SMILE: Môi trường kích thích học sinh sáng tạo, phát minh

06/10/2017 13:35 GMT+7

Sở GD-ĐT TP.HCM đã ký kết với Trường Giáo dục sau Đại học - ĐH Stanford (Mỹ) và EMG Education về “Giới thiệu mô hình giáo dục STEM thông qua công nghệ Stanford Mobile Inquiry-based Learning Environment (SMILE)” vào chiều 4.10.

Gần đây, mô hình SMILE đã được UNESCO đánh giá là công cụ tiên tiến, có tính đột phá của giáo dục tương lai, và sẽ ảnh hưởng tích cực trên phạm vi toàn cầu.
Công nghệ phát triển, những người nhanh sẽ chiến thắng


Thế giới ngày nay đang thay đổi rất nhanh. Một nghiên cứu cho thấy 65% trẻ em học cấp tiểu học ngày nay khi trưởng thành sẽ làm những công việc mới mà hiện tại chưa xuất hiện. Điều này đặt ra nhiệm vụ cho giáo dục là phải đào tạo ra những con người của tương lai, luôn biết sáng tạo, thiết kế và phát minh

Giáo sư Paul Kim


c
"Thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Lớn không còn đánh bại nhỏ mà nhanh sẽ đánh bại chậm”. Giáo sư (GS) Paul Kim - Giám đốc phụ trách công nghệ, Văn phòng Đổi mới và Công nghệ, Phó hiệu trưởng, Trường Giáo dục sau ĐH, ĐH Stanford - trích dẫn câu nói của Rubert Murdoch tại Tọa đàm "Định hướng giáo dục STEM và kinh nghiệm từ ĐH Stanford" diễn ra tại TP.HCM vào sáng 4.10.
GS Paul Kim dẫn chứng một báo cáo cho thấy hiệu suất lao động của một người trong năm 2012 (khi ứng dụng nhiều công nghệ) cao gấp 5 lần hiệu suất lao động của người đó năm 2009. Và trong năm 2017, hiệu suất lao động này có thể cao gấp 15 lần.
Như vậy có thể thấy rằng công nghệ góp phần thay đổi cuộc sống, thói quen và và cách chúng ta thực hiện công việc. Từ những chuyện hằng ngày như nấu nướng, giặt ủi cho tới việc phức tạp như phẫu thuật cho bệnh nhân. Công nghệ máy tính đã làm thay nhiều phần việc của con người. Thậm chí máy tính còn có thể làm công việc sáng tạo như sáng tác nhạc, vẽ tranh... dễ dàng chỉ bằng một vài từ khóa hoặc cái nhấp chuột.
Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, học sinh - sinh viên cũng không phải tốn kém để đến tận đất nước xa xôi vẫn có thể tham gia những khóa học qua mạng của các trường danh tiếng do những giáo sư đoạt giải Nobel giảng dạy.
SMILE: Kích thích sáng tạo, phát triển tư duy tầm cao và phát minh
Hiệu trưởng, cán bộ quản lý giáo dục ở TPHCM đang được tập huấn sử dụng công nghệ SMILE trên điện thoại di động
Hiệu trưởng, cán bộ quản lý giáo dục ở TP.HCM đang được tập huấn sử dụng công nghệ SMILE trên điện thoại di động
"Công nghệ thay đổi, cuộc sống thay đổi. Phương pháp học truyền thống kiểu chỉ thuộc lòng và trả bài đã không còn phù hợp. Chúng ta cần tận dụng công nghệ trong ngành giáo dục, tạo môi trường mở linh hoạt cho học sinh thực hành, sáng tạo và phát minh từ trong nhà trường. Đó chính là mục tiêu của mô hình Stanford Mobile Inquiry-based Learning (SMILE)", GS Paul Kim nhấn mạnh. Mô hình giáo dục theo công nghệ cao này đang được trên 30 quốc gia ứng dụng và hiệu ứng lan toả của nó sẽ rộng hơn, lớn hơn.
Đánh giá về mô hình này, TS Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định: "Nền tảng công nghệ SMILE của ĐH Stanford sẽ giúp học sinh tiếp cận với một phương pháp học tập mới. Học sinh sẽ có điều kiện sử dụng kiến thức đã học tại lớp để giải quyết những vấn đề tự nhiên diễn ra hằng ngày trong cuộc sống. Kể cả trải nghiệm khoa học. Từ đó, các em sẽ nhận thấy sự gắn bó giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa khoa học và đời sống, cũng như vấn đề thực tiễn cần tiếp tục nghiên cứu, giải đáp. Tất cả những điều đó sẽ giúp các em yêu thích trong học tập, tạo cơ hội để bước đầu tham gia nghiên cứu khoa học".
Là người có kinh nghiệm đưa ứng dụng SMILE đến nhiều quốc gia trên thế giới, GS Paul Kim dẫn chứng tại một số nước, học sinh cấp ba đã có thể xây dựng hệ thống đậu xe bằng máy tính; học sinh lớp năm đã được thực hành mổ tim người thông qua máy in 3D. Kỳ diệu hơn là một học sinh tiểu học có thể sử dụng máy in 3D để in một cánh tay tặng cho một em bé khuyết tật. Từ đó, có thêm nhiều trẻ khuyết tật không có tay đã có nụ cười rạng rỡ.
"Chúng tôi muốn nhân rộng những mô hình như thế này và tôi tin rằng những học sinh của tương lai đều là những nhà phát minh, thiết kế, sáng tạo", GS Paul Kim nhấn mạnh.
TS Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: "Ngành giáo dục và đào tạo thành phố luôn tiên phong trong việc đổi mới. Cụ thể như tiếp cận phương pháp giáo dục tiên tiến của thế giới nhằm đào tạo ra những học sinh vững vàng về lý thuyết đồng thời bám sát thực tiễn; có tư duy khoa học; thích ứng với yêu cầu xã hội; có trình độ tiếng Anh và tin học tiếp cận khu vực và quốc tế; có thể làm việc và nghiên cứu trong môi trường hội nhập quốc tế. Việc ký kết hợp tác triển khai mô hình giáo dục STEM của ĐH Stanford chính là một trong những giải pháp cụ thể phù hợp với định hướng phát triển giáo dục của thành phố và đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.