Ôn thi THPT quốc gia: Trường tự tăng độ khó so với đề tham khảo

21/12/2018 08:07 GMT+7

Xây dựng đề cương ôn thi THPT quốc gia bám sát vào đề tham khảo mà Bộ GD-ĐT công bố nhưng vì đề này dễ hơn hẳn so với năm trước nên các trường tự tăng độ khó để tránh trường hợp đề thi chính thức khó hơn, gây rủi ro cho học sinh.


Tăng độ khó 10 - 15% để phòng rủi ro

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch hội đồng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), nhận định đề tham khảo mà Bộ công bố đã đi đúng hướng khắc phục được “sai lầm” của đề năm 2018.
Theo ông Hòa, năm nay đề tham khảo đã thể hiện đúng hướng với chuẩn của kỳ thi THPT. Bộ không nên tự mình làm khó khi ra đề phổ thông mà quá khó, thậm chí phải lên tới 80% nội dung đề thi dành kiểm tra kiến thức căn bản, phổ thông, 20% phân hóa. Còn trường ĐH có lấy kết quả của kỳ thi đó hay không là tùy.
Cũng chính vì năm 2018, đề thi chính thức một số môn khó hơn đề tham khảo khiến hiện tại các trường phải chuẩn bị phương án phòng ngừa cho năm 2019 để tránh gây sốc cho học sinh (HS).
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho biết ngay sau khi Bộ công bố đề tham khảo, trường đã yêu cầu các tổ bộ môn nghiên cứu kỹ từng đề minh họa để xây dựng ngân hàng đề của riêng trường mình, phục vụ công tác ôn tập. Các tổ bộ môn đều nhận xét tỷ lệ phân hóa trong đề thi là 60% nội dung cơ bản và 40% nâng cao. Đáng chú ý, theo bà Quỳnh, đề minh họa năm nay được đánh giá dễ hơn hẳn so với năm ngoái nên khi xây dựng ngân hàng đề cũng như kế hoạch ôn tập của trường, các môn đều tăng độ khó lên một chút, khoảng 10 - 15%, so với đề minh họa để phòng ngừa trường hợp đề thi chính thức khó hơn đề minh họa, đặc biệt với môn toán.
Cùng quan điểm, bà Vũ Thị Hậu, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội), cho biết trường xây dựng đề cương ôn tập từng môn cho HS cũng theo hướng tăng độ khó lên một chút để đề phòng đề chính thức khó hơn, HS sẽ không bị bất ngờ mà vẫn sẵn sàng làm bài tốt nhất.

Ôn phòng hờ kiến thức lớp 10, 11

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, thầy trò các nhà trường “thở phào” vì đề minh họa hầu như không có kiến thức lớp 10 như dự kiến ban đầu mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Nhờ vậy, giáo viên định hướng ôn tập cho HS tốt hơn chứ không mông lung như khi nghe nói có cả kiến thức lớp 10, 11 như trước. Tuy nhiên, các trường cũng đề nghị Bộ phải thể hiện điều này ở đề chính thức, tránh thiệt thòi cho thí sinh.
 
 
Đề tham khảo có giá trị...tham khảo rất tốt
Trao đổi với PV Thanh Niên sau khi công bố đề tham khảo, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết: Đề thi tham khảo đã được Bộ công bố theo đúng tinh thần đã thông tin trước đó là nội dung đề của kỳ thi năm 2019 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.
Ông Trinh cam kết đề tham khảo mà Bộ GD-ĐT công bố có giá trị tham khảo rất tốt cho việc ôn tập thi THPT quốc gia. Việc xây dựng đề thi tham khảo đã nằm trong quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD-ĐT như một bước chuẩn bị rất quan trọng tiến tới việc xây dựng đề thi chính thức.
“Do vậy, tôi mong HS và các nhà trường nhanh chóng nghiên cứu, tham khảo đề thi này để có hình dung, định hướng cụ thể cho việc dạy học và ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi năm 2019 đạt kết quả tốt nhất”, ông Trinh nhắn nhủ. 
Tuyết Mai
Tại TP.HCM, lãnh đạo các trường THPT cho biết đang bám sát đề tham khảo để ôn tập cho HS. Từ cấu trúc của đề minh họa môn ngữ văn, giáo viên Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho hay sẽ luyện câu hỏi phần đọc hiểu để HS đạt trọn 3 điểm, đồng thời luyện tập kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội có độ dài 200 chữ. Với nghị luận văn học, giáo viên sẽ có cách ôn tập kiểu “mưa dầm thấm lâu”, tức giáo viên sẽ giúp HS nắm vững tác phẩm, từ đó có hướng để giải quyết các dạng đề.
Dù trong đề tham khảo không đề cập đến kiến thức lớp 10 và 11 nhưng trong quá trình ôn tập, giáo viên cho rằng vẫn cần có sự “phòng hờ” vì không biết có độ lệch với đề thi chính thức hay không. Chẳng hạn, với môn toán, thầy Trần Văn Toàn cho rằng có thể học kỳ 2 tập trung vào kiến thức lớp 12 nhưng trước khi thi 1 tháng, HS cũng nên xem lại kiến thức lớp 10, 11.

Ôn theo năng lực, rèn kỹ năng

Ông Ngô Tấn Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Khánh (H.Cần Giờ, TP.HCM), cho hay sau khi kết thúc kiểm tra học kỳ 1, các thầy cô sẽ hướng dẫn học trò làm bài và rà soát lại kiến thức kịp thời.
Từ đề tham khảo, ông Nguyễn Vân Yên, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương (Q.5, TP.HCM), cho hay giáo viên định hướng được kỹ năng cần chuẩn bị cho HS, cách giải quyết vấn đề như thế nào chứ không chỉ học những kiến thức.
Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết các tổ bộ môn của trường xây dựng nội dung ôn tập theo năng lực học tập, ngành nghề chọn lựa của HS nhằm giúp các em ôn phù hợp và đúng trọng tâm, nhu cầu. Chẳng hạn những HS học giỏi, chọn các trường ĐH thuộc tốp đầu như: Y Dược, Bách khoa, Ngoại thương… sẽ thực hiện ôn tập những kiến thức nâng cao. Còn HS chọn trường Kinh tế, Sư phạm kỹ thuật, Nông Lâm.... tập trung ôn chương trình lớp 12...
Bà Vũ Thị Hậu cho rằng do Bộ GD-ĐT công bố phương án thi THPT quốc gia không thay đổi lớn nên ngay từ đầu năm học, nhà trường đã cho HS lớp 12 chọn tổ hợp nào để dự thi, qua đó có hướng ôn tập phù hợp. Hết học kỳ 1, sau khi có kết quả kiểm tra, nhà trường sẽ làm việc với tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên xem có “báo động” gì về thực trạng học tập của HS để có giải pháp phù hợp hơn. Trước khi nghỉ Tết Nguyên đán sẽ tổ chức thi thử và công bố kết quả để HS biết tình hình học tập của mình. Dự kiến với những HS nằm trong nhóm “báo động” thì sẽ mời phụ huynh đến để tư vấn và phối hợp trong việc chuẩn bị thi THPT giai đoạn “nước rút”. (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.