Quy tắc ứng xử học đường: Có làm thầy trò cư xử tốt hơn?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
30/04/2018 08:46 GMT+7

Cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, im lặng suốt một học kỳ trong tất cả các giờ lên lớp; phụ huynh bắt giáo viên quỳ gối để xin lỗi... khiến ngành GD-ĐT đang phải 'vắt chân lên cổ' để soạn bộ quy tắc ứng xử trong trường học với mong muốn giảm thiểu các hiện tượng này.

Bộ quy tắc này đang được lấy ý kiến với hy vọng sẽ bắt đầu triển khai từ đầu năm học tới.
Quy định sẽ dễ thực hiện, dễ nhớ
Phát biểu định hướng tại cuộc họp bàn về xây dựng bộ quy tắc văn hóa ứng xử trong học đường mới đây, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhắc lại một số sự việc xảy ra gần đây thể hiện văn hóa ứng xử trong nhà trường và cho rằng, dù đó chỉ là những trường hợp cá biệt nhưng với xu hướng tăng lên, rõ ràng cần những giải pháp chấn chỉnh mang tính lâu dài và bền vững.
Ông Nhạ cũng thẳng thắn chỉ ra, chương trình các môn học về đạo đức, giáo dục công dân trong nhà trường còn mỏng về thời lượng, nhẹ về chất lượng, đơn giản về phương pháp, vị thế của môn học chưa được coi trọng đúng mức; các địa phương hầu như chưa coi trọng đội ngũ giáo viên dạy những môn học này; ngay cả tại các trường sư phạm, khoa ngành học đạo đức, nhóm ngành giáo dục công dân cũng bị xem nhẹ hơn những khoa ngành khác.
Người đứng đầu ngành GD-ĐT yêu cầu, trước mắt ưu tiên và cần tập trung ngay vào việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học phổ thông, cần thay đổi tư duy khi đưa ra các quy định, đảm bảo các yêu cầu: khả thi, dễ thực hiện, dễ nhớ; quy định rõ những điều cần làm, không được làm; quy định chế tài cụ thể, trách nhiệm của mỗi cấp: trường, sở, địa phương; trách nhiệm của học sinh (HS), giáo viên, phụ huynh…

Cũng theo ông Nhạ, bộ quy tắc sẽ không quy định chung chung kiểu như HS phải ngoan ngoãn, lễ phép mà nên quy định cụ thể để hướng dẫn dễ thực hiện, ví dụ như HS gặp thầy cô giáo phải dừng lại, khoanh tay chào hay giáo viên gặp HS phải niềm nở, vui vẻ… có như vậy thì mọi người dễ hiểu, dễ thực hiện và giám sát, đánh giá được.
“Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học phổ thông phải được ban hành trước năm học mới 2018 - 2019 để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm học, kèm theo đó là các chế tài đủ mạnh. Đây sẽ là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng văn hóa ứng xử trường học hiệu quả trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nhạ khẳng định.
Dân chủ là yếu tố tiên quyết
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội, cho rằng việc đưa ra một bộ quy tắc ứng xử là cần thiết nhưng không nên hy vọng khi có rồi thì đồng loạt các trường sẽ thực hiện đúng các quy tắc đó.
Theo ông Lâm, cái gốc để có văn hóa ứng xử trong học đường thì mỗi nhà trường phải có dân chủ thực sự. Đặc biệt trong giáo dục, dân chủ là thể hiện cao nhất sự tôn trọng con người. Hiện nay các cơ sở giáo dục đào tạo, nhà nước và Bộ GD-ĐT đã có nhiều văn bản để phát huy dân chủ trong các nhà trường nhưng thực hiện không được là bao.
Ông Lâm cho rằng muốn xây dựng được văn hóa học đường thì trước hết phải có dân chủ trong mỗi nhà trường và trước hết là sự gương mẫu của hiệu trưởng, cán bộ giáo viên. Nhà quản lý, người dạy, người học đều được quyền tham gia xây dựng kế hoạch, tham gia đánh giá kết quả của quá trình đào tạo, tham gia để làm chủ mọi hoạt động giáo dục của nhà trường.
Cần có quy tắc về ứng xử trên mạng xã hội

Xu hướng HS, sinh viên sử dụng mạng xã hội ngày càng phổ biến và thực tế đã có không ít những hệ lụy xảy ra chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội. Nhiều vụ bạo lực học đường, đánh hội đồng HS chỉ vì “nói xấu” nhau trên mạng xã hội đã diễn ra khá nhiều trong thời gian vừa qua.
Thực tế này khiến không ít các trường phải tự đưa ra những quy định về sử dụng mạng xã hội của HS, sinh viên trường mình.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng rất mong muốn quy tắc ứng xử mà Bộ chuẩn bị xây dựng sẽ có nội dung về việc sử dụng Facebook bởi đây là đòi hỏi bức thiết từ thực tế.
Theo ông Tiến, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đang có ý tưởng soạn thảo quy định về việc HS tham gia mạng xã hội như thế nào là phù hợp. Do vậy nếu Bộ GD-ĐT đưa nội dung này vào bộ quy tắc ứng xử thì các sở sẽ có căn cứ thực hiện chứ không phải tự ban hành nữa.
Cũng theo ông Tiến, những hành vi đưa hình ảnh phản cảm, nói xấu bạn bè, thầy cô hoặc đăng câu chuyện gây tác động tiêu cực đến tâm lý mọi người trong trường học... cần bị coi là vi phạm nội quy trường xử lý.
Đến năm 2020, 100% trường học thực hiện bộ quy tắc ứng xử
Theo dự thảo đề án xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học: Đến năm 2020: 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, đặc thù của lĩnh vực giáo dục, đào tạo; phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi trường và hằng năm được điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện. 100% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, HS, sinh viên hằng năm được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng, liên tục duy trì, phát huy vào các năm sau. Có ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ công đoàn giáo dục, đoàn thanh niên, hội sinh viên, đội thiếu niên trong nhà trường được bồi dưỡng nâng cao và có năng lực tốt, mẫu mực trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học và đạt 95% vào năm 2025.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.