Sau ngày 30.4: Giá trị của việc học trong một đất nước hòa bình

30/04/2019 16:19 GMT+7

Sáng nay ngày 30.4, môt người bạn chia sẻ trên Facebook hình ảnh một miền quê sông nước với lời chú thích 'Tía má ơi! Con về rồi nè'. Có một bình luận: 'B ơi, nhìn làng mạc ruộng đồng xanh mướt và yên bình vầy thấy rưng rưng niềm trân quý giây phút chiến tranh kết thúc…'.

‘Chúng tôi đã phải học như thế’

Ngày 30.4 hơn 40 năm trước, “Hòa bình rồi” là tiếng reo hò của cả triệu người Việt bật ra ngoài lồng ngực không thể kìm nén. Hòa bình rồi. Tiếng khóc nức nở bên những mừng vui khôn tả: khóc vì bố mẹ mất con, ông bà mất cháu, vợ mất chồng, anh mất em, con mất cha... và khóc vì vui, vì sự mất mát sẽ có thể không còn nữa.
30.4 năm ấy tôi là sinh viên năm nhất của một trường sư phạm lớn ngoài miền Bắc. Trưa đó, tôi về Hà Nội sau những tháng ngày sinh viên đắp đê chuẩn bị cho một mùa lũ sắp tới. Tôi đã không thể bắt xe về nhà bởi dòng người đổ ra ngoài phố hô vang tiếng vọng hòa bình. Tôi nhớ không nhầm thì 11 giờ đêm hôm đó tôi mới về được ký túc xá Trường ĐH Sư phạm ở ngoại thành Hà Nội bấy giờ.
Chiến tranh. Những đứa trẻ cùng trang lứa tôi, những đứa trẻ ít hơn tôi dăm bảy tuổi đã đội nón rơm tới trường, biết đan mũ rơm trước khi biết chữ.
Chúng tôi đi dọc đường liên thôn tới trường học dưới rặng phi lao, bên dưới hai lề đường, cứ khoảng 20 mét lại có một hầm trú ẩn cá nhân hình tròn đường kính khoảng 60-70 cm, đủ để một hai đứa trẻ trú khi có máy bay địch đi qua. Chúng tôi, mũ rơm đội đầu, tới trường trong tiếng bom rơi, trong tiếng đạn rú, tiếng những khẩu đại bác canh bệ phóng tên lửa bắn vào máy bay địch bổ nhào khi ném bom những trận địa tên lửa. Những mành đạn pháo bằng gang, bằng hợp kim to như những ngón tay cái rơi xuống đất còn nóng sau khi đã nổ tung trên bầu trời. Thời THPT, chúng tôi học trong những căn nhà nửa nổi nửa chìm với những đường hào dẫn từ lớp học ra tới hầm trú ẩn mỗi khi nghe có tiếng máy bay.
Khó khăn của chiến tranh đến mức nhiều học sinh không thể có những cuốn sách giáo khoa mới. Hồi đó, chúng tôi mượn sách giáo khoa của các anh chị lớp lớn trong làng đã học xong để học. Không có cặp sách. Học hết cấp 1, rồi cả cấp 2, nhiều bạn vẫn viết bằng cây viết chỉ có một cái ngòi kim loại cắm vào cái quản bút (nhiều bạn dùng luôn cây đũa cơm làm cán), bên tay là một lọ mực. Tôi không nhớ hồi đó lớp tôi có bao nhiêu bạn có cặp sách, bao nhiêu bạn có bút máy Hồng Hà. Ban đêm học bài bằng ánh sáng của cây đèn dầu, le lói sáng. Cả làng chỉ có một tập truyện Tam quốc diễn nghĩa. Chả mấy trẻ được đọc sách, các truyện lịch sử phần lớn được nghe qua câu kể của ông bà, thầy cô. Phần lớn trẻ em học hết cấp 1, một phần học hết cấp 2, học cấp 3 thì chỉ chừng 20-30% trẻ cùng tuổi. Chúng tôi đã học như thế.

Đổi thay hằng ngày

Hòa bình rồi, đất nước có hàng ngàn km đường cao tốc. Nhiều sân bay quốc tế nối Việt Nam với thế giới. Làng quê thanh bình, các resort có ở hầu hết các khu du lịch mới đón du khách tới thăm đất nước ta. Cuộc sống người dân đang dần được cải thiện… giáo dục nước nhà cũng đã phát triển hơn. Từ một quốc gia hơn 90% người mù chữ trước 1945, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đã coi giáo dục trung học cơ sở là giáo dục bắt buộc. Cả nước đã có hơn 400 trường đại học và cao đẳng, 2 trường đại học Việt Nam đã lọt vào top 1.000 đại học tốt nhất thế giới...
TP.HCM đổi thay từng ngày Độc Lập
Hòa bình lập lại, dẫu đất nước còn nhiều khó khăn trong những năm đầu nhưng trẻ em không còn phải khoác trên mình cái mũ rơm tránh đạn, không phải nhảy xuống hầm vì các cuộc không kích.
Sách vở nhiều hơn, tập giấy tinh khôi hơn. Không còn những lớp học nửa nổi nửa chìm, không còn những hầm trú ẩn. Học sinh bây giờ đỡ khó khăn hơn. Cha mẹ đã có thể mua sách giáo khoa cho các con đi học mà không phải xin sách cũ. Thư viện đã có nhiều sách hơn. Có internet, học trò ngày nay còn có thể học mọi lúc mọi nơi ngoài lớp học… Điều kiện kinh tế phát triển, nhiều gia đình đã có thể cho con du học. Chẳng còn trẻ em không có cặp mới, không có sách giáo khoa mới ngày khai trường. Lớp học có máy chiếu, có internet, có máy lạnh… Đất nước đổi mới hàng ngày!
Tôi chưa bao giờ muốn so sánh khó khăn của các thế hệ. Các em, các con, các cháu có quyền được hưởng những gì mà xã hội hiện đại mang tới. Chắc các em cũng biết rằng, những thứ mà chúng ta thừa hưởng hôm nay là giá trị của hòa bình mà cha ông chúng ta đã không ngại gian khổ, không ngại hy sinh.
Hòa bình giờ không còn là khát vọng. Hòa bình đã đưa đất nước ta vào trang sử mới. Đã 44 năm trôi qua, nhưng tôi nghĩ, mọi người con đất Việt, mọi người dân sống trên hành tinh này luôn mong có và sẵn sàng gìn giữ nó.
Từ ngày 30.4 năm ấy, hòa bình đã hiện diện trên đất nước mình. Từ đây, các em học sinh học ngày một giỏi hơn, nền giáo dục chúng ta luôn hướng tới các mục tiêu cao cả hơn: một nền giáo dục khai phóng, tự do, sáng tạo cho mỗi một con người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.