Sinh viên tự ti, xấu hổ khi nói học ngành sư phạm !

Bích Thanh
Bích Thanh
27/04/2018 11:43 GMT+7

Đó là kết quả khảo sát mới nhất về ngành sư phạm do giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thực hiện và công bố.

11% sinh viên cảm thấy mất tự tin, xấu hổ; 46,5% lo lắng

Để tìm hiểu những tâm trạng, những cảm xúc của những sinh viên đang trong quá trình đào tạo để trở thành giáo viên, 3 giảng viên của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM bao gồm tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, thạc sĩ Đào Thị Duy Duyên và thạc sĩ Đinh Thảo Quyên đã đưa ra câu hỏi “Tâm trạng của bạn đối với những sự kiện giáo dục được đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng vừa qua như thế nào?”.

Với câu hỏi này, nhóm tác giả thống kê 4 trạng thái cảm xúc từ 200 sinh viên tham gia khảo sát có tỷ lệ như sau: 11% cảm thấy mất tự tin, xấu hổ khi đang học ngành sư phạm; 46,5% cảm thấy lo lắng, hoang mang về sự an toàn trong công việc tương lai; 26,5% cảm thấy bình hường vì những việc này tồn tại lâu rồi và 85,5% cảm thấy bức xúc, muốn cải tiến ngành  giáo dục để điều chỉnh nhận thức của xã hội về nghề giáo.

Trong quá trình khảo sát, một số sinh viên đã chia sẻ: “Em không dám tự giới thiệu là đang học trường sư phạm, chỉ nói chung là đang học ĐH, khi có ai hỏi về công việc hiện tại…”. Từ đó, nhóm tác giả đưa ra nhận xét, điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến động cơ phấn đấu trở thành nhà giáo mẫu mực trong tương lai, gây khó khăn cho quá trình đào tạo và làm giảm sút hiệu quả đào tạo của nhà trường.

Em không dám tự giới thiệu là đang học trường sư phạm, chỉ nói chung là đang học ĐH, khi có ai hỏi về công việc hiện tại…
Một số sinh viên sư phạm

Điều đáng quan tâm, là trong kết quả khảo sát được công bố có 26,5% số người trả lời “cảm thấy bình thường vì những việc này tồn lại từ rất lâu rồi”. Đồng thời những sinh viên này cho biết, trước đây bản thân đã từng bị giáo viên cư xử tệ và hiện nay học sinh vẫn tiếp tục chịu đựng thái độ không đúng mực của thầy cô ở trường phổ thông. Vì vậy, thông tin xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua không làm họ bất ngờ. Theo nhóm nghiên cứu, suy nghĩ này thực sự đáng ngại, phản ánh sự thất vọng của chính một bộ phận sinh viên sư phạm về tư cách, tác phong của người thầy.

Hơn 50% giáo viên hoang mang lo lắng với nghề

Cũng với câu hỏi này, khi khảo sát với 53 giáo viên, nhân viên trường phổ thông, kết quả cho thấy có sự tương đồng với sinh viên. Trong đó, số giáo viên, nhân viên “cảm thấy lo lắng, hoang mang về sự an toàn của bản thân trong công tác giáo dục học sinh” là 54,72%, “cảm thấy bức xúc, muốn cải tiến ngành giáo dục để điều chỉnh nhận thức của xã hội về nghề giáo” là 71,7%. Tâm trạng “cảm thấy mất tự tin, xấu hổ khi đang công tác trong ngành  giáo dục” là 15% và “cảm thấy bình thường vì những việc này tồn tại từ rất lâu” 13,21%.


Từ năm học 2015-2016 trở về trước, môn giao tiếp ứng xử sư phạm chỉ được xếp vào các môn tự chọn ở Trường ĐH Sư phạm TP. HCM. Nhưng 2 năm trở lại đây, nhận thức được sự cần thiết, nhà trường đã đưa môn này trở thành bắt buộc trong chương trình đào tạo.

Từ  kết quả khảo sát  này, tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng  cho rằng đây là một căn cứ thực tế đề các trường sư phạm đẩy mạnh hơn nữa việc trang bị kỹ năng giao tiếp ứng xử cho giáo viên tương lai. Đồng thời cần chú trọng đến việc củng cố niềm tin về giá trị và vị thế của nghề giáo, vun đắp tình cảm yêu nghề đối với người đã và sắp vào nghề.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.