'Nước nào cũng thế, đều đầu tư cho học sinh tài năng và các em yếm thế'

30/06/2020 20:52 GMT+7

Xung quanh những ồn ào về việc “bán trường chuyên”, đại diện Bộ GD-ĐT nói "không có chuyện đó. Phát triển trường chuyên đã được thể chế hóa. Các nước khác cũng thế, đều ưu tiên đầu tư cho học sinh tài năng, học sinh yếm thế".

Nhà nước ưu tiên đầu tư cho tài năng, học sinh yếm thế

Trong cuộc họp báo chiều nay, 30.6, của Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, đã trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan tới nội dung trên mạng xã hội gần đây dấy lên những ồn ào đề nghị “bán trường chuyên”, “tư nhân hóa trường chuyên”, hay có cần nữa mô hình trường chuyên như hiện nay...
Ông Thành cho biết, vấn đề phát triển mô hình hệ thống trường chuyên đã được thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, từ quan điểm của Đảng, qua kết luận số 242 năm 2009 của Bộ Chính trị tới quy định trong luật Giáo dục 2019 mới đây. Theo đó, trường chuyên là trường được dành cho học sinh có kết quả học tập xuất sắc, từ đó sớm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài từ cấp THPT.
Như vậy, việc đầu tư, phát triển trường chuyên đã được thể chế hóa. “Chúng ta không đặt ra vấn đề xã hội hóa trường chuyên được đâu. Có 2 đối tượng, một là bồi dưỡng tài năng, hai là đối tượng yếm thế, nhà nước phải đầu tư. Các nước đều thế cả, nhà nước phải đầu tư để bồi dưỡng tài năng để từ đó có nguồn nhân lực chất lượng cao. Còn khúc dễ mới có thể xã hội hóa được”, ông Thành nói.

Căn cứ vào chương trình đại trà để đánh giá học sinh chuyên

Ông Thành cũng cho biết, mô hình trường chuyên hiện nay được phát triển trên cơ sở đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 mà Chính phủ đã phê duyệt thông qua Quyết định 959/QĐ-TTg năm 2010 (gọi tắt là Đề án 959).
Hiện Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch tổ chức hội nghị tổng kết Đề án 959 trong năm nay. Bộ GD-ĐT sẽ đánh giá một cách căn bản quá trình phát triển trường chuyên, xác định rõ đến giờ chúng ta đã đạt được những gì để đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của Đề án 959, đồng thời phát hiện ra những gì còn bất cập so với xu hướng phát triển của giai đoạn mới. Từ đó xác định hướng đi căn bản cho hệ thống trường chuyên trong thời gian tiếp theo.
Ông Thành cũng nêu vấn đề nguyên tắc đánh giá chất lượng, hiệu quả trường chuyên: “Quan điểm của Bộ GD-ĐT, trường THPT chuyên trước hết là một trường THPT thực hiện chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT. Vì là trường chuyên nên được đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất, hay đội ngũ giáo viên là những người có năng lực trội hơn so với các giáo viên khác. Cũng vì thế mà chất lượng giáo dục đại trà trong các trường THPT chuyên cũng đạt được chất lượng cao, từ đó mới nói đến chất lượng giáo dục mũi nhọn”.
Ông Thành nói: “Không thể chỉ nhìn vào một số em đi thi quốc tế, vì dù chúng ta có nhiều em giỏi nhưng mỗi đội tuyển chỉ được dăm sáu em đi thi, do đó số này rất ít. Chúng ta phải nhìn vào số em còn lại, là những học sinh trong trường chuyên học chương trình bình thường, rồi học thêm các chuyên đề chuyên sâu của môn học theo năng khiếu, sở trường. Mà những em này được giáo dục toàn diện, kỹ năng mềm rất tốt”.
Trước câu hỏi của phóng viên báo Thanh Niên về việc có học sinh THCS ở một số trường chuyên, ông Thành khẳng định, nhà nước chỉ cho phép dạy chuyên ở cấp THPT. Nhưng thực tế có một vài trường THPT, khi thành lập lại được thành lập theo điều lệ trường có nhiều cấp học, vì thế mà có cả học sinh THCS.
Ví dụ như Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) ngay từ khi thành lập đã có hệ THCS. Hay Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng đã có hệ THCS từ nhiều năm.
“Chúng tôi xin khẳng định hệ THCS trong những trường này không phải là chuyên, mà chuyên chỉ có ở hệ THPT”, ông Thành nhấn mạnh, rồi cho biết thêm: “Tới đây chúng ta cũng sẽ đánh giá một cách rõ ràng để xem vai trò đóng góp của hệ THCS trong các trường chuyên này ra sao. Tuy chưa có khảo sát nhưng qua theo dõi chúng tôi thấy học sinh học hệ THCS này thi vào hệ chuyên của THPT có tỷ lệ đỗ rất cao”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.