Sau 6 tháng đổi tên, trường đại học vẫn chưa có con dấu mới

Quý Hiên
Quý Hiên
19/12/2019 20:56 GMT+7

Do chưa có hướng dẫn thực hiện luật Giáo dục Đại học mà nhiều trường dân lập chuyển sang tư thục gặp khó khăn trong việc ổn định bộ máy. Có trường đổi tên từ 6 tháng nay nhưng vẫn chưa được cấp con dấu mới.

Mới đây, Trường đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng (tên cũ là Trường đại học Dân lập Hải phòng) đã có công văn gửi Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, UNBD thành phố Hải Phòng để trình bày về một số khó khăn của trường liên quan đến việc thực hiện luật Giáo dục Đại học sửa đổi (có hiệu lực từ 1.7.2019).
Theo đó, trường vốn là đại học dân lập, được chuyển sang trường đại học tư thục và đổi tên thành Trường đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng theo Quyết định số 641/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 29.5.2019.
Ngày 20.6.2019, Trường đại học Dân lập Hải Phòng đã có tờ trình số 361/TTr-HPU cùng hồ sơ quá trình bầu cử thành viên Hội đồng trường trình lên UBND thành phố Hải Phòng đề nghị được công nhận. UBND thành phố Hải Phòng đã có công văn số 4355/UBND- VX gửi Bộ GD-ĐT xin chỉ đạo về việc công nhận Hội đồng Trường đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng.
Nhưng cho đến thời điểm này, nghĩa là sau 6 tháng kể từ ngày nhà trường trình hồ sơ đề nghị, Hội đồng trường vẫn chưa được công nhận. Vì thế mà trường chưa đủ điều kiện để được Công an thành phố Hải Phòng cấp con dấu mới. Điều này khiến cho nhà trường chưa được hoạt động dưới tên mới, nên gặp nhiều khó khăn trong mọi hoạt động.
Một trường đại học ngoài công lập khác, Trường đại học Dân lập Lương Thế Vinh, cũng có công văn “kêu cứu” Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, phản ánh “nhà trường rơi vào tình trạng bỏ trống quyền lực, mọi hoạt động bị đình trệ, bế tắc”.
Căn nguyên là trường này mới được chuyển đổi từ loại hình dân lập sang loại hình trường tư thục (theo Quyết định số 1292/QĐ-TTg ngày 2.10.2018 của Thủ tướng Chính phủ). Đến tháng 8.2019 cơ cấu bộ máy tổ chức của Trường đại học Tư thục Lương Thế Vinh đã hoàn thành, nhưng việc công nhận Hội đồng quản trị của trường không được UBND tỉnh Nam Định quyết định công nhận như luật Giáo dục Đại học khi chưa sửa đổi.
Vì theo luật sửa đổi, thì Chính phủ được giao trách nhiệm “quy định chi tiết quy trình, thủ tục thành lập, công nhận Hội đồng trường; việc công nhận miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch Hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của Hội đồng trường”. Nhưng cho đến nay, Chính phủ vẫn chưa ban hành được nghị định sửa đổi luật Giáo dục Đại học.
Vì vậy, mới đây Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam đã gửi công văn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, tha thiết đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật Giáo dục Đại học, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các trường đại học đang gặp phải hiện nay.
Công văn cũng dẫn ra trở ngại, khó khăn của một số trường đại học khác, cả công lập cả ngoài công lập, vì chưa có nghị định hướng dẫn thi hành luật. Chẳng hạn như Trường đại học Tôn Đức Thắng, một trường công lập trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền công nhận Hội đồng trường cũng vì vướng mắc trong việc thực hiện luật sửa đổi, bổ sung.
Một số trường đại học địa phương ở Hải Phòng, miền Tây Nam bộ, miền Trung cũng gặp hoàn cảnh tương tự bởi sự can thiệp quá sâu của chính quyền địa phương đến mọi hoạt động của trường trong điều kiện ngày một khó khăn do sụt giảm về quy mô, thách thức về đảm bảo nguồn tài chính mà các trường phải đương đầu.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.