Sở GD-ĐT xây dựng tiêu chí, trường chọn sách giáo khoa lớp 1

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
10/02/2020 09:13 GMT+7

Theo thông tư Bộ GD-ĐT vừa ban hành, việc chọn sách giáo khoa lớp 1 cụ thể như thế nào là điều mà dư luận quan tâm.

Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Xuân Thành (ảnh), Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT để làm rõ hơn những quy định trong việc chọn sách giáo khoa (SGK) sắp tới.
Sở GD-ĐT xây dựng tiêu chí, trường chọn SGK lớp 1

Ảnh: T.H

Không nhất thiết chọn SGK theo bộ

Thưa ông, thông tư của Bộ về chọn SGK quy định sở GD-ĐT chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chí chọn SGK cho địa phương mình. Điều này được hiểu như thế nào, khi nào các địa phương phải xây dựng xong tiêu chí chọn SGK?
Căn cứ tiêu chí chọn SGK quy định trong thông tư, sở GD-ĐT có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh, TP quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn SGK phù hợp. Nghĩa là cần cụ thể hóa đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương (môi trường tự nhiên, địa lý, lịch sử, văn hóa, xã hội; ngành, nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...) làm căn cứ lựa chọn SGK có ngữ liệu, thông tin (thể hiện qua kênh chữ, kênh hình) phù hợp để tạo thuận lợi cho việc gắn kiến thức với thực tiễn tại địa phương. Sở cũng cần cụ thể hóa điều kiện dạy và học trong các nhà trường (cơ sở vật chất, thiết bị dạy học) làm căn cứ để lựa chọn SGK có cách thức thể hiện phù hợp, tạo thuận lợi cho việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học.
Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 15.3.2020 (sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành theo quy định), vì vậy việc cụ thể hóa tiêu chí chọn SGK của các địa phương phải hoàn thành cùng thời điểm này để các nhà trường tổ chức chọn SGK.
Việc lựa chọn SGK của một trường có nhất thiết phải theo bộ của một nhà xuất bản hay có thể chọn SGK theo môn?
Theo quy trình chọn SGK, tổ chuyên môn bỏ phiếu chọn SGK theo từng môn để đề xuất danh mục lựa chọn cho hội đồng. Hội đồng thảo luận, đánh giá trên cơ sở danh mục SGK do tổ chuyên môn đề xuất và bỏ phiếu kín để lựa chọn từng đầu sách theo môn học, hoạt động giáo dục. Như vậy, việc lựa chọn SGK không nhất thiết phải theo bộ mà chọn theo từng môn học, hoạt động giáo dục.
Sở GD-ĐT xây dựng tiêu chí, trường chọn SGK lớp 1

Triển lãm, giới thiệu sách giáo khoa lớp 1 mới

Ảnh: Tuệ Nguyễn

Sử dụng các SGK khác nhau không ảnh hưởng đến kiểm tra, đánh giá

Khi giao việc chọn SGK cho mỗi nhà trường thì sẽ có thể dẫn tới một quận, huyện có nhiều bộ SGK được lựa chọn vì mỗi trường chọn 1 bộ. Điều này có ảnh hưởng, khó khăn gì đến quản lý, kiểm tra, đánh giá không?
Việc đổi mới chương trình, SGK lần này khác với trước đây. Bộ GD-ĐT đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học. Việc dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi phải theo chương trình; đáp ứng mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt quy định tại chương trình.
Mọi SGK đều phải đáp ứng yêu cầu của chương trình mới được phê duyệt, cho phép sử dụng. Trong cùng một bài học/chủ đề theo chương trình môn học, với cùng nội dung kiến thức, các SGK khác nhau có cách thể hiện khác nhau, sử dụng ngữ liệu, thông tin khác nhau nhưng đều phải “chuyển tải” cùng nội dung kiến thức đó. Vì vậy, các trường có thể sử dụng các SGK khác nhau cho cùng một môn học, hoạt động giáo dục nhưng không ảnh hưởng hay khó khăn gì trong quản lý, kiểm tra, đánh giá.
Ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh về việc chọn SGK sẽ được thực hiện như thế nào?
Thông tư quy định cụ thể thành phần hội đồng lựa chọn SGK của nhà trường có ban đại diện cha mẹ học sinh để có ý kiến của cha mẹ học sinh. Ý kiến của giáo viên về việc lựa chọn SGK có vai trò quyết định vì thành phần hội đồng được quy định phải có tối thiểu 2/3 số thành viên là giáo viên (bao gồm tổ trưởng tổ chuyên môn).
Trong quy trình lựa chọn SGK, ý kiến của mỗi giáo viên tại tổ chuyên môn được thể hiện bằng văn bản. Danh mục SGK đề nghị lựa chọn của tổ chuyên môn được xếp theo thứ tự SGK có số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp để hội đồng xem xét, bỏ phiếu kín để lựa chọn.
Trường hợp hội đồng bỏ phiếu kín 2 lần vẫn không đạt trên 1/2 số thành viên lựa chọn một đầu SGK của 1 môn học, hoạt động giáo dục thì SGK được chọn là SGK có số phiếu đồng ý cao nhất của tổ chuyên môn.
Việc cung ứng SGK của các nhà xuất bản liệu có gặp khó khăn do SGK các trường trên mỗi địa bàn chọn sách khác nhau?
Thông tư đã quy định trách nhiệm của sở GD-ĐT phải tổng hợp, báo cáo Bộ GD-ĐT, UBND cấp tỉnh và cung cấp thông tin cho các nhà xuất bản có SGK được chọn về danh mục, số lượng SGK mỗi nhà xuất bản cần cung ứng, bao gồm số lượng dự phòng, để bảo đảm có đầy đủ SGK trước khi bắt đầu mỗi năm học mới. Vì vậy, các nhà xuất bản sẽ nhận được thông tin cụ thể từ các sở GD-ĐT để chủ động in, phát hành.
Về thời gian, thông tư đã quy định các trường phải hoàn thành việc chọn SGK trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất 4 tháng. Như vậy, đến 30.4.2020, các nhà xuất bản đã có đầy đủ thông tin về danh mục, số lượng SGK do các sở GD-ĐT cung cấp để thực hiện việc in, phát hành phục vụ năm học 2020 - 2021.
Sẽ có thông tư thay thế khi luật Giáo dục 2019 có hiệu lực
Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, thông tư này hướng dẫn việc chọn SGK theo quy định của Nghị quyết 88 của Quốc hội. Đến ngày 1.7.2020, khi luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK theo quy định của luật để thay thế thông tư này.
Bộ GD-ĐT cũng đang dự thảo thông tư lựa chọn SGK theo quy định của luật Giáo dục 2019, có sự kế thừa thông tư này để bảo đảm vai trò và sự ổn định của các nhà trường trong việc lựa chọn SGK.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.