'Ông chủ' vườn nấm trúng tuyển ĐH Lâm nghiệp

16/08/2016 17:42 GMT+7

Trong số thí sinh trúng tuyển Trường ĐH Lâm nghiệp năm nay, có một chàng trai khá đặc biệt là Trịnh Huy Minh, người vừa tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương và hiện là “ông chủ” của một vườn nấm ở Ba Vì.

“Lội ngược dòng”
Trịnh Huy Minh sinh ra và lớn lên ở TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Nhà ở ngay thành phố nên đến một khoảnh vườn cũng chẳng có. Vì vậy, việc Minh quyết định khởi nghiệp bằng nghề làm vườn ngay trước khi tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương khiến gia đình em hết sức ngỡ ngàng.
Minh vốn là học sinh chuyên hóa Trường THPT chuyên Lam Sơn, thi vào Trường ĐH Ngoại thương vì xem đó là thành tích rất “oách”, là bầu trời mơ ước của rất nhiều học trò tốt nghiệp cấp 3. Thi đỗ rồi học, nhưng khi chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp, Minh lại phát hiện mình thích… trồng nấm. Từ việc chưa hề biết phải cầm cuốc giẫy cỏ thế nào, Minh trở thành lao động chính trong “trang trại” nấm của mình. “Mỗi vụ, em chỉ thuê 5 - 6 người làm trong vài ngày đầu ở khâu cuốc đất thôi, còn lại em làm hết”, Minh cho biết.
Cơ duyên dẫn Minh đến nghề trồng nấm là trong một lần về quê, Minh đến chơi nhà một người họ hàng xa ở H.Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Thấy nhà anh họ trồng nấm, Minh tìm hiểu, thấy thích thú nên ở lại cùng trồng nấm một thời gian. Sau đó, nhờ một số thương lái ngành nấm mách trên Ba Vì (Hà Nội) có một nông dân trồng nấm rất giỏi, vậy là Minh khăn gói lên đường học nghề trồng nấm. Gần nhà “thầy” có một mảnh vườn hoang (khoảng 2.000 m2), Minh hỏi thuê lại với giá 12 triệu đồng/năm để “thực hành”. Bố mẹ tuy không hào hứng lắm với dự định khởi nghiệp của Minh, nhưng vẫn tôn trọng ủng hộ quyết định của con trai.
Vườn nấm đang trong quá trình ươm của Trịnh Huy Minh Ảnh Lan Anh
Mới gắn bó một năm với rừng núi Ba Vì nhưng Minh thấy yêu thích cuộc sống nơi hoang vắng ấy. “Thiên nhiên trong lành, được ăn rau sạch, cũng hơi buồn nhưng em thích cái buồn đó”, Minh nói.
Minh giải thích: “Những người học ngành quản trị kinh doanh như em muốn có việc làm tốt đều phải học thêm một chuyên môn khác. Tuy nhiên, đa số các bạn em đều học thêm về kinh tế, riêng em chọn con đường trực tiếp tham gia sản xuất. Kể ra cũng hơi khác biệt so với ở VN nhưng em tìm hiểu con đường khởi nghiệp của các doanh nhân nổi tiếng trên thế giới thì thấy hầu hết các “ông chủ” đều am hiểu về sản xuất, nên em tự tin con đường mình chọn là đúng đắn”.
Càng làm càng thấy thiếu kiến thức!
Minh bắt đầu trồng nấm từ tháng 8 năm ngoái. Vụ đầu tiên thu hoạch, bán được 40 triệu đồng. Trừ chi phí (kể cả công thuê người cuốc đất), lãi hơn 20 triệu đồng. Minh nói thành quả này không quá tệ với một sinh viên vừa mới ra trường, nhưng vẫn tiếc vì lẽ ra có thể đạt năng suất gấp đôi.
“Có vào làm rồi mới thấy kiến thức mình thiếu kinh khủng. Đã vậy, trải nghiệm về nghề nông của mình là số không. Em cũng tham gia học một vài khóa học ngắn hạn, nhưng thực tế thì phát sinh vô vàn tình huống cần phải giải quyết. Cũng có những người giỏi giúp đỡ mình, nhưng thường khi có giải pháp thì việc lại đã lỡ rồi. Vì thế em nghĩ nếu mình muốn khởi nghiệp bằng nghề trồng nấm thì không còn cách nào đó khác là phải đi học một khóa đào tạo kỹ sư chính quy về nghề nông. Vậy là đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2016”, Minh chia sẻ.

tin liên quan

Tự tạo cơ hội: Trồng rừng trên 'đất khó'
Một bác sĩ ở tỉnh Quảng Bình, ngoài giờ làm việc đã từng bước cải tạo đất, trồng rừng và thành công với mô hình rừng kinh tế trên đất khó khăn, cằn cỗi.
Cựu sinh viên Ngoại thương cũng cho biết việc chọn trường ĐH Lâm nghiệp vì lĩnh vực nghiên cứu trồng nấm của trường phát triển khá mạnh. Với lại, tham vọng của Minh không chỉ là nấm. Khi đã có kiến thức chuyên sâu về công nghệ sinh học, Minh sẽ phát triển “sự nghiệp làm vườn” của mình sang nhiều loại cây trồng khác.
Hiện tại, trong khi nấm vụ mới vừa mới gieo trồng, Minh ở nhà thuê tại nội thành Hà Nội để luyện thi IELTS. Minh nói: “Ở rừng cũng phải học tiếng Anh, để còn đọc được tài liệu của nước ngoài. Biết đâu đến một lúc nào đó, mình cần phải ra nước ngoài để học về công nghệ sinh học”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.