Ôn tập môn văn thi THPT hiệu quả

Từ thang điểm 4, câu nghị luận văn học của đề thi THPT quốc gia môn ngữ văn được tăng lên 1 điểm, chiếm 50% tổng số điểm bài thi. Như vậy, đây là câu hỏi quan trọng và có tính phân loại thí sinh nhiều nhất.

Ngoài nội dung kiến thức chủ yếu ở chương trình lớp 12, thí sinh chú ý một điểm nữa là học sinh hệ THPT và GDTX thi chung một đề, nên đề chỉ cho những tác phẩm mà cả hai hệ cùng học. Để ôn tập hiệu quả, thí sinh chú ý các kỹ năng sau:
Hệ thống hóa kiến thức. Thí sinh cần có cái nhìn hệ thống bao quát toàn bộ giới hạn nội dung ôn thi. Giới hạn này nằm ở hai bài Khái quát văn học VN từ CMT8 năm 1945 đến hết TK XX (lớp 12). Bài khái quát này giúp ta hệ thống toàn bộ tác phẩm có trong nội dung ôn thi, nắm được các đặc điểm cơ bản của từng giai đoạn văn học... để từ đó có cơ sở hiểu đúng nội dung tư tưởng, quan điểm thẩm mỹ, nghệ thuật... của từng tác phẩm và chùm tác phẩm.
Phân chia theo nhóm thể loại tác phẩm. Việc ôn tập theo hệ thống giúp ta có cái nhìn theo nhóm thể loại. Cả chương trình ôn thi lớp 12 quy về các thể loại sau: Văn chính luận/nghị luận, thơ, truyện ngắn, tùy bút, bút ký; văn bản kịch. Hệ thống theo thể loại giúp ta ôn tập đúng hướng nội dung từng thể loại, từng tác phẩm và lượng trước dạng đề bài mà đề thi sẽ cho, vì mỗi thể loại, mỗi tác phẩm có đặc trưng riêng, có cách yêu cầu đề riêng. Ví dụ, khi ôn các văn bản kịch (Hồn Trương Ba, da hàng thịt - Lưu Quang Vũ) phải chú ý đến các mâu thuẫn xung đột (vì bản chất của kịch là xung đột, mâu thuẫn), và từ các mâu thuẫn ấy phải rút ra ý nghĩa gì? Hay khi ôn các tác phẩm thuộc thể loại chính luận (như Tuyên ngôn Độc lập - Hồ Chí Minh), cần chú ý nhiều nhất là nghệ thuật lập luận. Cũng như thế, đối với truyện ngắn, các dạng đề thường gặp là phân tích nhân vật, tình huống, một khía cạnh nội dung hoặc nghệ thuật của truyện (như nhân vật Tràng, tình huống của Vợ nhặt - Kim Lân). Với thơ, là phân tích một đoạn thơ tiêu biểu của bài thơ, phân tích một khía cạnh bao trùm bài thơ (như đoạn 1 của bài Tây tiến - Quang Dũng, hoặc hình tượng người lính Tây tiến). Ngoài ra, cần chú ý đến dạng bài bàn luận về một ý kiến bàn về văn học...
Ôn tập theo nhóm chủ điểm. Có nhiều chủ điểm về đề tài, chủ đề, hình tượng nhân vật, cảm hứng tư tưởng, bút pháp nghệ thuật, phong cách tác giả... Chẳng hạn về đề tài đất nước, về vẻ đẹp hình tượng người phụ nữ; về vẻ đẹp của các con sông; về cảm hứng lãng mạn; về khuynh hướng sử thi, chủ nghĩa anh hùng cách mạng; về giá trị hiện thực, nhân đạo; về phong cách nghệ thuật, bút pháp sáng tác... Tất cả các chủ điểm này đều có ở một số chùm tác phẩm trong chương trình lớp 12.
Lập sơ đồ tư duy. Sơ đồ tư duy là cách hệ thống kiến thức bài học ngắn gọn theo một bộ khung dàn ý, dựa vào đó người học có cơ sở để nhớ toàn bộ tác phẩm. Đây là cách ôn nhiều người khuyên dùng trong thời gian gần đây vì ngắn gọn, cô đọng, dễ nhớ... Có nhiều cách lập sơ đồ tư duy, tùy theo đặc trưng của từng tác phẩm. Ví dụ từ nhan đề (chẳng hạn Vợ nhặt), từ tác giả (như Hồ Chí Minh), từ nhân vật (như nhân vật Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa), hoặc một chi tiết ý nghĩa nhất của tác phẩm (như bàn tay của nhân vật Tnú - Rừng xà nu)...
Một sơ đồ tư duy có thể cho người ôn tập cùng một lúc hệ thống được ý của nhiều tác phẩm. Ví dụ khi lập sơ đồ tư duy về nhân vật thì có thể hệ thống được rất nhiều nhân vật có trong tác phẩm ở chương trình ngữ văn lớp 12.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.