Sắp 'khai tử' quy định kỷ luật học sinh hơn 30 năm quá 'lỗi thời'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
07/09/2020 15:43 GMT+7

Bộ GD-ĐT công bố dự thảo thông tư mới quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông, dự kiến thay thế Thông tư 08/TT của Bộ này ban hành từ năm 1988, được xem đã quá lỗi thời.

Không còn phê bình học sinh trước lớp, trước trường

Một trong những nội dung bị phản ứng gay gắt trong quy định về kỷ luật học sinh trong Thông tư 08/TT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông hiện hành là việc phê bình trước lớp, trước toàn trường khi học sinh mắc lỗi (tùy theo mức độ). Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông (gọi tắt là Thông tư) đang soạn thảo đã bãi bỏ quy định này.
Thay vào đó, dự thảo thông tư mới yêu cầu không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh, đồng thời đưa ra các biện pháp được coi là “kỷ luật tích cực” với từng học sinh.
Cụ thể, giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng một số biện pháp để giáo dục kỷ luật tích cực phù hợp đối với từng học sinh: khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng đối với học sinh mắc khuyết điểm.
Phối hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh để cùng thực hiện kế hoạch giáo dục, hỗ trợ học sinh sửa chữa khuyết điểm; tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý.
Yêu cầu học sinh thực hiện một số nhiệm vụ học tập và rèn luyện đã được học sinh thỏa thuận, cam kết thực hiện theo nội quy của nhà trường như: hoàn thành bài tập còn thiếu, viết lại bài cần học thuộc, viết lại quy ước của lớp học, nội quy, quy định của nhà trường và các quy định khác của pháp luật liên quan đến khuyết điểm của học sinh.
Viết cảm nhận, kiểm điểm về sự việc xảy ra, nguyên nhân, hậu quả của hành vi vi phạm và hướng khắc phục sửa chữa; sưu tầm, tìm hiểu sách, tài liệu, phim ảnh hoặc câu chuyện thực tế đã được trải nghiệm, có nội dung liên quan đến khuyết điểm của học sinh, sau đó trình bày suy nghĩ, cảm nhận về nội dung và bài học rút ra cho bản thân.
Thực hiện nhiệm vụ lao động phù hợp, vừa sức như: trực nhật, vệ sinh lớp học, trường học, dọn dẹp thư viện, trồng hoặc chăm sóc cây xanh trong khuôn viên nhà trường; tham gia hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ học sinh khác có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc chưa học tốt để cùng tiến bộ.
Theo dự thảo thông tư mới, giáo viên được yêu cầu thu thập các thông tin khách quan, xác định đúng nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả và đặc điểm tâm lý của học sinh mắc khuyết điểm để lập kế hoạch giáo dục cho học sinh sửa chữa khuyết điểm.

“Tạm dừng học tập” thay vì “đuổi học”

Mức kỷ luật cao nhất áp dụng trong nhà trường theo dự thảo thông tư mới là “tạm dừng học tập trên lớp”, thay thế cho cụm từ “đuổi học” trong quy định hiện hành.
Nếu như thông tư hiện hành áp dụng biện pháp kỷ luật đuổi học ít nhất là 1 tuần và nhiều nhất là 1 năm với học sinh vi phạm các khuyết điểm (tùy mức độ), thì dự thảo thông tư mới nêu: “Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của học sinh, căn cứ đề xuất của hội đồng kỷ luật học sinh của nhà trường, hiệu trưởng nhà trường xem xét, quyết định thời hạn tạm dừng học tập trên lớp đối với học sinh tối đa là 2 tuần lễ để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm”.
Mức độ kỷ luật “tạm dừng học tập” áp dụng đối với những trường hợp học sinh đã bị kỷ luật cảnh cáo nhưng không sửa chữa, tái phạm hoặc vi phạm thêm những khuyết điểm khác trong khoảng thời gian 1 học kỳ.
Ngoài ra, còn buộc phải tạm dừng học tập với học sinh vi phạm lần đầu nhưng ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng như: đánh nhau có tổ chức, sử dụng hung khí, vũ khí gây thương tích nặng cho người khác; xâm phạm nhân phẩm, thân thể của giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh khác của nhà trường hoặc có những hành vi vi phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương nhưng chưa đến mức bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nếu như trong quy định hiện hành giao cho “gia đình học sinh có trách nhiệm quản lý và giáo dục con cái trong thời gian học sinh bị đuổi học”, thì dự thảo quy định mới đưa ra nhiều biện pháp linh hoạt hơn. Ví dụ, trong thời gian tạm dừng học tập trên lớp, học sinh có thể thực hiện kế hoạch giáo dục tại nhà trường, gia đình hoặc cộng đồng dân cư dưới sự giám sát, hỗ trợ của cán bộ, giáo viên được phân công và gia đình học sinh,…
Hết thời hạn tạm dừng học tập trên lớp, học sinh phải giải trình về kết quả rèn luyện của bản thân trong thời gian bị kỷ luật và đề xuất kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện của bản thân trong thời gian tới, có xác nhận và cam kết của gia đình học sinh. Hiệu trưởng nhà trường xem xét và quyết định cho học sinh tiếp tục học tập trên lớp.
Trong trường hợp học sinh chưa có biểu hiện tiến bộ, không thực hiện đầy đủ các biện pháp giáo dục của nhà trường và gia đình, thì hiệu trưởng nhà trường họp hội đồng kỷ luật để xem xét, tiếp tục áp dụng hình thức kỷ luật tạm dừng học tập trên lớp lần tiếp theo.
Khi học sinh được chuyển trường, trường học cũ có trách nhiệm bàn giao hồ sơ kỷ luật học sinh để trường học mới tiếp tục theo dõi, giúp đỡ học sinh tiến bộ…
Dự thảo thông tư mới được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT để xin ý kiến góp ý đến hết ngày 31.10.2020 trước khi ban hành chính thức. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.