Phụ huynh gửi đơn kiến nghị giải khoa học kỹ thuật quốc gia: Đại diện Bộ GD-ĐT nói gì?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
20/03/2019 07:48 GMT+7

Trước kết quả trao giải cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm nay, phụ huynh ở Hải Phòng cho rằng một số giải nhất chưa thuyết phục.

PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), khẳng định Bộ sẽ thành lập hội đồng thẩm định để xem xét lại một số dự án.

5 giám khảo độc lập chấm một dự án

896 học sinh tham gia
Năm học 2018 - 2019 là năm thứ 7 Bộ GD-ĐT tổ chức cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS trung học trên phạm vi toàn quốc. Cuộc thi năm nay đã thu hút 896 HS các trường phổ thông trên cả nước tham gia với 481 dự án ở 21 lĩnh vực
Theo ông Thành, các cuộc thi ở khu vực phía bắc và phía nam đều phải tuân thủ quy chế thi theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, cụ thể: thành phần ban giám khảo được lựa chọn từ các nhà khoa học có trình độ tiến sĩ trở lên thuộc các chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của học sinh (HS); trưởng ban giám khảo phải là phó giáo sư trở lên. Ban giám khảo thực hiện chấm thi theo thông tư hướng dẫn của Bộ, có sự giám sát của thanh tra ở tất cả các khâu. Các dự án tham gia thi được chia thành các nhóm lĩnh vực, bao gồm các đề tài thuộc các lĩnh vực gần nhau, do một tiểu ban giám khảo chấm.
Mỗi dự án đều được chấm qua 2 phần: chấm trên báo cáo tóm tắt và chấm phỏng vấn thí sinh tại gian trưng bày của từng dự án. Ở mỗi phần chấm, các giám khảo bốc thăm, mỗi dự án sẽ được 5 giám khảo/phần chấm để chấm độc lập theo các tiêu chí đã quy định trong thông tư hướng dẫn, đây cũng là các tiêu chí chấm của cuộc thi quốc tế. Điểm của từng phần là điểm trung bình do 5 giám khảo chấm độc lập. Theo tiêu chí đánh giá, chú trọng về mục tiêu của dự án, sự đóng góp của dự án vào lĩnh vực nghiên cứu, vấn đề đặt ra có kiểm chứng được bằng các phương pháp khoa học không... Cách trình bày poster cũng được tính điểm. Ngoài ra, phần hỏi đáp trực tiếp với HS cũng được chấm 25 điểm.

Phải có phát hiện mới

Ông Thành cho rằng nghiên cứu của HS không phải là nghiên cứu độc lập mà thường có sự kế thừa từ các nghiên cứu trong cùng lĩnh vực đã được thực hiện trước đó. Tiêu chí cuộc thi yêu cầu HS phải xác định rõ được sự đóng góp của mình vào lĩnh vực nghiên cứu. “Điều quan trọng là các em phải phát hiện ra những “khe hở” mà các nghiên cứu trước chưa giải quyết được để tập trung giải quyết các vấn đề này. Như vậy, dù các em có thể nghiên cứu cùng một vấn đề của các nghiên cứu trước đó, nhưng có sáng tạo trong phát hiện vấn đề cần giải quyết, cách đưa ra giải pháp khác nhau, thì đó chính là đóng góp mới”, ông Thành lý giải.
Chẳng hạn hai năm trước, có một dự án kỹ thuật cơ khí của HS VN cũng được nhắc tới. Đó là dự án về xe lăn leo cầu thang. Đề tài này cũng đã có nhiều nghiên cứu, tuy nhiên nhóm HS VN đã lựa chọn nghiên cứu, cải tiến chỉ một bộ phận trong xe lăn, để giúp người sử dụng có thể leo cầu thang một cách thuận tiện. Nhờ xác định nhu cầu thực tiễn và thể hiện sáng tạo trong thiết kế mà nhóm HS VN đã đoạt giải ba quốc tế tại Mỹ. Tương tự, một dự án khác của HS VN về cánh tay robot - một vấn đề khá quen thuộc trong giới nghiên cứu nói chung và các cuộc thi tương tự - cũng đã đoạt giải ba quốc tế.
Như vậy, các dự án cần phải thể hiện được sự đóng góp của HS vào nghiên cứu, giải quyết các vấn đề khoa học hoặc thực tiễn. Đánh giá các dự án phải đánh giá phân tích yêu cầu khoa học, nhu cầu thực tế sự sáng tạo của HS.
 
Sẽ chọn đội tuyển thi quốc tế sau khi chấm thẩm định độc lập
Bộ GD-ĐT đã nhận được đơn kiến nghị của bà Vũ Thị Xuân Hương, phụ huynh HS Nguyễn Nam Anh; ông Nguyễn Thanh Sơn, phụ huynh HS Nguyễn Thanh Tùng; ông Nguyễn Văn Tuấn, phụ huynh HS Nguyễn Ngọc Hiệp (những thí sinh đã tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía bắc năm học 2018 - 2019) về kết quả cuộc thi. Trong đơn kiến nghị nêu rằng một số dự án được giải có trùng đề tài với một số dự án đã được nghiên cứu trước đó, những đề tài được lựa chọn vào vòng 2 để tham gia thuyết trình bằng tiếng Anh... chưa đảm bảo về chất lượng, về hàm lượng khoa học, chưa có tính mới, tính sáng tạo và tính ứng dụng của sản phẩm.
Ngày 19.3, lãnh đạo Bộ cho biết sẽ thành lập hội đồng thẩm định độc lập để đánh giá sự đóng góp của HS trong vấn đề nghiên cứu và sẽ đưa ra kết luận. Sau khi đánh giá độc lập mới xét tuyển chọn đội tuyển đi thi quốc tế trên cơ sở kết quả đã chấm của hội đồng giám khảo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.