Quý trọng công lao người thầy

11/11/2016 05:42 GMT+7

Điểm mới đầu tiên của chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm nay là sẽ dành nhiều thời gian hơn để đến thăm và tìm hiểu cuộc sống của thầy, cô giáo vùng biển, đảo ở khắp mọi miền đất nước.

Từ đó, chương trình có thêm cơ hội chia sẻ những nỗi niềm, tâm tư của thầy cô với toàn xã hội.
Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa
Chương trình do T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên VN, Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long cùng phối hợp thực hiện. PV Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long về việc làm đầy ý nghĩa này.
Nhiều ý kiến cho rằng đối với các thầy cô ở vùng biển, đảo, những hỗ trợ về tinh thần quan trọng hơn vật chất khi tổ chức chương trình Chia sẻ cùng thầy cô. Ông có nghĩ đến điều này?
Chúng tôi cho rằng hỗ trợ về tinh thần và vật chất đều quan trọng như nhau. Tuy nhiên, tùy theo thời điểm và hoàn cảnh khác nhau, sự hỗ trợ đối với từng mặt về vật chất và tinh thần sẽ có mức độ khác nhau. Ở một nơi có điều kiện sinh hoạt hạn chế như vùng biển, đảo thì việc xây dựng đời sống tinh thần cho các giáo viên rất cần được chú trọng trong thời điểm hiện tại.
Trong khuôn khổ của chương trình năm nay, chúng tôi đặc biệt chú trọng các hoạt động cổ vũ tinh thần các giáo viên vùng biển, đảo. Cách thiết thực chúng tôi có thể làm được điều đó là tổ chức nhiều chuyến đi thăm các thầy cô để thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn. Ngoài ra, chúng tôi còn tập trung tổ chức thật tốt chuỗi sự kiện của chương trình vinh danh diễn ra tại Hà Nội vào những ngày tới.
Bên cạnh việc nâng cao đời sống vật chất cho giáo viên, cần phải biết quý trọng công lao của thầy cô và tôn vinh nghề giáo, vốn là truyền thống tốt đẹp bao đời nay trong xã hội VN
Với nhiều thầy cô gắn cuộc đời mình cùng học trò vùng biển, đảo, việc về thủ đô Hà Nội để dự một ngày hội vinh danh cá nhân và ngôi trường mình đang giảng dạy chắc chắn là một niềm vui và trải nghiệm thú vị. Trong chuỗi sự kiện vinh danh, ngoài những hoạt động thăm lăng Bác, gặp gỡ lãnh đạo Bộ GD-ĐT, chúng tôi sẽ tổ chức cho các giáo viên gặp gỡ lãnh đạo nhà nước để các thầy cô giáo chia sẻ những tâm tư tình cảm của mình và đề xuất những giải pháp mới cho hoạt động giáo dục nơi biển, đảo.
Chúng tôi cũng tin rằng sự công nhận và vinh danh từ chương trình và rộng hơn là của xã hội chắc chắn sẽ là một hoạt động hỗ trợ tinh thần đầy ý nghĩa đối với các thầy cô công tác ở biển, đảo - những người đã dành cả cuộc đời mình để vượt qua gian nan thử thách để gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Để nâng cao đời sống giáo viên, cần có những giải pháp căn cơ về tiền lương và chính sách phúc lợi. Chương trình chỉ hỗ trợ một phần rất nhỏ giữa bức tranh khó khăn của ngành giáo dục. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Nói về vật chất thì đúng là sự hỗ trợ của chương trình như “muối bỏ bể”, nhưng đây mới chỉ là khởi đầu. Chúng tôi tin rằng với tính nhân văn và độ lan tỏa của chương trình, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều nguồn lực từ xã hội và cộng đồng hỗ trợ cho thầy cô giáo nói chung và thầy cô ở những vùng khó khăn nói riêng. Cũng cần nói thêm rằng, ngược lại với trị giá vật chất nhỏ bé, giá trị tinh thần của chương trình dành cho thầy cô là hết sức to lớn. Chương trình sẽ là nguồn động viên quan trọng để thầy cô tiếp tục vượt qua những khó khăn và thách thức của nghề dạy học, vốn chật vật nhưng vô cùng cao quý.
Chúng tôi hy vọng rằng, với những chủ trương và hành động tích cực của nhà nước trong thời gian gần đây đối với hoạt động giáo dục, câu chuyện tiền lương, chế độ, chính sách phúc lợi… dành cho thầy, cô giáo sẽ ngày một cải thiện.

Xuất thân từ một nhà giáo, theo ông đâu là điểm mấu chốt để thay đổi thực trạng giáo viên bỏ nghề?
Theo tôi, không riêng gì ngành giáo dục, ở bất cứ ngành nghề nào, nếu thu nhập không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, đặc biệt, trước nhu cầu thực tế hiện tại, thì dù có yêu nghề đến mấy cũng sẽ rất khó để tiếp tục với nghề. Nói như vậy để thấy rằng nguyên nhân giáo viên bỏ nghề chủ yếu xuất phát từ đồng lương phi thực tế hiện nay. Một thực tế đáng buồn rằng hình ảnh nghề giáo ngày nay đang ít nhiều bị hoen ố vì những câu chuyện liên quan đến đồng tiền bát gạo! Ngoài chuyện thu nhập, cần phải nghĩ đến những chính sách, chế độ, điều kiện, môi trường… giảng dạy hiện nay cũng là những vấn đề khiến thầy cô phải suy nghĩ hằng đêm, trước khi đưa ra quyết định chia tay với niềm vui, nỗi buồn của cuộc đời người cầm phấn. Rời bỏ bục giảng đối với người tâm huyết với nghề dạy học vốn là chuyện chẳng đặng đừng.
Nếu vì cuộc sống mà thầy cô phải ra đi thì chúng ta có nghĩ rằng thầy cô sẽ quay trở lại, sẽ đóng góp, sẽ cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người nếu như chúng ta biết chăm lo đời sống của thầy cô? Hy vọng điều đó là đúng, nhưng chưa đủ! Bên cạnh việc nâng cao đời sống vật chất cho giáo viên, chúng ta còn cần phải biết quý trọng công lao của thầy cô và tôn vinh nghề giáo, vốn là truyền thống tốt đẹp bao đời nay trong xã hội VN.

tin liên quan

Tuyển hoài vẫn thiếu giáo viên
Việc tuyển dụng giáo viên theo cách mới mà TP.HCM áp dụng từ năm học 2016 - 2017 đặt ra cho các trường thách thức lớn trong khi giáo viên có cơ hội lựa chọn nhiệm sở theo nhu cầu.

Mỗi giáo viên được tuyên dương sẽ nhận Bằng khen của T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên VN, Kỷ niệm chương của chương trình và 1 sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, Tập đoàn Thiên Long sẽ trao tặng thêm đồ dùng học tập cho học sinh, trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy cho trường học có giáo viên được vinh danh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.