Quy định quyền tự chủ chưa rõ ràng

11/01/2012 00:40 GMT+7

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội (QH) chuyên trách diễn ra vào đầu tuần, nhiều chuyên gia cho rằng các quy định của luật Giáo dục ĐH về giao quyền tự chủ cho các trường vẫn bộc lộ sự thiếu dứt khoát.

GS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên nhi đồng của QH cho rằng, nên nhìn nhận quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường dưới góc độ cơ chế để quản trị các trường ĐH chứ không phải ở quy định mấy quyền cụ thể, cho hay không cho, tự chủ đến đâu. Việc tạo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm phải được coi là cơ chế chung trong quản lý ở các trường ĐH và trường nào cũng phải vận hành theo cơ chế đó. "Cách đặt vấn đề chỉ cho ĐH Quốc gia, các trường ĐH trọng điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm về một số hoạt động còn các cơ sở giáo dục ĐH khác phải chờ đánh giá, thẩm định xong mới cho tự chủ hay không như quy định của dự luật là không phù hợp. Nên tư duy lại để có quy định thống nhất về cơ chế tự chủ áp dụng chung cho các trường", bà Đan đề nghị. Trước khi giao quyền tự chủ cho các trường, bà Đan cho rằng cần phải có tiêu chuẩn rõ ràng để được thành lập các trường ĐH. Khi đủ tiêu chuẩn thành lập rồi thì nhất thiết vận hành theo cơ chế quản lý tự chủ, tự chịu trách nhiệm mà nhà nước đã ban hành áp dụng chung cho các trường ĐH.

Cũng thống nhất phải giao quyền tự chủ cho các trường ĐH vì cho rằng “tự chủ là thuộc tính của ĐH”, GS - Viện sĩ Đặng Hữu nhận xét các quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường trong dự luật Giáo dục ĐH chưa rõ ràng, cụ thể, “vẫn còn lưỡng lự, phân vân”, và “các điều kiện đặt ra trong luật vẫn trở lại cơ chế xin - cho, nặng nhiều về lộ trình, thủ tục”. Theo GS Hữu, nên mạnh dạn giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường, sau khi đã ban hành rõ ràng các tiêu chí, tiêu chuẩn để được thành lập các trường ĐH. Phó trưởng đoàn đại biểu QH TP.HCM Trần Du Lịch cũng tán thành quan điểm này và nói thêm: “Giao quyền tự chủ ở đây là giao cho pháp nhân chứ không phải giao cho cá nhân. Nhưng muốn như vậy, luật này phải có quy định rõ về tư cách pháp nhân của các trường trước khi xác định giao quyền tự chủ”.

Liên quan đến hội đồng trường, đa số các đại biểu thống nhất cần có hội đồng trường nhưng không nên giao hiệu trưởng làm chủ tịch hội đồng này. Theo Phó trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé, “nếu quy định chủ tịch hội đồng trường là hiệu trưởng sẽ dẫn tới việc không minh bạch trong thực hiện quy chế dân chủ ở trường đó”.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.