PGS-TS Bùi Hiền muốn in tác phẩm 'Truyện Kiều' bằng 3 loại chữ

30/01/2020 08:41 GMT+7

PGS-TS Bùi Hiền, người có công trình cải tiến chữ quốc ngữ, vừa hoàn thiện tác phẩm 'Truyện Kiều' bằng 3 loại chữ và mong muốn được in thành sách trong năm 2020.

Chia sẻ với PV Thanh Niên, PGS-TS Bùi Hiền cho biết: "Tôi vừa chuyển đổi xong tác phẩm Truyện Kiều sang chữ cải tiến của tôi, phối hợp với cả chữ Nôm, và quốc ngữ mà chúng ta đang dùng.

Cải cách tiếng Việt & ngôn ngữ tuổi teen? - Video tư liệu năm 2017

"Không mất đi giá trị của tác phẩm"

PGS-TS Bùi Hiền cho rằng lịch sử không hề ghi nhận có sự đứt gẫy, gián đoạn nào về văn hóa cả, khi chữ Nho và chữ Nôm bị chính quyền thực dân Pháp cưỡng bức người Việt phải bỏ để dùng chữ La-tinh, mà trái lại chữ Tây quốc ngữ này còn góp phần phổ biến rộng rãi vốn văn hóa Việt truyền thống, đồng thời đẩy mạnh sự phát triển nền văn hóa Việt Nam lên tầm cao rộng hơn. Cho nên việc cải tiến chữ quốc ngữ hiện nay càng không thể làm gián đoạn nền văn hóa của Việt Nam. Bác Hồ cũng từng viết cuốn Đường cách mệnh (viết là Dường Kách mệnh) từ năm 1927 và hoàn thành bản di chúc vào năm 1969 bằng chữ cải tiến của Bác".

Những câu thơ đầu tiên trong tác phẩm Truyện Kiều được viết bằng 3 loại chữ

Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là một áng văn bất hủ được viết dưới hình thức chữ Nôm với 3.254 câu thơ lục bát, một thể thơ "quốc hồn, quốc túy" của dân tộc. Liệu chuyển thể một tác phẩm mang tính biểu tượng như vậy sang chữ cải tiến, có làm ảnh hưởng đến giá trị của nó hay không?
PGS-TS Bùi Hiền khẳng định: "Truyện Kiều của Nguyễn Du vẫn còn nguyên giá trị nghệ thuật, tư tưởng, văn hoá trong cả ba dạng chữ viết, không hề có sự thay đổi gì về nội dung, giá trị nghệ thuật. Chúng ta vẫn đọc như thế, chỉ là thay đổi về chữ viết. Điều này là minh chứng hùng hồn rằng sự cải tiến chữ viết hiện tại là một nhu cầu tự nhiên, bổ ích và khả thi. Các bạn hãy trải nghiệm để nhìn ra tính ưu việt của chữ cải tiến: khoa học, tiết kiệm, dễ học, dễ dùng".
Bìa của cuốn Truyện Kiều viết bằng 3 loại chữ
PGS Bùi Hiền tiếp tục: "Khi cụ Nguyễn Du viết Kiều bằng chữ Nôm thì chỉ có dưới 1% dân Nam đọc được. Chuyển sang chữ quốc ngữ thì có 4%, rồi sang thời Việt Nam dân chủ cộng hoà thì đã có tới 95% người Việt có thể đọc được Kiều, nhưng không một ai sạch lỗi chính tả, kể cả các giáo sư ngôn ngữ học. Tất cả những hiện tượng không thống nhất, không theo một nguyên tắc chung của chữ hiện tại đã và đang gây khó khăn cho người đọc, cũng như người viết, nhiều khi còn khiến cho hiểu nhầm hoặc không hiểu được chính xác nội dung thông tin. Bởi vậy cần cải tiến chữ quốc ngữ để trở thành công cụ giao tiếp hoàn hảo nhất và để không ai còn mắc lỗi chính tả nữa".
Được biết, năm nay PGS Bùi Hiền sẽ liên hệ với NXB để in cuốn này. Nếu NXB không in thì ông sẽ tự photo tặng bạn bè, tặng những người ủng hộ ông. Ngày 30 tết vừa rồi khi đến chúc tết hai vị cao niên của làng Nga học là Nguyễn Hào và Đỗ Xuân Hà, ông cũng đã tặng mỗi vị cuốn do mình tự photo và đóng thành sách.

85 tuổi vẫn miệt mài làm việc

"Cải tiến chữ quốc ngữ" là công trình tâm huyết cả đời của PGS Bùi Hiền. Một vị PGS 85 tuổi chân yếu, sức cạn, chỉ vì đam mê nghiên cứu, mong muốn chữ viết ngày càng thống nhất, ưu việt, không còn lỗi chính tả... mà mỗi ngày vẫn miệt mài làm việc.
PGS Bùi Hiền kể: "Một ngày của tôi bắt đầu từ 4 giờ sáng. Tôi vận động, tập thể dục đến 6g30 thì tự nấu cơm, ăn xong nghỉ ngơi đến 8 giờ thì ngồi vào máy tính làm việc. Đến trưa tôi ăn nhẹ rồi 14g chiều tiếp tục làm việc đến 5 giờ thì đi dạo bộ, đi chợ mua thức ăn. Chân tôi bị bong gân do bị ngã cầu thang, phải chống gậy nên tôi không đạp xe được. Ăn tối xong 8 giờ tôi lại ngồi vào bàn làm việc đến 11 giờ đêm thì đi ngủ".
Nhờ làm việc không ngừng, PGS Bùi Hiền còn vừa hoàn thành cuốn từ điển Bách khoa phổ thông Việt Nam sau 15 năm nghiên cứu (cùng với một tác giả nữa, nhưng PGS-TS Bùi Hiền có 80% công sức-PV). Cuốn này gồm hơn 20.000 mục từ và tranh ảnh màu đăng trong 2 tập sách gồm 2.600 trang khổ A4 thuộc tất cả các lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, khoa học xã hội-nhân văn, các ngành nghề, các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, văn học, nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, những phong tục tập quán… của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.
Năm 2018 ông cũng xuất bản cuốn Từ điển Nga Viêt - biên soạn cùng tác giả Elena Zubtsova với hơn 3.000 câu tục ngữ Nga đúc rút kinh nghiệm làm thành bài học dân gian, gồm 586 trang khổ A5 thuộc 19 lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, văn học, nghệ thuật, những phong tục tập quán… của dân tộc Nga.
Ngoài ra, năm 2019 PGS Bùi Hiền cũng hoàn thành cuốn Từ điển chính tả Chữ Việt quốc ngữ do ông tự in và photo. Cuốn này chuyển thể toàn bộ cuốn Từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê sang chữ cải tiến của ông, gồm hơn 40.000 đơn vị từ vựng của tiếng Việt phổ thông hiện đại, đăng trên 350 trang giấy A5.
Trong năm 2020, PGS-TS Bùi Hiền cho biết mình sẽ tập trung hoàn thiện thêm chữ cải tiến và tiếp tục ứng dụng những công trình ngôn ngữ đã nghiên cứu vào thực tế. Trong đó điều ông mong muốn nhất là có thể đưa chữ quốc ngữ cải tiến vào thực nghiệm tại một số trường học để giúp giáo viên và học sinh được trải nghiệm những ưu điểm của nó so với chữ quốc ngữ hiện tại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.