Sau vụ gian lận điểm thi, có cần sửa quy chế thi năm nay?

Hà Ánh
Hà Ánh
13/05/2019 19:12 GMT+7

Vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, Hòa Bình trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 cho thấy việc khó khăn trong xử lý thí sinh vi phạm nhưng Bộ GD-ĐT vẫn bảo lưu quan điểm không sửa quy chế thi năm nay.

Vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, Hòa Bình trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đến nay chưa xử lý xong nhưng Bộ GD-ĐT cho biết vẫn sẽ bảo lưu quan điểm không sửa quy chế thi năm nay do quy chế thi hiện nay đủ để làm căn cứ xử lý vi phạm của thí sinh. Quan điểm này đã được nêu ra trong buổi gặp gỡ và thông tin cho báo chí liên quan tới vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 vào ngày 11.5 vừa qua.

Sửa "lỗ hổng" để tạo công bằng cho thí sinh

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT cần sửa đổi, bổ sung vào quy chế thi năm nay những "lỗ hổng" trong quy định xử lý đối với kết quả thi, đặc biệt là làm rõ hơn cách xử lý những thí sinh có bài thi được xác định có gian lận.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đề xuất cần sửa lại quy chế thi THPT quốc gia năm nay. Điều này là cần thiết khi rút kinh nghiệm từ gian lận trong kỳ thi năm ngoái tại Sơn La và Hòa Bình, một số thí sinh có bài thi được nâng điểm nhưng không xử lý được do quy chế không quy định.

“Thí sinh được nâng điểm, sau khi chấm lại có điểm bằng điểm trúng tuyển của trường ĐH trở lên không bị đuổi học là rất vô lý”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng: “Quy chế cần đảm bảo công bằng với mọi thí sinh, không chỉ xử lý thí sinh vi phạm mà còn tính tới cả trường hợp phục hồi cho thí sinh bị rớt oan bởi những thí sinh gian lận”.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng cho rằng cần làm rõ hơn trong quy chế hình thức xử lý thí sinh từ thực tế gian lận thi cử trong kỳ thi năm 2018.

“Việc bổ sung những tình huống đã diễn ra để tổ chức một kỳ thi mới tốt hơn là cần thiết, không chỉ là cơ sở để xử lý vi phạm mà còn có tính chất răn đe, ngăn ngừa sai phạm tương tự có thể xảy ra”, tiến sĩ Hạ nói.

Lý giải thêm sự cần thiết này, theo tiến sĩ Hạ: “Theo quy chế, một thí sinh mang tài liệu vào phòng thi dù chưa sử dụng nhưng bị phát hiện vẫn phải xử lý vi phạm thì tại sao thí sinh có bài thi được nâng điểm lại không được coi là vi phạm? Cần có quy định rõ hình thức xử lý trong quy chế với các trường hợp tương tự”.

Quy chế có nhưng chưa thực hiện?

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM lại có góc nhìn khác về việc này.

Tiến sĩ Nghĩa cho rằng không cần bổ sung thêm nội dung vào quy chế thi năm nay vì quy chế thi năm 2018 đã có quy định cụ thể, vấn đề chỉ là quy chế chưa được thực hiện.

Tiến sĩ Nghĩa phân tích, Bộ GD-ĐT cho rằng việc xử lý thí sinh vi phạm vừa rồi được quy định ở điều 49 trong Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT áp dụng cho năm 2018 nhưng tại điều này không có mục nào quy định xử lý thí sinh gian lận điểm thi tại khâu chấm thi. Và vì vậy đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều lúng túng khiến các trường ĐH và Bộ GD-ĐT phải hỏi ý kiến qua lại trước mỗi trường hợp vi phạm.

Theo tiến sĩ Nghĩa, cách giải thích này của bộ không thuyết phục khi chính tại khoản d mục 1 điều 48 về xử lý cán bộ tham gia tổ chức thi và cá nhân liên quan khác vi phạm quy chế thi ghi rõ phải “buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có các hành vi sai phạm như sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm.

Hơn nữa, tại mục 5 điều 49 về xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi cũng quy định “hủy bỏ kết quả thi đối với những thí sinh để người khác thi thay hoặc sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài”.

Gian lận điểm thi Sơn La, Hòa Bình vừa qua nếu áp dụng theo đúng quy chế trên, cách xử lý đơn giản nhất là hủy kết quả thi với những thí sinh đã xác định có bài thi bị gian lận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.