'Số phận' của tích hợp: Kinh nghiệm từ nền giáo dục tiên tiến

12/12/2015 05:20 GMT+7

Tháng 8.2016, Phần Lan sẽ áp dụng chương trình khung quốc gia mới về giáo dục, trong đó, dạy và học tích hợp nhằm phát huy năng lực, tư duy và kỹ năng định hướng nghề nghiệp của học sinh là nội dung then chốt.

Tháng 8.2016, Phần Lan sẽ áp dụng chương trình khung quốc gia mới về giáo dục, trong đó, dạy và học tích hợp nhằm phát huy năng lực, tư duy và kỹ năng định hướng nghề nghiệp của học sinh là nội dung then chốt.

Đoạn phim giới thiệu về một giờ học tích hợp ở Phần Lan tại hội thảo - Ảnh: Đào Ngọc ThạchĐoạn phim giới thiệu về một giờ học tích hợp ở Phần Lan tại hội thảo - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Những chia sẻ tại hội thảo “Giảng dạy tích hợp: Từ xây dựng chương trình đến triển khai thực tế và bài học kinh nghiệm từ giáo dục Phần Lan” do Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM tổ chức vào sáng 11.12, giúp những người làm giáo dục VN có thêm những bài học cho việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông sẽ thực hiện bắt đầu năm 2018.
Học sinh chủ động khám phá kiến thức
Đoạn phim ngắn trình chiếu tại hội thảo về buổi học của học sinh (HS) lớp 1 ở Phần Lan cho thấy rất rõ thế nào là dạy và học tích hợp.
Buổi học bắt đầu khi giáo viên nhận được tin nhắn có một lá thư bí mật từ “thế giới động vật” gửi đến lớp mong muốn tìm hiểu cuộc sống con người. Sau khi đọc thư (mục đích dạy kỹ năng đọc), giáo viên phát điện thoại di động cho các HS để thực hiện những yêu cầu của nội dung trong bức thư. Từ khơi gợi của giáo viên, mỗi HS tìm hiểu, hướng dẫn, mô tả kiến thức về tự nhiên xã hội, giáo dục sức khỏe, thủ công - mỹ thuật bằng việc chụp hình phải rửa tay trước khi ăn cơm, vẽ tranh, ảnh… để gửi cho “thế giới động vật”. Gần 20 HS đã hào hứng phối hợp với nhau khám phá bí mật của bức thư bằng thái độ mạnh dạn, tự tin.
Theo thạc sĩ Hoàng Thục Nhi, nghiên cứu sinh chuyên ngành khoa học giáo dục, Trường ĐH Eastern Finland, chương trình tích hợp của Phần Lan tập trung vào các kỹ năng cơ bản, nâng cao năng lực, tư duy của HS nhằm giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Việc học ở đây được xây dựng theo các chủ đề, nội dung liên kết nhiều môn học khác nhau. Việc dạy học này giúp HS say mê, thích thú do được chủ động khám phá kiến thức. Vì thế mà chất lượng học tập nâng cao.
Thay cả 3 phương diện
Tiến sĩ Minna Makihonko, giảng viên chính Khoa Giáo dục cao cấp Trường ĐH Eastern Finland, cho biết dạy học tích hợp chỉ thật sự hiệu quả, phát huy khả năng HS khi có sự kết hợp của công cụ đánh giá thích hợp.
Sự thay đổi của giáo dục Phần Lan trong năm sau đồng bộ trên cả 3 phương diện: chương trình, đánh giá và phương pháp sư phạm. Kế hoạch thay đổi chương trình bắt đầu thực hiện từ năm 2012. Giáo sư Vesa Valkila, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Turku, Đại học Turku, Phần Lan, cho biết: “Bộ Giáo dục và Văn hóa đã chuẩn bị khung pháp lý, phân bố thời gian chương trình, các môn học tối thiểu từ năm 2012. Sau đó, dựa vào chương trình khung này, các nhà giáo dục, các trường học, các địa phương xây dựng chương trình đào tạo cho riêng mình”. Giáo sư Vesa Valkila cho biết thêm quy trình năm 2016 sẽ bắt đầu thực hiện chương trình mới từ lớp 1 - 6, năm 2017 cho lớp 7 - 9, tuy nhiên nếu địa phương nào sẵn sàng thì có thể triển khai tất cả các lớp từ năm sau.
Giáo sư Vesa cho hay Phần Lan công bố “bản nháp” của chương trình để nhận ý kiến phản hồi của chuyên gia giáo dục, giáo viên, phụ huynh… Chương trình khung có từng nội dung chủ đề, điểm chính cần đề cập và những điểm “mở” có thể điều chỉnh phù hợp với từng chương trình đào tạo. Chính những điểm linh hoạt này sẽ giúp giáo viên hứng thú vì họ được làm chủ chương trình giảng dạy, cảm thấy ý kiến của người trực tiếp giảng dạy được tôn trọng…
So sánh với chương trình hiện hành, vị Hiệu trưởng Trường ĐH Turky cho rằng chương trình mới cập nhật cho HS những kỹ năng đáp ứng trong một xã hội tương lai luôn thay đổi, tích hợp các môn học khác nhau tập trung giải quyết các vấn đề, sự kiện, chủ đề cần thiết trong cuộc sống mà người học có nhu cầu. Giáo sư Vesa khẳng định: “Các môn học truyền thống vẫn tồn tại nhưng nhấn mạnh hơn vào mục tiêu học tập theo các nhóm năng lực bao gồm khả năng tư duy, tự học, giao tiếp, diễn đạt, kỹ năng hợp tác, khả năng lập mục tiêu trong cuộc đời…”. Giáo sư Vesa nhấn mạnh: “Các môn học phải luôn bao gồm những nhóm năng lực này nên giáo viên phải làm sao để lồng ghép các môn trong giờ học. Giờ học muốn thu hút được HS không có tính áp đặt. Lớp học theo hướng hợp tác và HS sẽ học theo chủ đề hay sự kiện mà mình quan tâm”.
Chương trình thay đổi đi kèm với cách đánh giá mới. Ở đó không nhằm phân loại HS giỏi, khá hay trung bình… mà nhằm giúp HS nhận ra đâu là điểm mạnh yếu, giúp giáo viên biết HS đã học được những gì để từ đó có những hỗ trợ kịp thời và thích hợp. Đánh giá không phải dựa vào kết quả của bài thi mà là một quá trình, theo dõi việc học, biết khả năng cũng như phong cách của từng HS. Tiến sĩ Minna nhấn mạnh: “Đánh giá không chỉ nói là bôi đỏ chỗ sai mà phải phản hồi, nhận xét để HS biết điểm mạnh, điểm yếu cần thay đổi”.
Được quyền chọn nội dung, tài liệu giảng dạy
Dựa vào chương trình khung, các nhà xuất bản tại Phần Lan tham gia biên soạn, xuất bản giáo trình và tài liệu giảng dạy mà không cần chính phủ kiểm duyệt. Tùy vào điều kiện, các trường cũng như giáo viên có quyền tự chọn nội dung, tài liệu và các công cụ công nghệ sử dụng cho mục đích giảng dạy. HS được cung cấp giáo trình cũng như tài liệu miễn phí từ lớp 1 đến lớp 9.
Chương trình bao gồm đầy đủ các môn học như toán, vật lý, hóa học chứ không có phương án bỏ những môn học này như đã từng có thông tin. Giáo viên các môn sẽ làm việc với nhau để soạn bài giảng tích hợp còn môn học vẫn độc lập.
Về đội ngũ giáo viên, sinh viên ngành sư phạm thường có điểm thi đầu vào ĐH cao hơn các ngành y và luật. Sau khi tốt nghiệp ĐH, những cử nhân này phải tiếp tục hoàn tất văn bằng thạc sĩ thì mới có thể tham gia đứng lớp. Giáo viên là những người có thu nhập cao hơn so với rất nhiều ngành nghề khác.
Nhiều giáo viên cùng tham gia tiết học
Ông Đặng Minh Tuấn, giáo viên Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, cho biết để dạy tích hợp, một số nước bố trí nhiều giáo viên cùng tham gia một tiết học. Để chuẩn bị bài, nhóm giáo viên cùng thảo luận cách triển khai các nội dung trong bài học rồi phân công ai sẽ là người dẫn dắt lớp học, ai tham gia hỗ trợ khi cần giải thích khái niệm hay giúp HS tiếp cận kiến thức ở mảng chuyên môn mà mình có sở trường.
Ở Bỉ, theo tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Mai, nguyên giảng viên Trường ĐH Liège (Bỉ), rất ít khi có 2 giáo viên trở lên cùng đứng lớp: “Một đề tài có liên hệ với nhiều khoa học khác nhau thì các giáo viên phân công với nhau, chia nhau tài liệu hay giáo trình”.
Quý Hiên (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.