​'Rời' Bộ GD-ĐT, 3 trường ĐH sẽ ra sao?

Hà Ánh
Hà Ánh
04/06/2018 07:59 GMT+7

3 trường ĐH đầu tiên được Bộ GD-ĐT yêu cầu xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản của bộ này đã gây nhiều chú ý của dư luận vì sự thay đổi sẽ tác động nhiều mặt đến hoạt động của trường.

Bộ GD-ĐT đã chủ động yêu cầu 3 trường, là Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản của bộ để báo cáo Chính phủ phê duyệt. Thông tin này được đưa ra trong báo cáo tình hình hoạt động của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực vừa qua.
Cơ quan chủ quản là “rào cản”
Theo báo cáo, kể từ khi thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ năm 2017 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập, đến nay đã có 23 trường ĐH tự chủ. Cụ thể, các trường đổi mới hoạt động về nhiều mặt: đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự; tài chính; chính sách học bổng, học phí; đầu tư, mua sắm; cơ chế giám sát.
Kết quả thí điểm cho thấy các trường đã có sự phát triển, chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao năng lực tự chủ, đảm bảo chất lượng, chủ động trong tái cấu trúc bộ máy, giảm bớt thủ tục hành chính. Bên cạnh việc phát triển mạnh về đội ngũ cán bộ giảng viên, các trường tự chủ còn đảm bảo được toàn bộ chi thường xuyên và trích lập được các quỹ. Thu nhập của đa số người lao động tăng lên so với giai đoạn trước khi tự chủ.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, báo cáo cũng cho thấy việc thực hiện tự chủ ĐH thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Theo đó, một số trường chưa hoàn thiện cơ cấu tổ chức của nhà trường theo quy định, vai trò giám sát của Hội đồng trường khá mờ nhạt. Đặc biệt là cơ chế “cơ quan chủ quản” thể hiện sự can thiệp của cơ quan quản lý vĩ mô vào các vấn đề tự chủ, nhất là bộ máy tổ chức, nhân sự và đầu tư của nhà trường. Trong khi Nghị quyết 77 với tinh thần chủ đạo là tăng cường vai trò của Hội đồng trường và giảm mạnh sự can thiệp của bộ chủ quản nhưng chưa thực hiện được. Vì vậy Bộ đã chủ động yêu cầu 3 trường ĐH trên xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản.
Ngoài ra, để đẩy mạnh tự chủ ĐH và giúp các trường phát huy tối đa quyền tự chủ để phát triển, Bộ còn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành Nghị định về tự chủ ĐH thay thế cho Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ.
Hội đồng trường quyết định thay Bộ GD-ĐT ?
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, GS-TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết đây là chủ trương của Chính phủ, Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện và chọn 3 trường ĐH trên. Trong vài tháng tới sẽ có nghị quyết của Chính phủ về việc này, từ đó các trường xây dựng đề án, nếu thỏa mãn các điều kiện sẽ có quyết định riêng cho từng trường thực hiện.
Ông Phong cho biết hiện các trường đang soạn thảo đề án, dự kiến tháng 8 tới sẽ hoàn thành. Bộ đề nghị các trường cùng “ngồi lại với nhau” để thống nhất đề án nhưng trước mắt từng trường sẽ xây dựng đề án riêng. Vấn đề quan tâm với nhiều người là khi tách khỏi Bộ, các trường ĐH này sẽ như thế nào. Theo ông Phong, khi bỏ cơ chế bộ chủ quản các trường sẽ hoạt động theo luật. Trong đó, trường vẫn chịu sự quản lý về chuyên môn ngành của Bộ như tuyển sinh, đào tạo... Tuy nhiên về quản lý sự nghiệp, Hội đồng trường sẽ thay thế vai trò của bộ này. Đặc biệt, Chủ tịch Hội đồng trường sẽ là người quyết định những vấn đề về sự nghiệp mà trước đây trường phải xin ý kiến của Bộ. Do vậy, bỏ bộ chủ quản sẽ gắn liền với việc phát huy vai trò và trách nhiệm của Hội đồng trường.
“Bỏ cơ quan chủ quản Bộ với Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là chủ trương phù hợp. Vì như vậy sẽ nâng cao và phát huy được vai trò chủ động của trường trong giai đoạn hiện nay”, ông Phong nhận định về sự thay đổi này.
Xu hướng phù hợp với thế giới
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho biết ủng hộ chủ trương trên.
Nguyên hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cũng cho rằng đây là xu hướng phù hợp với thế giới vì nhiều trường ĐH nước ngoài dù trực thuộc bộ ngành nhưng không chịu sự quản lý nhà nước của bộ ngành như VN hiện nay. “Một trường ĐH cần được tự chủ hoàn toàn để phát triển, nhưng để làm được điều này thì trước mắt phải không trực thuộc bộ chủ quản. Khi không có sự can thiệp của bộ chủ quản vào bất cứ hoạt động nào thì vị thế và trách nhiệm xã hội của trường sẽ tăng rất nhiều”, người này nhấn mạnh. Tuy nhiên theo nguyên hiệu trưởng này: “Không còn bộ chủ quản, Hội đồng trường phải thay đổi thực sự để thực hiện vai trò giám sát, dẫn dắt trường. Có những Hội đồng trường một năm chỉ họp mặt 2 lần như hiện nay thì chưa được”.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cũng nói: “Việc trường ĐH không thuộc bộ chủ quản có thể xem là bước tiến lớn trong đổi mới quản trị và quản lý đối với trường ĐH. Mục tiêu của việc này nhằm hướng đến chất lượng và hiệu quả mà người hưởng lợi chủ yếu phải là sinh viên. Khi được tự chủ, các trường sẽ được hoạt động trong khuôn khổ pháp lý, đáp ứng với các tiêu chuẩn học thuật và thị trường lao động mà không phải qua các thủ tục hành chính kiểu “xin - cho” như trước kia”. Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng các trường tự chủ càng phải chịu sự thanh tra, kiểm soát chất lượng của cơ quan quản lý và chấp hành các nguyên tắc đảm bảo chất lượng và giải trình trách nhiệm về tài sản công được sử dụng và chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục, nghiên cứu cho xã hội...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.