Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên thiếu tính thực tế

Bích Thanh
Bích Thanh
30/03/2018 16:45 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo thông tư chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông của Bộ GD-ĐT đưa ra có những tiêu chí không thực tế và mang tính hình thức dễ dẫn đến sự thỏa hiệp, cho qua.

Bộ GD-ĐT vừa công bố và lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông. Theo đó giáo viên phổ thông cần đáp ứng 5 tiêu chuẩn với 15 tiêu chí về các năng lực như chuyên môn, sư phạm, ngoại ngữ, xây dựng quan hệ xã hội...

Trong đó có tiêu chí 4 quy định năng lực sử dụng ngoại ngữ đang gây ra tranh luận từ phía những nhà nghiên cứu giáo dục, những nhà quản lý trong nhà trường và chính giáo viên. Cụ thể, giáo viên phải sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với giáo viên công tác ở vùng dân tộc thiểu số) trong hoạt động chuyên môn và giáo dục.

Trước hết, nhận định về  tiêu chí này, một hiệu trưởng trường quốc tế tại TP.HCM nói quy định không sai nhưng thiếu thực tế.Và thêm vào đó, vị hiệu hưởng này đặt câu hỏi: “Không hiểu Bộ yêu cầu kỹ năng ngoại ngữ làm gì, sử dụng như thế nào? Đừng làm cho toàn ngành đi học lấy chứng chỉ ngoại ngữ rồi vứt xó, tốn kém chi phí cho xã hội. Đơn vị tôi làm việc thường xuyên với chuyên gia nước ngoài, nhưng cũng không cần thiết tất cả mọi người đều phải biết ngoại ngữ. Nếu không cẩn thận sẽ tạo ra làn sóng người người đi 'chạy' bằng để đáp ứng tiêu chí mang nặng tính hình thức”.

Giáo viên Hoàng Long Trọng, Trường THCS Văn Lang (Q.1, TP.HCM) thể hiện quan điểm: “Theo tôi giáo viên cần phải biết ngoại ngữ là một yêu cầu chính đáng của giáo dục, thuận theo sự phát triển của xã hội. Với vốn ngoại ngữ, có thể tham khảo thêm các tài liệu nước ngoài liên quan đến chuyên môn của mình. Nhưng biết ngoại ngữ lại khác với việc có sử dụng được ngoại ngữ trong giao tiếp hay không. Sử dụng được ngoại ngữ phục vụ cho công việc của mình thiết nghĩ sẽ còn là một thách thức lớn đối với giáo viên không phải là giáo viên ngoại ngữ”.

Hiện nay các trường quốc tế hoặc có yếu tố nước ngoài không phải giáo viên nào cũng sử dụng được ngoại ngữ chứ chưa nói đến các trường công lập. Ngay tại TP.HCM, đa phần giáo viên không thể sử dụng ngoại ngữ huống gì là các tỉnh thành khác trên cả nước. Nên theo giáo viên Long Trọng, vấn đề giáo viên phải sử dụng ngoại ngữ trong các hoạt động chuyên môn và giáo dục có lẽ sẽ là một mục tiêu mà Bộ đặt ra cho 20, 30 thậm chí 50 năm sau. Và nếu áp dụng  thì cần phải có lộ trình khoa học và chính xác, thiết thực.

Cũng trong dự thảo quy định, theo định kỳ hằng năm, giáo viên tự rà soát, đánh giá vào cuối năm học để tự xác định mức độ đạt được theo chuẩn, từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Theo định kỳ 3 năm/lần, nhà trường tổ chức đánh giá giáo viên theo chuẩn. Với điều này, ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đưa ra câu hỏi: “Sau mỗi đợt đánh giá, những giáo viên không đạt chuẩn thì Bộ tính thế nào, có cho tiếp tục đứng lớp hay không?”. Ông Bình tiếp tục: “Không thể không cho dạy vì phần lớn giáo viên hiện nay không sử dụng được ngoại ngữ, nếu không cho dạy thì ai đứng lớp. Mà như vậy thì tiêu chuẩn đánh giá này không có giá trị”.

Đặc biệt, ông Bình nói thêm ngay bản thân không ít lãnh đạo nhà trường cũng không đáp ứng được tiêu chí này như vậy sẽ dễ dẫn đến sự thỏa hiệp, cho qua. Việc đặt ra các tiêu chuẩn, tiêu chí quy chuẩn giáo viên là cần thiết nhưng cần xây dựng lộ trình áp dụng cho phù hợp với tình hình thực tế của lực lượng giáo viên hiện nay.

Được biết, dự thảo trên được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 25.5.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.