Quy chế đào tạo tiến sĩ mới thực thi tinh thần thi thật, học thật

Quý Hiên
Quý Hiên
16/07/2021 08:18 GMT+7

Những ngày qua, giới khoa học có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ GD-ĐT. Có ý kiến còn cho rằng quy chế mới là một bước lùi so với quy chế ban hành năm 2017 khi không bắt buộc tiến sĩ phải có công bố quốc tế.

Trao đổi với Thanh Niên, PGS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết theo cách tiếp cận mới, Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ (TS) mà Bộ mới ban hành (Quy chế 18) khẳng định nghiên cứu khoa học là một thành phần chính yếu, bắt buộc trong chương trình đào tạo TS, yêu cầu nghiên cứu sinh (NCS) dành thời gian tập trung học tập, nghiên cứu và sinh hoạt chuyên môn tại đơn vị chuyên môn như một giảng viên trợ giảng, nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở đào tạo.
Bên cạnh đó, NCS phải thực hiện theo kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa đã được người hướng dẫn, đơn vị chuyên môn và cơ sở đào tạo phê duyệt.
Được soạn thảo sau khi thực hiện luật GDĐH, Quy chế 18 đề cao tự chủ học thuật, vai trò của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là đơn vị chuyên môn và cộng đồng khoa học. Đây là cốt lõi của tự chủ học thuật.

Tự chủ học thuật nâng cao chất lượng đào tạo

Theo ông, ngoài việc đổi mới quan điểm, cách tiếp cận về đào tạo TS của Quy chế 18 thì những yếu tố nào tác động tới chất lượng đào tạo?
Chất lượng đào tạo TS phụ thuộc vào năng lực và nỗ lực của NCS, năng lực khoa học, sự định hướng của người hướng dẫn; môi trường học tập, nghiên cứu và năng lực của đơn vị chuyên môn; sự đánh giá và giám sát của cộng đồng khoa học trong lĩnh vực chuyên môn; và đặc biệt là quá trình tổ chức, quản lý học tập và nghiên cứu.
Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Bộ xây dựng các chính sách nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thông qua một số văn bản pháp quy, trong đó Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ TS (Quy chế 18) chỉ là một trong số các văn bản đó. Với Quy chế 18, Bộ tập trung vào những quy định và yêu cầu tối thiểu để tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, tuân thủ chuẩn chương trình đào tạo. Quy chế 18 cũng đề cao vai trò trách nhiệm của giới khoa học trong công tác phản biện, đánh giá luận án và giám sát chất lượng. Hơn nữa, sau khi hoàn thành bảo vệ tại hội đồng đánh giá, luận án của NCS còn được đưa lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo để giới khoa học cùng phản biện, đánh giá. Trong trường hợp cần thiết, Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước thông qua việc kiểm tra quá trình đào tạo và tổ chức thẩm định chất lượng các luận án.
Vừa qua, Bộ cũng đã ban hành Thông tư 17 quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH, đưa ra những yêu cầu tối thiểu về đầu vào, đầu ra, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nghiên cứu, yêu cầu về cấu trúc, khối lượng và nội dung chương trình đào tạo.
Trên cơ sở đó, các nhà khoa học, chuyên gia sẽ tham gia vào các hội đồng tư vấn khối ngành để giúp Bộ xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho các lĩnh vực, ngành đào tạo. Trong đó có thể đặt ra những yêu cầu và chuẩn mực cao hơn yêu cầu chung cho từng trình độ, đặc biệt ở trình độ TS, dự kiến đến 2025 sẽ hoàn thành. Các nội dung quy định trong chuẩn chương trình đào tạo chính là các yêu cầu về chất lượng đào tạo TS.
Cũng cần nói thêm rằng trong khi chuẩn chương trình của từng lĩnh vực và ngành đào tạo chưa được ban hành thì Quy chế 18 đã đưa vào các tiêu chuẩn của người hướng dẫn, các yêu cầu, điều kiện để NCS được đánh giá luận án TS ở đơn vị chuyên môn.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Liệu có tình trạng nở rộ đào tạo tiến sĩ ?

Một số nhà khoa học lo ngại với chuẩn đầu ra TS trong Quy chế 18, việc đào tạo TS tại các cơ sở giáo dục ĐH có thể nở rộ trở lại và giảm chất lượng. Như vậy liệu có phù hợp với tinh thần học thật, thi thật mà Thủ tướng nhấn mạnh?
Như đã nói ở trên, chất lượng đào tạo TS phụ thuộc quyết định vào quá trình học tập gắn chặt với nghiên cứu khoa học của NCS, vào việc đánh giá khách quan, công tâm của giới chuyên môn, nhất là đơn vị chuyên môn và hội đồng đánh giá luận án TS.

Thực hiện trách nhiệm bảo đảm liêm chính học thuật

Một điểm mới trong Quy chế 18 là chú trọng để đưa ra yêu cầu về liêm chính học thuật với NCS và luận án TS của NCS. Việc triển khai để thực thi những yêu cầu này sẽ ra sao?
Đạo đức nghề nghiệp nói chung và liêm chính học thuật nói riêng là một yêu cầu đối với mỗi nhà khoa học, không chỉ đối với NCS. Gần đây, rất đáng mừng khi giới khoa học của VN đã đặc biệt quan tâm tới chủ đề đạo đức nghề nghiệp và liêm chính học thuật, nhất là trong công bố khoa học quốc tế.
Trong khuôn khổ của một quy chế chỉ đưa ra những yêu cầu bắt buộc để cơ sở đào tạo cùng NCS thực hiện trách nhiệm bảo đảm liêm chính học thuật trong quá trình học tập nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu. Đồng thời, quy chế cũng đưa ra những quy định để tăng cường tính minh bạch trong quá trình đào tạo và bảo vệ luận án để giới khoa học cùng tham gia giám sát.
Đây cũng là một trong những vấn đề cốt lõi của tự chủ học thuật khi giới chuyên môn thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình trong việc phát triển văn hóa nghiên cứu, cùng với tinh thần học thuật, trong đó có liêm chính học thuật. 
Yêu cầu về công bố khoa học là một trong những điều kiện để NCS được đánh giá luận án tại đơn vị chuyên môn, đó không phải chuẩn đầu ra. Chuẩn đầu ra của một chương trình đào tạo TS được quy định trong khung trình độ quốc gia VN, quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ giáo dục ĐH của Bộ GD-ĐT và được cụ thể hóa trong chuẩn chương trình đào tạo của từng lĩnh vực, ngành đào tạo.
Yêu cầu về công bố khoa học trong quy chế mới thực chất là không hạ thấp, mà để hợp lý hơn đối với một văn bản pháp quy mà yêu cầu độ phủ rộng, đảm bảo tính khả thi trên phạm vi cả nước (242 cơ sở giáo dục ĐH, 40 viện nghiên cứu đào tạo TS) và áp dụng chung cho các ngành đào tạo (24 lĩnh vực đào tạo).
Việc yêu cầu NCS phải dành thời gian, học tập nghiên cứu và sinh hoạt chuyên môn tại đơn vị chuyên môn như một giảng viên trợ giảng, nghiên cứu cơ hữu chính là thể hiện tinh thần “học thật”.
Việc đánh giá đầu vào của các hội đồng xét tuyển, đánh giá tiến độ định kỳ và luận án tại đơn vị chuyên môn, đánh giá luận án của các phản biện độc lập, đánh giá luận án tại hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo, đánh giá, phản biện của cả cộng đồng khoa học khi luận án được công bố trên trang điện tử của cơ sở đào tạo, kiểm tra chính là để thực thi tinh thần “thi thật”. Việc kiểm tra quá trình đào tạo và tổ chức thẩm định chất lượng luận án của Bộ GD-ĐT cũng chính là các biện pháp thực thi tinh thần “thi thật”.
Số liệu thống kê hiện nay cho thấy quy mô đào tạo TS tính trên số giảng viên có trình độ TS giữa các lĩnh vực, khối ngành đào tạo là khá cân bằng, cao nhất nằm ở lĩnh vực toán, khoa học máy tính, khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ. Lưu ý thêm, quy mô đào tạo TS của chúng ta hiện nay so với khu vực, thế giới còn quá thấp. Với các biện pháp quản lý chất lượng như trên, nếu được thực thi một cách nghiêm túc sẽ khó có chuyện nở rộ đào tạo TS như một số nhà khoa học lo lắng.
Quy mô đào tạo NCS của chúng ta hiện nay khoảng 12.000. Trong khi đó, giảng viên có trình độ TS là 21.000, người có đủ điều kiện tham gia đào tạo TS là hơn 14.000. Con số 14.000 người này chưa kể đến các nhà khoa học vừa làm công tác nghiên cứu, vừa tham gia đào tạo sau ĐH tại các viện nghiên cứu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.