng của quốc gia, trong bối cảnh cần phải giải quyết, bàn bạc rõ ràng những vấn đề về mặt pháp lý chủ quyền của VN thì trường không thể đứng ngoài được. Nếu là một trung tâm đào tạo lớn mà chỉ khép kín, chỉ đào tạo những luật gia trong tương lai thôi thì không đầy đủ”. Theo GS Mai Hồng Quỳ, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của truyền thông, nhất là Báo Thanh Niên, những thông tin, thông điệp từ 2 hội thảo quốc tế về Biển Đông đã có sức lan tỏa rất lớn không chỉ trong nước mà cả với thế giới. Từ đó tạo ra những nhận thức đúng, góp phần cùng nhà nước nói lên tiếng nói nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ngoài ra, hội thảo cũng là dịp giáo dục sinh viên về tình yêu quê hương đất nước, tạo điều kiện cho giảng viên có cơ hội nâng cao trình độ khi tiếp xúc với các chuyên gia hàng đầu về luật Biển.
Kết quả quan trọng nhất mà 2 hội thảo này đem lại, theo đánh giá của nhà trường, là một tuyển tập các bài viết mang tính nghiên cứu về cơ sở pháp lý, lịch sử vùng biển của VN từ các chuyên gia nước ngoài. Các kiến nghị khách quan, khoa học của các học giả và đại biểu tham dự đã được gửi cho các cơ quan hữu quan của VN và cơ quan, tổ chức quốc tế. Từ đó nhà nước có những cơ sở pháp lý trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước.
Không dừng lại đó, Trường ĐH Luật TP.HCM còn dự định tổ chức những hội thảo tương tự ở các quốc gia khác để các nước hiểu rõ VN hơn, từ đó tạo nên sự ủng hộ VN.
Hướng đến cộng đồng
Ngoài những hội thảo mang tầm chiến lược như vậy, trường còn có nhiều hoạt động bên ngoài đào tạo. Việc các giảng viên của trường đến trại giam phổ biến, tư vấn pháp luật cho các phạm nhân để họ biết những đổi thay ngoài đời, giúp họ hòa nhập hay mở trung tâm tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo… là những hoạt động hướng về cộng đồng.
Như bất kỳ một tổ chức nào khác, sau một chặng đường, Trường ĐH Luật TP.HCM cũng đặt ra chiến lược, tầm nhìn trong tương lai. Đó có thể là một cơ sở đào tạo luật hàng đầu của cả nước, có uy tín trong khu vực và từng bước được thế giới biết đến, sinh viên phải đạt chuẩn và đáp ứng được với sự hội nhập ngày càng cao như mong muốn của trường. Những điều này sẽ có ý nghĩa hơn khi nhà trường vẫn giữ tôn chỉ hướng đến và phục vụ cộng đồng như là một sứ mạng của ngôi trường đào tạo về luật pháp mà trước giờ trường vẫn thực hiện.
Chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 năm
Ngày 19 - 20.3: Đường chạy - Hội trại ULaw 2016: Cán bộ, giảng viên và 4.500 sinh viên đi bộ đồng hành, cắm trại, đêm hội văn nghệ cho các thế hệ sinh viên ở Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM).
Ngày 26.3: Hội thảo sau ĐH tại tỉnh Vĩnh Long.
Ngày 27.3: Ngày hội giao lưu các thế hệ sinh viên và Ngày hội giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp tại cơ sở 2 - Bình Triệu, Thủ Đức.
Ngày 28.3: Hội thảo về đào tạo nghiên cứu khoa học.
Ngày 29.3: Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập trường tại Hội trường Thành ủy TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.