Phân ban nên theo “kiểu tín chỉ”

26/12/2007 22:33 GMT+7

Sau hơn một năm thực hiện đại trà, chương trình phân ban THPT vẫn còn nhiều vấn đề cần phải đặt lại để điều chỉnh kịp thời.

Vẫn còn nhiều bất cập

Thời gian qua đã có nhiều hội thảo bàn về việc thực hiện chương trình phân ban THPT. Thực hiện nhiệm vụ giám sát của mình, trong hai ngày 25 - 26.12 tại TP.HCM, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội nghị trao đổi về vấn đề này với các khách mời là các đại biểu từ Hội đồng Nhân dân, Sở GD-ĐT và trường THPT thuộc nhiều địa bàn khác nhau ở các tỉnh phía Nam. 

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, việc phân ban đại trà đã có tác dụng chủ động phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Tuy vậy, quá trình thực hiện đã gặp khá nhiều khó khăn cần được tập trung giải quyết sau hơn một năm thực hiện. PGS-TS Lê Văn Tiến (Phó trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả giảng dạy chưa tốt là do chưa chú trọng đến việc bồi dưỡng đội ngũ thầy cô giáo thực hiện chương trình. Các giáo viên tham dự các đợt tập huấn của Bộ GD- ĐT chỉ nhận được tài liệu bồi dưỡng vào ngày đầu tiên của khóa  tập huấn, không đủ thời gian nghiên cứu với một khóa tập huấn chỉ trong 4 - 5 ngày liên tục; hệ quả là học viên hiểu không kỹ nội dung do báo cáo viên trình bày, còn báo cáo viên thì không có được những ý kiến phản biện hay câu hỏi chất vấn từ học viên.

TS Tiến nhận xét: "Cách tập huấn đại trà theo kiểu "đại công trường" không mang lại hiệu quả. Vì vậy nên tổ chức các chuyên đề trao đổi về chương trình và sách giáo khoa trong từng tổ bộ môn ở trường THPT, với sự chủ trì của tổ trưởng bộ môn và các giáo viên giỏi đã tham gia tập huấn cấp Bộ. Thời gian tập huấn cũng phải được kéo dài hơn để đảm bảo học viên có thể nắm vững và đủ nội dung cũng như phương pháp bồi dưỡng".  Do việc tập huấn cho giáo viên không tốt nên hầu hết đại biểu đều cho rằng nội dung chương trình đều quá tải cho cả học sinh và... giáo viên!  Bà Nguyễn Thị Thu Cúc (Hiệu trưởng trường THPT Gia Định, TP.HCM) nói: "Chương trình hay nhưng nội dung kiến thức quá nhiều cho một năm học nên giáo viên không thể chuyển tải hết. Sự nặng nề quá tải trong nội dung chương trình không chỉ lấy đi sự hứng khởi của thầy và trò mà quan trọng hơn là có thể lấy đi khả năng hoàn thành mục tiêu đào tạo con người phát triển toàn diện, bởi vì học sinh không còn giờ để tham gia các hoạt động khác để phát triển bản thân".

Ông Lê Quốc Hùng (Hiệu trưởng trường THPT Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bức xúc: "Cho đến giờ này, không biết có bao nhiêu hiệu trưởng các trường THPT dám trả lời cho giáo viên, phụ huynh và học sinh của mình rằng: sắp tới sẽ thi tốt nghiệp THPT như thế nào, muốn thi vào một trường ĐH nào đó thì phải thi môn gì, theo chương trình nào (cơ bản hay nâng cao?), với hình thức nào (tự luận hay trắc nghiệm?). Làm cán bộ quản lý mà việc chính của mình, sản phẩm của mình là con người hẳn hoi, thế mà sau gần 2 năm thực hiện phân ban, các đích của mình nhắm tới vẫn còn đoán như "thầy mù đoán voi" thế này thì còn gì buồn hơn!". Và, ông Hùng đề nghị Bộ phải có cách làm thật khoa học và chu đáo khi tiến hành một "cải cách" hay một thay đổi nào trên phạm vi cả nước. 

Cũng về việc quá tải, ông Võ Anh Dũng (Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) cho rằng do Bộ GD- ĐT thực hiện quy trình ngược. Theo ông Dũng, lý ra phải có chương trình chi tiết rồi mới viết SGK, ở đây thì chỉ có chương trình khung để cho tác giả sách làm chương trình chi tiết. Từ đó đã dẫn đến nhiều mâu thuẫn, trong đó có việc nhiều sách cơ bản lại đưa nhiều kiến thức hơn sách nâng cao, ký hiệu trong các loại sách không thống nhất... Ngoài ra, việc chưa hoàn thành SGK cả cấp học mà đã tiến hành phân ban đã gây rất nhiều khó khăn cho giáo viên, vì khi dạy một nội dung nào đó ở lớp 10 mà không biết nội dung này có được tiếp tục mở rộng ở lớp 11 và 12  hay không thì giáo viên rất khó xử khi truyền đạt. Chính vì vậy, ông Dũng đề nghị Bộ GD-ĐT phải đưa ngay lên mạng đề cương chi tiết của SGK lớp 11 và 12, khoảng tháng 5.2008 có một bộ sách in thử gửi về mỗi trường 1 bản để giáo viên nghiên cứu đề cương, chuẩn bị bài dạy và đặc biệt là chuẩn bị hệ thống bài tập để học sinh thi tốt nghiệp và ĐH. Đề án thi phải có ngay, trễ nhất đầu năm học tới phải có thay vì "giữ bí mật" như hiện nay.  

Cần có đề án khả thi hơn 

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quán Tần (Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT) cho rằng chúng ta đang ở giai đoạn đầu thực hiện chương trình và sách giáo khoa nên không thể nào tránh được những bất cập. Ông nhấn mạnh sẽ không thay đổi về chuẩn chương trình vì có tính đến tính hội nhập, nhưng tiếp thu ý kiến của các đại biểu, ngay sau hội nghị này Bộ GD-ĐT sẽ ban hành những văn bản liên quan đến việc hướng dẫn kỹ năng thực hiện chuẩn chương trình. Bộ cũng sẽ ban hành hướng dẫn ôn tập từng năm thi tốt nghiệp THPT cũng như hướng dẫn thi tuyển sinh ĐH. Về đề thi, sẽ  đổi mới thi tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH theo hướng ra đề hỏi những câu hỏi vận dụng, đề mở... Ông Tần nhấn mạnh: "Tôi phát biểu ở đây như một lời cam kết, sẽ biến ngay thành những văn bản chỉ đạo cụ thể cho các địa phương, trường học thực hiện". 

Kết luận hội nghị, GS-TSKH Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) đề nghị Bộ GD-ĐT cần chú ý đến những nguyên nhân liên quan đến điều kiện thực hiện một đề án như: trình độ trung bình của giáo viên, cơ sở vật chất, trình độ của học sinh VN... để đưa ra một đề án khả thi hơn.  Đồng tình với việc Bộ GD-ĐT ban hành phần hạn chế chương trình, ban hành sớm từ đầu năm để giúp cho giáo viên thực hiện tốt chương trình.

Chương trình chuẩn phải được ban hành công khai và phải được xem là một văn bản pháp lý để người ra đề thi, người dạy học đều phải chấp hành. Trước những khó khăn trong việc chia học sinh theo lớp học, GS Thi đề nghị Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu thêm hướng học tập trong tương lai là không chia lớp theo từng nhóm học sinh theo từng gói các môn nâng cao mà theo lớp môn học. Lúc đó chỉ có hai khả năng để phân hóa lớp học là trình độ chuẩn và nâng cao, trong quy mô mỗi một trường có thể thực hiện được, chỉ cần yêu cầu cao về trình độ quản lý. Cách làm này hơi giống như việc thực hiện "tín chỉ" mà ĐH đang tiến tới, bậc học phổ thông cũng cần nghiên cứu. 

Nhựt Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.