'Rung chuông báo động về giáo dục nhân cách'

21/12/2016 18:07 GMT+7

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, không thể để nhà trường tiếp tục giáo dục học sinh, sinh viên chạy theo mục tiêu thi cử mà quên lãng vấn đề cốt lõi là giáo dục nhân cách.

Tại hội thảo khoa học “70 năm sư phạm - Đổi mới và phát triển” do Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức sáng nay, 21.12, tại Hà Nội, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã có bài phát biểu tâm huyết về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - sợi chỉ đỏ là phát triển nhân cách người học”.
Theo bà Nguyễn Thị Bình, đáng lo ngại là trong tư duy giáo dục, việc xác định sứ mạng và mục tiêu giáo dục những khía cạnh nhân bản và sự phát triển cá nhân chưa thực sự được coi trọng. Việc dạy làm người, dạy cách nghĩ, dạy cách học còn bị xem nhẹ, duy trì quá lâu phương pháp giáo dục lạc hậu mang tính áp đặt, nhồi nhét, đẩy học sinh, sinh viên đến chỗ thụ động chấp nhận những điều được rao giảng, khiến học sinh, sinh viên thiếu ý thức tự chủ và khả năng độc lập suy nghĩ.
Tuy nhiên, bà Bình cho rằng, đáng lo ngại hơn là chúng ta không chỉ bức xúc về những yếu kém, bất cập, lạc hậu của hệ thống giáo dục, mà còn đang đứng trước thực trạng xuống cấp về đạo đức, lương tâm xã hội. "Đã có không ít trí thức lên tiếng kiến nghị cần chấn hưng về văn hóa và nhân cách con người. Dĩ nhiên, xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người và cả nền văn hóa là nhiệm vụ của toàn xã hội nhưng nhà trường phải đóng vai trò tiên phong và nền tảng", nguyên Phó chủ tịch nước nhìn nhận.
Từ thực trạng ấy, bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh: "Đã đến lúc phải rung lên hồi chuông báo động về vấn đề giáo dục nhân cách. Trên thế giới, triết lý giáo dục phổ biến là dạy và học để làm người. Chỉ khi biết "làm người", nghĩa là có nhân tính, thì mới có thể có cái khác, còn nếu không sẽ gây tai họa cho xã hội hoặc chẳng làm được gì cả".
Theo bà Bình, rõ ràng, không thể để nhà trường tiếp tục giáo dục học sinh, sinh viên chạy theo mục tiêu thi cử mà quên lãng vấn đề cốt lõi: giáo dục nhân cách. Bởi vậy, về mục tiêu giáo dục, cần khẳng định, đối với tất cả các cấp học, dạy làm người theo những giá trị nhân bản của dân tộc và nhân loại để mỗi thanh niên đều nên người (với tư cách là người học, người lao động, người công dân), phải là mục tiêu ưu tiên số một của mọi nhà trường, mọi cấp học...
Một bên là các lời văn to tát…
Bà Nguyễn Thị Bình cho rằng: "Khoảng cách rất lớn giữa một bên là các lời văn to tát trên văn kiện với một bên là hiện trạng văn hóa xuống cấp, đạo đức xã hội suy đồi nghiêm trọng đã là một nỗi đau gây nhức nhối trong xã hội. Người dân đã biết, các trang mạng xã hội đã lên tiếng, những người có tâm huyết với văn hóa giáo dục đã cảnh tỉnh nhưng chưa biết hành động như thế nào. Sự bức xúc đã tới hạn và yêu cầu về hành động không thể chậm trễ hơn".
Theo bà Bình, thoát khỏi cách nghĩ, cách làm cũ kỹ, gần như đã thành nếp, là không dễ dàng. Nhưng đó là việc phải làm. Nhất thiết phải đổi mới tư duy giáo dục, từ đó thay đổi cách làm giáo dục. Phải lấy giáo dục và văn hóa là hệ thống xã hội mà mục đích tột cùng đều là xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
“Những khuyết tật của giáo dục cũng như văn hóa là khuyết tật của hệ thống xã hội, trong đó có sự khập khiễng về cơ chế vận hành với con người được coi là phương tiện hơn là mục đích. Bởi thế, để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam, cần có sự đổi mới cả về tư duy và hành động, trong đó phát triển nhân cách người học phải được coi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình đổi mới”, bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.