Phụ huynh cũng cần xem lại cách ứng xử

10/12/2018 08:22 GMT+7

Phụ huynh bắt cô giáo quỳ, quay clip mắng chửi thầy giáo… Rất nhiều sự việc không hay xảy ra trong nhà trường hiện nay, ngoài giáo viên còn liên quan đến cách ứng xử của cả phụ huynh.

Say xỉn vào trường la mắng giáo viên
Nỗi niềm thầy cô
Thầy Trần Ngọc Tuấn cũng chia sẻ nỗi niềm trước một chuyện rất tình cờ. Thầy kể: “Một hôm tôi đi ăn sáng, bàn bên cạnh có người mẹ ngồi ăn cùng con. PH này lấy điện thoại gọi cho cô giáo. Hôm đó là ngày họp PH, người mẹ gọi cô giáo để xin nghỉ dù không bận rộn gì. PH nói dối là bận công việc, sau đó quay lại nói với học trò: “Mẹ gọi xong rồi. Họp để đóng tiền chứ đi họp để làm gì”. Ứng xử với cô giáo trước mặt con trẻ như vậy, khiến cho tôi cũng thấy chạnh lòng”.
Tuy nhiên, chính GV cũng nhìn nhận nguyên nhân xảy ra những câu chuyện đau lòng trong cách ứng xử giữa PH với GV xuất phát từ chính người dạy. Vì vậy, một GV ngữ văn tại Q.Tân Phú nói rằng, bên cạnh những áp lực từ chỉ tiêu thi đua, chất lượng, nỗi lo cơm áo gạo tiền thì một bộ phận GV thiếu sự cảm thông và thấu hiểu với học trò nên thực hiện hành vi phản sư phạm.
Trường THCS P. (Q.8) là một trường ở vùng ven TP.HCM, nơi có nhiều phụ huynh (PH) thuộc thành phần lao động, nhiều người hay nhậu nhẹt, say xỉn. Vì thế, chuyện thầy cô bị PH vào trường chửi rủa, đánh… không quá hiếm.
Cô N.T, giáo viên (GV) của trường, cho biết nhiều PH hay say xỉn vào trường, la mắng GV sau khi nghe một chiều từ lời kể của con. Con không làm bài, bị thầy giáo phạt nhưng về nhà nói với bố là con không làm gì mà bị thầy giáo đánh. Ông bố đang nhậu dở, xách xe chạy ngay vào trường “đại náo”, chửi rủa GV một hồi. GV quen chuyện này cứ để cho chửi mắng, sau đó khuyên về nhà. Ngày hôm sau, tỉnh rượu, ông bố lại tự chạy lên trường… xin lỗi.
“Hai năm trước, một học sinh (HS) xếp hàng không ngay ngắn, đùa giỡn bị giám thị phát hiện, đánh vào mông. HS chạy về nhà mách bố. Ông bố chạy ngay vào trường, giám thị chưa kịp nói một câu nào đã bị tát vào mặt”, cô N.T kể lại.
Thầy Trần Ngọc Tuấn, GV Trường THPT Tây Thạnh, Hóc Môn, cho biết có một số PH lại hay xem GV là… đối thủ. Họ ít tìm hiểu rõ ràng câu chuyện, luôn đứng về con, coi con em mình là đúng, thiếu hợp tác với GV để cùng giáo dục.
Lại có PH không tâm lý với con, khiến cả GV cũng phải khó xử. Thầy Tuấn kể một lần, thầy mời PH của một HS cá biệt lên nói chuyện. Chính PH này cũng bất lực không dạy được con. PH đến trường, không hợp tác với GV, lại chửi mắng con sa sả ngay trước mặt GV. Lúc này, HS bị dồn vào thế bí, bức xúc nên… đập đầu vào tường.
“Tôi đâu rảnh vô gặp cô mà gọi hoài” !
Cô Lê Hoàng Phi Yến, GV Trường THCS Kiến Thiết (Q.3), cho biết PH ở thành phố ít khi có hành vi ứng xử với thầy cô quá đáng như những chuyện trên báo chí, nhưng nhiều PH cũng làm buồn lòng thầy cô về cách hành xử. Cô Yến kể có năm làm chủ nhiệm lớp có một HS cá biệt, học yếu, không học bài, làm bài, lại hay trốn học, nói hỗn với thầy cô. Nhưng PH cũng là cá biệt! GV mời PH vào trường nói chuyện mấy lần đều không được. Lần cuối gọi điện thoại, PH nói thẳng: “Tui còn đi làm, bận bao nhiêu việc, đâu có rảnh vô gặp cô mà cô gọi hoài. Tui đóng tiền vô trường để thầy cô dạy con tui chứ đâu phải để làm phiền tui. Cô muốn xử lý sao thì xử lý!”. Đến khi HS phải ra hội đồng kỷ luật vì đánh nhau có hung khí thì PH giãy nãy là “HS hư, sao cô không biết dạy, lại không thông báo cho PH” và làm um sùm khắp trường. Chỉ đến khi lãnh đạo trường mời đến làm việc, đưa ra biên bản rất nhiều lần mời lên làm việc mà PH không đến, PH mới chấp nhận.
Dù đã nghỉ hưu nhưng khi trò chuyện, một GV tại TP.HCM dường như còn cảm giác “đau” bởi từng phải “sợ” trước sự đe dọa một cách rất vô tình của PHHS. Thầy T. kể lại: “Trò đó thường xuyên không học bài, không làm bài, đến lớp thì ngủ, trêu chọc bạn, vẽ bậy lên bàn ghế… GV nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn không sửa đổi. Đến khi phải mời PH lên trao đổi để tìm cách giúp học trò tiến bộ thì thật bất ngờ, tôi được PH yêu cầu: “Con tôi ở nhà chỉ ưa ngọt, không ai la mắng cháu hết. Thầy hãy đối xử một cách nhẹ nhàng, không được quát nạt…”. Trong khi nói chuyện, mẹ của HS đó đã tiết lộ một cách rất “vô tình” chồng là sếp lớn, có nhiều mối quan hệ trong ngành GD”.
Lớn chuyện chỉ vì chiếc áo khoác
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.4 cho hay đã từng chứng kiến, giải thích và giải quyết việc chuyển lớp cho HS chỉ vì chiếc áo khoác. Theo đó, khi biết con mình bị mất áo khoác trong giờ thể dục, PH đã yêu cầu GV chủ nhiệm cùng GV thể dục phải tìm bằng được vì đó là áo khoác kỷ niệm của con. Khi không tìm được, họ đã tìm đủ lời nhục mạ GV và đề nghị ban giám hiệu chuyển lớp cho con với lý do GV không quan tâm đến HS.
Tương tự là hành động bênh vực con một cách thái quá của PH khiến trong đêm khuya, một GV xấu hổ với hàng xóm. GV này kể khi mời PH vào trường trao đổi việc con lơ là học tập, hay nói tục, chửi thề, PH rất vui vẻ, hợp tác. Vậy mà không hiểu sao, đến tối, cả ba mẹ của HS tìm đến nhà la lối và cho rằng GV ghét con họ nên “đổ tội”. GV chia sẻ: “Đau lòng nhất là PH không kiềm chế cảm xúc, làm ồn ào những nhà xung quanh, tổn thương đến GV”.
Còn việc PH bênh vực con vô điều kiện, nghe con mách bị bạn ăn hiếp mà không cần tìm hiểu sự việc đã sấn sổ vào lớp sỉ vả, hăm dọa học trò trước mặt GV, coi như không có sự tồn tại của GV là chuyện diễn ra thường xuyên.
Ý KIẾN
Phải xử lý nghiêm, đủ sức răn đe
Tôi nhìn nhận rất lạc quan rằng cả PH lẫn GV đa số là tốt, cư xử có văn hóa, đúng mực, có lý có tình. Chỉ một số cá biệt, trong vài sự việc hay tình huống cụ thể mà thiếu kiềm chế, nóng nảy, bốc đồng, có hành vi nông nổi, bộc phát dẫn đến những sai lầm đáng tiếc như vừa qua. Nguyên nhân có nhiều nhưng phổ biến hơn cả có lẽ là “cái tôi” quá lớn. Có cả việc nuông chiều, cưng con quá đáng, không xem xét, nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo. Rộng ra nữa là sự xúc phạm đến truyền thống tôn sư trọng đạo. Việc chế tài, xử lý những hành vi sai trái ấy vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Sự thờ ơ hoặc phản ứng không kịp thời của tập thể, đám đông trước những sai trái ấy ngay tại nơi xảy ra vụ việc, ngay địa phương cư trú cũng là điều cần suy nghĩ... Điều này đáng chê trách, lên án, cần báo động, cảnh tỉnh và dứt khoát phải xử lý thật nghiêm, đủ sức răn đe để chấn chỉnh, loại bỏ những hành vi sai trái thái quá ấy.
Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, Củ Chi
Cần sự phối hợp của cả hai bên
Suy cho cùng, cha mẹ hoặc thầy cô giáo đều có trách nhiệm giáo dục con em mình. Cái chính là phối hợp giữa hai bên để giáo dục tốt. Trong quá trình phối hợp, nếu thấy cái gì chưa an lòng thì xây dựng cho nhau để con em mình tốt hơn. Nếu vì nóng giận, có hành vi xúc phạm nhau, sẽ tạo ra hình ảnh người thầy không hay trước mặt con em mình. Con em sẽ thiệt thòi trong việc giáo dục. Đó là HS khinh thường thầy, ỷ lại vào gia đình. Nếu thầy cô giáo thiếu suy nghĩ sẽ “bỏ” luôn, không để ý tới HS nữa.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Ngai nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM
Phối hợp gia đình là tốt nhất
Nhiều PH chỉ chấp nhận con mình đúng và do GV không hiểu được học trò. Mỗi GV sẽ có một cách giải quyết. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải xuất phát từ việc yêu thương HS để tìm cách phối hợp gia đình để có kết quả tốt nhất cho HS.
Lê Hoàng Phi Yến GV Trường THCS Kiến Thiết Q.3, TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.