Ở nơi thầy cô không biết thưởng tết là gì!

Đình Tuyển
Đình Tuyển
31/01/2019 08:19 GMT+7

Xã Trung Bình, một trong những xã bãi ngang ven biển 'đặc biệt khó khăn' của cả nước, giáo viên không biết thưởng tết là gì. Mỗi dịp tết về, thầy cô ở đây gánh thêm nhiều nỗi lo toan.

Khi mọi nhà chuẩn bị “đưa ông Táo”, thầy trò Trường THCS Trung Bình, xã Trung Bình, H.Trần Đề, Sóc Trăng vẫn sôi nổi với những tiết học cuối cùng trước kỳ nghỉ tết. Các thầy cô không có giờ lên lớp tranh thủ trang trí sân khấu, chuẩn bị cho chương trình văn nghệ “Xuân yêu thương”, gây quỹ giúp học sinh (HS) nghèo. Theo các thầy cô, đây là chương trình rất quan trọng vừa giúp HS có dịp vui chơi đón xuân vừa vận động, quyên góp để chăm lo, “giữ chân” những HS có hoàn cảnh khó khăn không bỏ học sau tết.

Lo tết cho trò nghèo

Chưa bao giờ thấy buồn hay bất công vì không có thưởng tết. Chỉ buồn là học sinh của mình nhiều em còn khó khăn quá. Các em thiệt thòi hơn thành thị rất nhiều nên mỗi thầy cô đều tự nhủ phải dành tình cảm nhiều hơn cho học trò
LÊ THỊ HỒNG LOAN
Giáo viên Trường THCS Trung Bình, xã Trung Bình, H.Trần Đề, Sóc Trăng
Một sân khấu ngoài trời khá sặc sỡ đã dần hoàn tất, mọi thứ gần như đã sẵn sàng cho đêm diễn 31.1. Thầy Trang Thanh Tới, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết các tiết mục văn nghệ đều “cây nhà lá vườn” do HS của trường biểu diễn; một số tiết mục sẽ nhờ các “ca sĩ nhí” trường mẫu giáo lân cận để chương trình phong phú hơn. Khách mời là phụ huynh, các mạnh thường quân và thầy cô giáo.
“Chương trình này 3 năm chúng tôi mới tổ chức một lần. Lần gần nhất quyên góp được 20 triệu đồng, nhờ đó mà trường có quà tết cho hàng trăm HS nghèo. Mong là năm nay sẽ thành công hơn, quyên góp được bằng hoặc hơn năm trước”, thầy Tới nói.
Cầm danh sách HS dự định được nhận quà, thầy Tới cho biết thêm trường có tổng cộng 380 HS thì có đến 106 em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo (80 em hộ nghèo, 28 em hộ cận nghèo). “Chúng tôi phải lo tết cho các em trước, thầy cô tính sau. Nếu chương trình văn nghệ quyên góp thành công, trường dự định phát 80 phần quà cho HS nghèo, mỗi suất trị giá 150.000 đồng. Những em thuộc diện hộ cận nghèo sẽ được phát gạo. Trường đã có 220 kg gạo do hội chữ thập đỏ hỗ trợ. Số tiền nếu còn dư sẽ đưa vào quỹ khuyến học để dành hỗ trợ học bổng, đồng phục, sách, tập vở cho những em gặp khó khăn khác”, thầy Tới nói.
Thầy Trương Minh Đáng tới tận nhà động viên gia đình HS Nguyễn Phúc Anh, cố gắng cho em đến trường
Nhắc đến thưởng tết cho giáo viên, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Bình chỉ cười rồi bảo, ở nơi đặc biệt khó khăn này, trường làm gì có nguồn nào tăng thêm mà chia thưởng cho giáo viên. “Mỗi năm tết về, công đoàn và ban giám hiệu nhà trường cố gắng gom góp tặng mỗi thầy cô chai nước tương, nước mắm, ít đường, muối, bột ngọt... vậy là vui rồi”, thầy Tới nói.
Cô Lê Thị Hồng Loan, chủ nhiệm lớp 6A1, kể thi thoảng bạn bè làm nghề khác cũng dò hỏi tiền tết, nhưng dạy 8 năm rồi chưa biết thưởng tết là gì. “Chưa bao giờ thấy buồn hay bất công vì không có thưởng tết. Chỉ buồn là HS của mình nhiều em còn khó khăn quá. Các em ở đây thiệt thòi hơn thành thị rất nhiều nên mỗi thầy cô đều tự nhủ phải dành tình cảm nhiều hơn cho học trò mình”, cô Loan nói.

Nỗi lo hụt sĩ số

Nằm ở ngay cửa sông Hậu, nơi con nước phù sa đổ ra biển tạo thành bãi bồi, sình lầy trải dài, Trung Bình được xem là một trong những xã xa xôi, khó khăn nhất miền Tây. Theo Quyết định 131/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, Trung Bình nằm trong danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven và hải đảo. Xã có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm 41%), số hộ nghèo chiếm hơn 10,5%.
Xa xôi, cách trở bậc nhất miền Tây, mùa khô đất nhiễm mặn, sản xuất gặp khó nên người dân ở xã Trung Bình ly hương ngày càng nhiều. Vì thế, việc học hành của trẻ cũng có những khốn khó rất đặc thù. “Tết xong là y như rằng sĩ số lớp lại giảm vì HS bỏ học theo cha mẹ đi làm xa. Hụt nhiều nhất thường là khối lớp 7, lớp 8, lứa tuổi nhiều gia đình cho rằng học đến đó là đủ biết chữ rồi”, thầy Trương Minh Đáng, giáo viên Trường THCS Trung Bình nói.
Không chỉ riêng Trường THCS Trung Bình, tình trạng HS bỏ học sau tết ở Trần Đề còn xảy ra nhiều ở các trường THCS Lịch Hội Thượng (xã Lịch Hội Thượng), THCS Tài Văn (xã Tài Văn).
Thầy Võ Minh Dẫn, Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Trần Đề, cho biết cũng vì đặc thù vùng đồng bào Khmer sinh sống, HS bỏ học sau tết nhiều nên năm nào Phòng GD-ĐT H.Trần Đề cũng phải ra công văn chỉ đạo hiệu trưởng các trường phối hợp địa phương, đoàn thể đến từng gia đình HS khó khăn hay có cha mẹ đi làm ăn xa để tìm hiểu gia cảnh và vận động gia đình cố gắng cho con em đến trường. HS nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn thì vận động giúp các em như tặng xe đạp, gạo để các em đến trường.
Các trường cũng phải chủ động tìm kiếm vận động các nguồn học bổng giúp HS.
“Dù rất cố gắng nhưng tết năm rồi, huyện vẫn có đến 377 HS/tổng số 5.448 HS cấp THCS nghỉ học sau tết, chiếm đến 6,92%. Trước tết này, hiện đã có 104 em không còn đến trường. Phòng đã đề nghị các trường cố gắng tìm hiểu hoàn cảnh, vận động xem thế nào”, thầy Dẫn cho biết.
HS Trường THCS Trung Bình háo hức chờ đợi chương trình văn nghệ đón xuân của trường

Tận tâm với trò nghèo

Theo chân thầy Trương Minh Đáng tới tận nhà động viên, giúp đỡ một HS có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng mới thấy sự tận tâm của những giáo viên ở vùng đất quanh năm nhiễm mặn Trung Bình. Em Nguyễn Phúc Anh, lớp 8A1, là HS giỏi của trường nhưng mẹ bị bệnh nan y. Cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn khi mọi chi phí gia đình đều trông vào tiền công làm thuê ít ỏi của cha Phúc Anh. “Biết con học giỏi, ham học lắm nhưng không biết vợ chồng tôi có đủ khả năng cho con học đến cấp 3 không”, bà Nguyễn Thị Thúy Liễu, mẹ Phúc Anh, nói.
Thầy Đáng kể 17 năm đi dạy không thể kể hết những lần lặn lội đến nhà HS để vận động các em trở lại trường sau tết. “Phần lớn là những em hộ đồng bào Khmer, nhà nghèo ở cách trường từ 7 - 8 km đường ruộng. Muốn động viên các em ra lại lớp, không có cách nào khác là phải đến tận nơi, tìm hiểu xem nguyên nhân các em nghỉ rồi mới biết đường giúp”.
Ở Trường THCS Trung Bình, nhiều thầy cô còn phải trích tiền lương để mua quần áo, đồ dùng học tập cho những HS khó khăn. “Lớp tôi chủ nhiệm có 2 chị em mồ côi. Cha mất sớm, mẹ bỏ nhà đi. Hai em sống với người cô bán vé số, nếu mình không quan tâm giúp từ bộ đồ đến tập vở thì chắc chắn các em sẽ nghỉ học giữa chừng”, thầy Đáng nói.
Giờ ra chơi, học trò Trường THCS Trung Bình ùa về khu vực sân khấu để xem các thầy cô kết hoa, trang trí sân khấu. Ánh mắt học trò ngây thơ, háo hức chờ ngày hội. Hy vọng chương trình “Xuân yêu thương” của thầy trò THCS Trung Bình sẽ thành công hơn lần trước, để những học trò nghèo của trường có thêm quà và đón tết vui tươi, đủ đầy hơn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.